Sự phát triển của công nghệ cảm ứng
Công nghệ màn hình cảm ứng hay thuật ngữ chuẩn bằng tiếng Anh là Touchscreen đã không còn quá xa lạ với người dùng các sản phẩm công nghệ đầu cuối đặc biệt là điện thoại di động.
Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta còn có máy tính bảng, máy tính cá nhân, thiết bị truyền hình, y tế cũng sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng. Vậy công nghệ cảm ứng là gì? Đâu là những ưu điểm nổi bật của các thiết bị sử dụng công nghệ cảm ứng? Và trong tương lai, xu hướng này sẽ đi tới đâu?
Cảm ứng là tên gọi của công nghệ hiển thị điện tử mà có thể nhận biết một tác động cũng như vị trí của tác động đó trong một giới hạn hiển thị nhất định, thường gọi là màn hình cảm ứng. Có 2 loại công nghệ cảm ứng thường được sử dụng trên điện thoại di động:
Cảm ứng điện trở (Resistive technology): màn hình sử dụng công nghệ này được cấu tạo để nhận ra sự thay đổi về dòng điện khi có tác động bên ngoài. Sự thay đổi đó sẽ được chuyển về bộ phận xử lý để thực thi.
Cảm ứng điện dung (Capacitive technology): Với công nghệ này, màn hình được tráng một lớp bán dẫn trong suốt. Khi chạm vào màn hình, điện dung tại điểm tiếp xúc sẽ thay đổi. Tín hiệu sẽ được ghi nhận và xử lý.
Màn hình sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung không yêu cầu phải ấn mạnh ngón tay như cảm ứng điện trở. Tất cả những thao tác cần thiết các cú chạm hay vuốt nhẹ. Điều này khiến màn hình cảm ứng điện dung có thể hoạt động bền bỉ, trong khi đó mà hình cảm ứng điện trở sẽ dễ bị xước và nhanh hỏng hơn do yêu cầu tác động mạnh. Hơn nữa, trong hai loại công nghệ cảm ứng trên, chỉ có màn hình cảm ứng điện dung mới hỗ trợ đa điểm. Nhược điểm của cảm ứng điện dung là thao tác yêu cầu tay người phải tiếp xúc trực tiếp vào màn hình, hoặc bút stylus đặc biệt, đây cũng chính là ưu điểm của cảm ứng điện trở.
Trước đây, các điện thoại di động sử dụng màn hình cảm ứng thường được cho là cao cấp, hoặc bị nhầm lẫn với smartphone, PDA. Tuy nhiên, ngày nay công nghệ cảm ứng đã phổ biến hơn và được sử dụng trên nhiều loại điện thoại di động. Với màn hình cảm ứng, chúng ta có thể được lợi một số điểm như sau:
Thứ nhất, màn hình rộng hơn rất nhiều do tận dụng được bàn phím ảo mà không cần tích hợp bàn phím cơ nữa. Không gian rộng rõ ràng là tiện lợi cho việc giải trí, làm việc, và tương tác hơn rất nhiều do có nhiều không gian hơn. Công nghệ màn hình cảm ứng cũng tiện lợi hơn trong việc bảo quản và vệ sinh thiết bị hơn là khi có sự hiện diện của bàn phím cơ truyền thống.
Thứ hai, công nghệ “chạm” cũng cho phép thực hiện nhiều thao tác rất dễ dàng mà nếu điều khiển bằng bàn phím cơ sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể. Ví dụ, để phóng to một tấm hình chỉ cần sử dụng hai đầu ngón tay và kéo theo hướng ra xa nhau; hoặc để zoom hình ảnh với tâm là một điểm nhất định, chỉ việc chạm kép (double-touch) vào điểm đó. Trong khi nếu dùng phím cơ thì thao tác có thể phức tạp hơn nhiều.
Cuối cùng, màn hình cảm ứng luôn đem lại cho người dùng một cảm giác mới lạ, một trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều. Thông qua những chuyển động của ngón tay, chúng ta lập tức nhận ra sự thay đổi trên màn hình, điều đó đem lại cảm giác được điều khiển, kiểm soát một hành động.
Với những ưu điểm trên, điện thoại cảm ứng ngày nay đã bùng nổ với sự ra đời của hàng loạt tên tuổi trên thị trường. Tuy vậy, điện thoại tích hợp công nghệ này hiện vẫn chưa được phổ biến hóa cho nhiều người dùng ở mọi tầng lớp thu nhập do vẫn còn tâm lý: công nghệ cảm ứng là một tính năng cao cấp của điện thoại.
Với mong muốn thay đổi quan điểm trên và đem lại cho người dùng cơ hội trải nghiệm điện thoại cảm ứng ở những mức giá phù hợp nhất, trong thời gian sắp tới, thương hiệu điện thoại di động Việt Q-mobile sẽ cho ra mắt loạt sản phẩm sử dụng màn hình cảm ứng được tích hợp cùng với những tính năng đa dạng khác. Hy vọng đây sẽ là một xu hướng mới đem lại sự tiện lợi cho người dùng.