Mới ra mắt gần đây không lâu, sản phẩm smartphone kế tiếp của Q-mobile là Q-Smart S22 đang được đem ra bàn tán và mổ xẻ trên nhiều diễn đàn công nghệ.
Nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau đang được đưa ra dựa trên những quan điểm khác nhau. Trong bài này, chúng tôi không nhấn mạnh về việc đưa ra quan điểm riêng mà chỉ tổng hợp những ý kiến chính đánh giá về sản phẩm này.
Giao diện chính trên S22
Điểm đầu tiên được các thành viên nhắc đến là màn hình của máy khá rộng, đem lại trải nghiệm khá tốt. Kích thước màn hình 4.3”, phân giải 480*800 sắc nét. Màn hình sử dụng công nghệ IPS LED tiết kiệm điện năng và đem lại chất lượng hiển thị hình ảnh trung thực hơn. Khả năng hiển thị 3D còn có sự trợ giúp của GPU PowerVR SGX531. Kích thước màn hình này thậm chí lớn hơn những smartphone tầm trung có tiếng khác hiện có trên thị trường như Samsung Galaxy Ace 2 (màn hình 3.8”), HTC Desire V (4.0”),… Tuy nhiên, một vài thành viên cho rằng, họ mong muốn màn hình có độ phân giải qHD 540x960 pixel (như Sensation và Evo 3D của HTC) hoặc tầm cỡ AMOLED LCD, những công nghệ màn hình chỉ hiện diện trên những smartphone khủng giá khoảng chục triệu đồng.
CPU cũng luôn là tâm điểm với các smartphone. Q-Smart S22 dùng chip 2 nhân dual-core xung nhịp 1GHz, đóng gói kèm GPU PowerVR SGX531. Phần đông ý kiến cho rằng đây là động thái nâng cấp tính năng mang tính cách mạng trên một chiếc smartphone Việt. Mặc dù có những ý kiến thể hiện mong muốn chip xử lý nên có thương hiệu hơn (như Qualcomm), nhưng thành viên tubingo (diễn đàn Tinhte) cùng vài bạn khác cũng đồng tình với ý kiến rằng nếu chạy chip Qualcomm thì khả năng hỗ trợ 2 sim và một số tính năng trên kết nối 3G như video call sẽ không phát huy hết tác dụng của nó. Bộ nhớ ROM + RAM của máy lần lượt là 4GB và 512MB, đủ để chạy được nhiều game nặng như AirAttack HD, Tank Terak 3D hay Blood and Glory. Tuy nhiên, một thành viên trên vozforum nhận định, cấu hình máy chưa thực sự tối ưu: “tôi nghĩ chip 2 nhân chỉ cần xung nhịp 800MHz là OK nhưng đổi lại RAM tăng lên 784MB thì tốt hơn”.
Chơi game AirAttack HD trên S22
Về khoản hệ điều hành của máy, Q-Smart S22 chạy bản Android 4.0.4 ICS gần như là mới nhất từ Google với nhiều tính năng nổi bật như tìm kiếm bằng giọng nói, xem và chuyển đổi các ứng dụng đang chạy với tính năng preview, chụp hình nhanh screenshot với tổ hợp nút power + volume,…. Người dùng cũng sẽ tiếp tục quản lý dữ liệu danh bạ, tin nhắn, ứng dụng cài đặt từ Google Play Store bằng tài khoản Gmail. Giao diện của Q-Smart S22 được tùy chỉnh đôi chút so với bản Android gốc, khác biệt này là không đáng kể. “Đã từng dùng iOS, nhưng Android vẫn là sự lựa chọn cuối cùng của tôi vì khả năng tùy biến thoải mái hơn, không bị bó buộc vì sự độc quyền như IOS”, hoangle85 chia sẻ trên Vozforum. Tuy vậy, Android ICS sẽ yêu cầu tài nguyên hệ thống nhiều hơn cũng như hao pin nhanh hơn.
Giao diện chụp hình trên S22
Trong thời đại chụp hình và chia sẻ hình ảnh như ngày nay, camera cũng trở thành đề tài sôi nổi. Q-Smart S22 được tích hợp camera với cảm biến phân giải 5.0MP, có đèn flash kép hỗ trợ quay phim, chụp hình. Camera này có khả năng tự động lấy nét, tự động nhận diện khuôn mặt, quay video chuẩn HD. Đa số các thành viên cho rằng camera như vậy là ổn, tuy vẫn còn một vài bạn cho rằng nếu zoom hình lớn lên thì màu sắc chưa được “tươi” lắm.
Do đứng trên nhiều quan điểm khác nhau để “mổ xẻ” sản phẩm nên các luồng ý kiến về Q-Smart S22 khá nhiều. Nhiều thành viên đang sở hữu các máy khủng có thương hiệu tầm 9-10 triệu đồng vẫn đánh giá cao tính thương hiệu của sản phẩm và chê thương hiệu Q-mobile không mạnh. Tuy nhiên, với các ý kiến suy xét dựa trên tính năng sản phẩm thì họ đồng tình nhau ở chỗ cần đánh giá sản phẩm dựa trên mức phí mà đối tượng khách hàng bỏ ra mua. Có nghĩa, mức giá bán lẻ 3.790.000Đ của S22 tặng thẻ nhớ 8GB là rất tốt so với cấu hình. Thậm chí đây được coi là mức giá tốt nhất thị trường so với những dòng máy khác có cấu hình tương đương.