10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi

“Hội nhập: Thách thức và cơ hội” phát sóng ngày 31 tháng 5 năm 2017 là chương trình đặc biệt đánh dấu chặng đường 10 năm tham gia và hội nhập vào WTO của Việt Nam với khách mời là ông Pascal Lamy – Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới WTO.

10 năm qua được đánh giá là giai đoạn có nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế và tất cả có sự ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên với những cải cách từ bên trong, với những chính sách đa phương, đa dạng hóa về kinh tế, thương mại và đầu tư với gần 200 quốc gia, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.

10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi - 1

Tuy nhiên, sau 10 năm tăng trưởng kinh tế, đất nước chủ yếu vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, con số xuất khẩu vẫn tập trung phần lớn vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế về thể chế, yếu kém trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những tồn tại này, cùng với xu hướng bảo hộ đang có dấu hiệu gia tăng ở những đối tác rất lớn của Việt Nam như Mỹ và Châu Âu đang đặt ra cho Việt Nam không ít thách thức. Vậy chúng ta cần tập trung vào những ưu tiên nào để tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội do WTO mang lại trong thời gian tới?

10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi - 2

Ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại WTO tin rằng, Việt Nam sẽ luôn là đối tác quan trọng của WTO cũng như WTO sẽ luôn nằm trong một phần chiến lược phát triển của Việt Nam. Bởi theo ông, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp khoảng 90% GDP của Việt Nam (so với trước đây là 33% GDP), đây được coi là tỉ trọng rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi đã đóng góp nhiều vào việc đàm phán những hiệp định nhằm giảm rào cản thương mại.

10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi - 3

Khách mời của chương trình lần này, Nguyên Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã nhận định 3 điểm lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đạt được sau 10 năm gia nhập WTO. Đó chính là nhận được số lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhiều quốc gia, tốc độ tăng trưởng bình quân cao (6 – 6.5%) và tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng mà vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy.

10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi - 4

Cũng theo ông, vấn đề không phải là việc Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu mà quan trọng là xuất khẩu đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế. Ông nói: “Nếu xuất khẩu nhiều mà nhập khẩu cũng nhiều thì lĩnh vực thương mại sẽ không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế. Vấn đề là việc nhập khẩu phải giúp tăng giá trị gia tăng cho ngành sản xuất trong nước rồi sau đó mới xuất khẩu thì đó mới là điều quan trọng cho Việt Nam, nhất là trong 3 lĩnh vực xuất khẩu chính: điện tử, may mặc và thực phẩm”.

Lời khuyên của ông dành cho Việt Nam là nên lắng nghe doanh nghiệp về ngắn hạn để tạo cho họ những điều kiện, khuôn khổ cho đầu tư kinh doanh và một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch; về trung và dài hạn, Việt Nam cần phải đầu tư vào con người, giáo dục, khoa học công nghệ cũng như sáng tạo.

10 năm WTO – Một chặng đường không dễ đi - 5

Chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội” được phát sóng vào khung giờ 22h45 – 23h15, Thứ tư hàng tuần với thời lượng 30 phút /1 số. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam, Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.