Cải thiện đời sống dân nông thôn bằng các dự án thiết thực

Cuộc sống của người dân nông thôn rất cần được thay đổi. Bên cạnh tình trạng đói nghèo thì vấn đề vệ sinh cũng là một thách thức lớn mà người dân nông thôn đang gặp phải.

Cải thiện đời sống dân nông thôn bằng các dự án thiết thực  - 1
Thực tế cho thấy các dự án vệ sinh và sức khỏe cộng đồng từ
các quỹ, tổ chức trong nước và quốc tế đang tỏ ra hiệu quả
và thực sự cần thiết.
 
Thực trạng về vấn đề vệ sinh
 
Có dịp về những vùng nông thôn nghèo, vùng núi cao, xa xôi, hẻo lánh mới thấy cuộc sống bà con nơi đây khó khăn thế nào. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhà tiêu không hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở liền khu ăn nghỉ...
 
Ngoài nguyên nhân do đời sống khó khăn, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường kém, còn do tập tục, lối sống và quan niệm truyền thống lâu đời.
 
Số khác lại do diện tích sinh hoạt chật hẹp, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, làm gia tăng nguy cơ mất vệ sinh môi trường nông thôn. Dịch bệnh liên tục xuất hiện, đặc biệt là tiêu chảy, đau mắt đỏ và ung thư.
 
Xã Thạch Kim và Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) là một ví dụ. Đây là 2 xã miền biển làm nghề đánh bắt và chế biến thủy sản. Cảm nhận đầu tiên khi đến đây là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Các công trình nước sạch, chuồng trại và nhà tiêu chật hẹp, liền sát rất mất vệ sinh.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, Phạm Xuân Lộc đã có một điều tra nhỏ về tình trạng người chết vì ung thư trong 10 năm (1997-2007).
 
Ông cho biết, có 549 người chết, trong đó riêng ung thư là 154 trường hợp. Ngoài ra, nhiều trường hợp chết trong độ tuổi lao động nhưng không rõ nguyên nhân. Ông Lộc nhận định, nhiều khả năng do ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh hoạt mất vệ sinh.
 
Không khác gì Thạch Kim, người dân Thịnh Lộc liền kề không có thói quen xây nhà tiêu. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xây liền khu ăn ở, sinh hoạt. Rác thải vứt bừa bãi chất cao thành đống... Các loại bệnh hô hấp, tiêu hóa đã dồn dập xuất hiện trong những năm gần đây.
 
Các dự án về “làng”
 
Từ thực tế này, năm 2008, Trung tâm Phát triển vì người nghèo đã đề xuất thực hiện dự án Môi trường vệ sinh và an toàn cho người dân Thịnh Lộc.
 
Ngay sau đó, dự án đã nhận được cam kết tài trợ kinh phí thực hiện từ Quỹ Unilever Việt Nam (UVF) -  một đối tác tài trợ thường niên cho các dự án vệ sinh và sức khỏe cộng đồng.
 
Giám đốc Trung tâm Phát triển vì người nghèo - Từ Thị Phương Nga cho biết, năm 2006, lần đầu tiên Trung tâm nhận được tài trợ từ UVF cho dự án vệ sinh và sức khỏe cộng đồng tại xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Dự án đã giúp người dân biết cách thu gom, tái chế rác thải nông nghiệp, môi trường nông thôn đã trở lại xanh sạch đẹp.
 
Năm 2008, Trung tâm tiếp tục nhận được sự tài trợ từ UVF cho dự án Môi trường vệ sinh và an toàn cho người dân Thịnh Lộc.
 
Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 60 nhà vệ sinh cho hộ nghèo. Hơn 500 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp và 70% hộ dân được hưởng lợi gián tiếp từ dự án. Họ sẽ được nâng cao nhận thức về môi trường và có thái độ tích cực đến công tác bảo đảm vệ sinh.
 
Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ người dân thu gom, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường (xây dựng quy chế hoạt động đội tự quản, quy chế bảo vệ môi trường tại cộng đồng....).
 
Khi biết tin dự án đã được UVF tài trợ cho xã, người dân Thịnh Lộc rất vui mừng. Họ hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi, thoát khỏi cảnh ô nhiễm, bệnh tật. Thế hệ con cháu sau này sẽ khỏe mạnh đến trường. Bà Nga chia sẻ.
 
Theo ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Quỹ Unilever Việt Nam (UVF), cải thiện đời sống người dân nông thôn bằng các dự án vệ sinh và sức khỏe cộng đồng là mục tiêu hàng đầu của UVF.
 
Chính vì thế, năm 2008, 25 dự án chăm sóc sức khỏe và vệ sinh đã nhận được cam kết tài trợ từ UVF với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.
 
Ông Hoài nhấn mạnh, UVF sẽ góp một phần nhỏ cải thiện sức khỏe người dân nông thôn Việt Nam bằng cách tăng cường thực hiện việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và cải thiện môi trường sống. Họ có quyền được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn từ những điều cơ bản nhất.

Nguyễn Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm