Bạn cần biết:
Cách bảo quản thức ăn trong tủ lạnh ngày Tết
(Dân trí) - Những ngày Tết, tủ lạnh của mỗi gia đình thường sẽ phải hoạt động nhiều hơn bình thường bởi lượng thức ăn tăng lên đáng kể, tích trữ cho nhiều ngày dài. Vậy làm thế nào để bảo quản thực phẩm được lâu và an toàn?
Phân loại thực phẩm để bảo quản
Mỗi loại thực phẩm sẽ có những đặc tính khác nhau và cần nhiệt độ bảo quản khác nhau. Thế nên, phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản là việc rất quan trọng mà người dùng cần chú ý.
Để đông lạnh vào bảo quản thịt, cá tươi sống người dùng nên để loại thực phẩm này ở ngăn đá tủ lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng -18 độ C, ở mức nhiệt này vi khuẩn không thể nào phát triển được.
Các loại thực phẩm như nước giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm và thức ăn chín cần được để ở ngăn mát với nhiệt độ khoảng 0 độ C.
Với thực phẩm là rau củ hoặc trái cây, mức nhiệt độ phù hợp để bảo quản là từ 0 - 4 độ C.
Đóng gói thực phẩm cẩn thận và an toàn
Nhiễm chéo là hiện tượng vi khuẩn được chuyển giao từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn đến một bề mặt khác chưa nhiễm khuẩn. Và hiện tượng này sẽ xảy ra trong tủ lạnh nếu người dùng không đóng gói thực phẩm cẩn thận.
Các loại thịt, cá tươi sống sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nếu không được xử lý kỹ càng trước khi cho vào tủ lạnh. Thế nên, người dùng cần rửa sạch thịt, cá trước, để ráo nước và máu, sau đó cho vào túi hay hộp kín rồi mới cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, loại thực phẩm này cũng cần được để tách biệt hẳn với các loại thực phẩm khác.
Với rau, củ, quả người dùng nên bỏ túi nilong ra khỏi rau củ ngay sau khi mua về để không khí lưu thông. Rửa rau quả rồi để ráo hẳn nước trước khi cất vào tủ lạnh vì sự ẩm ướt có thể làm chúng dễ mốc và thối nhanh hơn.
Đối với các loại sữa, khi mua về thường được chứa trong hộp giấy. Tuy nhiên, để bảo quản sữa tươi, những chai nhựa đựng sữa tươi sẽ tốt hơn là hộp carton, vì vi khuẩn có thể sinh sôi gần vòi hút của hộp và đi theo vào cốc sữa mỗi lần người dùng rót ra.
Người dùng cũng nên lưu ý bọc kín đồ ăn thừa trước khi cho vào tủ lạnh. Nên chia đồ ăn thừa vào các hộp đựng nhỏ, nông để chúng được làm lạnh nhanh hơn và nên đợi thức ăn nguội rồi mới cất vào tủ.
Chú ý đến các thực phẩm không nên để trong tủ lạnh
Tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn tuyệt vời, nhưng vẫn có ngoại lệ là một số loại thực phẩm mà người dùng không nên cất giữ trong tủ lạnh.
Đầu tiên là cơm, khi cho cơm vào tủ lạnh vi khuẩn Bacillus cereus sẽ sinh sôi, có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn và bệnh tiêu chảy. Các loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, dưa, hành... cũng là những loại có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng, để trong tủ lạnh sẽ có xu hướng bị mềm và thối.
Các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài, cam táo có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng sẽ ảnh hưởng đến hương vị.
Các loại bánh và thực phẩm giàu tinh bột khác để trong tủ lạnh sẽ nhanh chóng bị khô cứng.
Đặc biệt là những thực phẩm đông lạnh sau khi được rã đông thì vi khuẩn sẽ xâm nhập rất nhanh. Do đó, thực phẩm đã rã đông không nên cho lại vào tủ lạnh mà cần được chế biến ngay. Tốt nhất người dùng hãy chia thành từng phần nhỏ thích hợp với mỗi lần chế biến.
Sắp xếp tủ lạnh một cách khoa học
Không chỉ giúp tủ lạnh gọn gàng, sạch sẽ mà sắp xếp tủ lạnh 1 cách khoa học còn giúp người dùng bảo quản thực phẩm được tốt hơn. Người dùng nên sắp xếp thực phẩm theo thứ tự thực phẩm chín ở ngăn trên và thực phẩm sống ở ngăn dưới, thực phẩm tươi sống cần giữ lâu ngày thì để ở ngăn lạnh đông.
Ngoài ra, người dùng còn có thể đánh dấu hạn sử dụng lên hộp hoặc túi đựng thực phẩm, xếp các loại thực phẩm sắp hết hạn ra phía ngoài để dễ dàng nhìn thấy, tránh tình trạng bỏ sót thực phẩm trong tủ lạnh lâu ngày khiến tủ lạnh có nhiều vi khuẩn.
Người dùng cũng không nên cất, trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì có thể vượt quá công suất, dẫn tới nhiệt độ lạnh không đều dẫn đến việc thực phẩm dễ hư hỏng.
Tuy có nhiều cách để bảo quản thực phẩm được lâu và an toàn hơn, nhưng người dùng cũng không nên để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất trung gian gây hại cho sức khỏe người dùng.
Quá trình cấp đông và rã đông làm mất khoảng 1/3 chất béo hòa tan trong thịt, một số chất dinh dưỡng gần như mất hết. Một số thực phẩm như: rau, củ, quả, thịt, cá và những món ăn chế biến sẵn như dăm bông, thịt hun khói, patê, xúc xích để bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh có thể sinh ra hàm lượng Nitrite khi kết hợp với acid amine trong thực phẩm sẽ tạo ra Nitroamine, là chất gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Nguyễn Quang- Như Quỳnh