Đan Mạch và những nỗ lực nhân rộng mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng bền vững, những hỗ trợ, cam kết của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch đã đóng góp không nhỏ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu này.
Lan tỏa tinh thần phát triển bền vững của quốc gia “thiên đường”
25 năm qua, nền kinh tế Đan Mạch tăng trưởng khoảng 75% trong khi mức tiêu thụ năng lượng vẫn duy trì ở mức ổn định. Quốc gia này trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển bền vững khi tiên phong trong việc ứng dụng thành công những giải pháp đáp ứng nhu cầu năng lượng cho tương lai.
Hiện nay, mô hình quy hoạch năng lượng và những giải pháp công nghệ xanh của Đan Mạch đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ năng lượng cải tiến tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch cũng là nhân tố tích cực, chủ động trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong tiến trình tăng trưởng bền vững.
Carlsberg Việt Nam – mô hình sản xuất hướng tới tương lai
Song song với các hoạt động cấp nhà nước, nhiều doanh nghiệp Đan Mạch hoạt động tại Việt Nam cũng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Một ví dụ điển hình là chương trình Together Towards Zero của Tập đoàn Carlsberg – một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới. Chương trình phát triển bền vững của Carlsberg được phát động tại Việt Nam từ tháng 6/2017, nhằm chống lại các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khan hiếm nước và các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Chương trình nằm trong nỗ lực thực hiện mục tiêu Sản xuất bia vì một hiện tại tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn, và là một phần trong chiến lược SAIL’22 của Tập đoàn Carlsberg.
Cụ thể, Carlsberg sẽ phối hợp với các chuyên gia hàng đầu thế giới nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể bao gồm:
- Xóa bỏ hoàn toàn khí thải carbon tại các nhà máy bia vào năm 2030 và sử dụng 100% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tại các nhà máy bia vào năm 2022
- Giảm 50% lượng nước sử dụng tại nhà máy bia vào năm 2030 (so sánh với số liệu năm 2015) và hợp tác với các bên liên quan để tối ưu hóa sử dụng nguồn nước tại các khu vực nhà máy bia có nguy cơ cao
- 100% cung cấp sản phẩm bia không cồn vào năm 2022 nhằm tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, cung cấp thông tin về uống trách nhiệm và dinh dưỡng trên mạng Internet cũng như trên bao bì, đồng thời cộng tác với các tổ chức nhằm khuyến khích uống có trách nhiệm.
- Giảm tỷ lệ tai nạn hàng năm nhằm đạt được mục tiêu KHÔNG tai nạn lao động
Theo đó, báo cáo tiến độ đầu tiên của Carlsberg sẽ được công bố vào năm 2019, dựa trên số liệu năm 2018.
“Việc sản xuất bia bền vững hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả công ty và các nước sở tại. Hơn nữa, chúng tôi tin tưởng rằng đây là một việc làm đúng đắn, không những thúc đẩy công việc kinh doanh của chúng tôi mà còn đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn”, ông Stefano Clini, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam, cho biết.
Bà Charlotte Laursen – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp tích cực của doanh nghiệp này: “Các doanh nghiệp Đan Mạch hoạt động tại Việt Nam đã mang đến những giải pháp quan trọng trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo và quản lý nguồn nước bền vững, được ghi nhận là những điển hình về sản xuất bền vững tại Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu chính là Carlsberg, với kế hoạch CSR hiệu quả tập trung vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm tiêu thụ nước.”
Đến nay, Carlsberg Việt Nam đã trở thành một trong những nhà máy sản xuất bia với lượng tiêu thụ nước và sử dụng năng lượng điện hiệu quả nhất tại Châu Á. Đây là kết quả tích cực góp phần vào sự thành công của chương trình Together Towards Zero nói riêng và những nỗ lực của các cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch nói chung trong công cuộc nhân rộng mô hình phát triển bền vững.