An Giang hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ CPTPP
(Dân trí) - “Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả, đó là niềm vui để đáp trả với doanh nghiệp. Nếu ta vô cảm với doanh nghiệp thì hàng tháng nhận tiền lương cũng sẽ ngại ngùng. Doanh nghiệp là bộ mặt của tỉnh, là niềm tự hào của tỉnh”.
Đó là phát biểu của ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang ngày 11/5 tại hội thảo: “Làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp An Giang nắm bắt cơ hội mang lại từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cụ thể, ông Lê Văn Nưng cho biết: Thời gian qua An Giang luôn xác định và xem doanh nghiệp là trọng tâm. Bởi không còn con đường nào khác cho An Giang nếu không có doanh nghiệp mạnh về chất lượng, đông về số lượng. Hiện An Giang có khoảng 8000 doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 phải có 10.000 doanh nghiệp.
Ông Nưng cũng cho biết: “Dù có chấm điểm PCI hàng năm hay không chấm điểm thì An Giang vẫn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bởi doanh nghiệp đóng thuế nuôi bộ máy; doanh nghiệp giải quyết được lao động việc làm nâng cao đời sống nhân dân”.
“Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả thì đó là niềm vui để đáp trả với doanh nghiệp. Nếu ta vô cảm với doanh nghiệp thì hàng tháng nhận tiền lương cũng sẽ ngại ngùng. Doanh nghiệp là bộ mặt của tỉnh, là niềm tự hào của tỉnh. Việc hỗ trợ doanh nghiệp ngoài ý nghĩa kinh tế thì còn mang một ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn”, ông Nưng nhấn mạnh.
Vẫn theo lời ông Nưng, từ hôm nay, nếu ngân hàng từ chối doanh nghiệp vay vốn thì phải có câu trả lời rõ ràng. Đại diện Ngân hàng nhà nước tỉnh An Giang sẽ cùng doanh nghiệp đối thoại với các ngân hàng. Nếu không thành công, trực tiếp Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ cùng doanh nghiệp đối thoại với ngân hàng. Mục tiêu là giải quyết câu hỏi vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp địa phương lại thiếu vốn.
Mặt khác, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất, kiến nghị, kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn. Bên cạnh đó, làm việc với tất cả cán bộ, công chức, viên chức của các lực lượng thuế, hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành…để thực hiện phương châm chỉ đạo “từ dưới lên”, “đi vào tận gốc vấn đề cản trở doanh nghiệp phát triển”.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Năm 2017, An Giang đã có sự cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với tổng điểm đạt 62,16 điểm (tăng 4,37 điểm), xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2016, đứng thứ 7/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm.
Ông Tuấn cũng đã đưa ra một số khuyến nghị cải thiện môi trường kinh doanh như: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, thuế, môi trường, quản lý thị trường…; Giảm bớt các hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp không cần thiết; Giảm thiểu các gánh nặng tuân thủ; Nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho doanh nghiệp; Tạo nguồn cung lao động có kỹ năng…
Phạm Tâm