Yếu tố nhân dân trong lấy phiếu tín nhiệm cán bộ
(Dân trí) - Cuộc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quần chúng cả nước. Phần lớn phản hồi phản ánh khá sát với thực tế về lòng tin trong dân với các cấp chính quyền hiện nay nói chung.
Nguyên nhân chính, theo phân tích của Trần Chính Nhân hung_dangmanh@yahoo.com là:
“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo cách này thì tôi nghĩ rằng như thế cũng là đúng, là phản ánh chính xác cái nhìn và đánh giá của cán bộ với nhau. Chỉ có điều kết quả đó có thể không phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của cán bộ. Mà suy cho cùng thì cán bộ là để phục vụ nhân dân, vậy cũng cần có ý kiến của các đối tượng được phục vụ thì mới có kết quả thực. Biết đâu trong mắt nhân dân kết quả đó khác đi và nhân dân sẽ cho ý kiến đúng hơn nhỉ..."
Chính congchinhgtcc@yahoo.com cũng phần nào đồng tình, nhưng nêu thêm những điểm còn… chưa rõ:
“Kết quả theo công bố như thế, tôi nghĩ là tốt. Nhưng có một điều mà tôi chưa hiểu là các lãnh đạo đang nói đến năng lực của công chức và cả việc ‘chạy’ công chức. Trước đó cũng theo như các bác đã nói là có khoảng 30% cán bộ công chức không làm được việc, vậy thì việc này có liên quan gì đến công tác quản lý của các cán bộ lãnh đạo không? Và nếu theo kết quả này thì tôi cho là khả năng không liên quan đến các cán bộ lãnh đạo HN, nên qua đợt bỏ phiếu tín nhiệm này mới không có ai bị đánh giá là yếu kém?...”
Cụ thể hóa hơn nữa, nhiều bạn đọc đặt tiếp loạt câu hỏi về chuyện vì sao cán bộ đều tốt như vậy, mà những mặt còn “có vấn đề” của Thủ đô vẫn bị dân kêu ca và phản ánh khá nhiều:
“Cán bộ tốt vậy sao HN vẫn bị phản ánh là nơi phức tạp về nhiều mặt như văn hóa, xã hội, giao thông, ý thức của người dân ... vân vân và vân vân.... HN là nơi thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên trên cả nước, nhưng hình như làm chỉ mới trên danh nghĩa thì phải???” – Hero Dung: trananhdung@gmail.com
“Tôi nghĩ, kết quả này cũng đúng thôi vì người bỏ phiếu tín nhiệm đâu phải người dân, mà là những người tham gia bộ máy quản lý mà. Họ bầu cho nhau thì như vậy, trong khi đó thì dân đưa đơn kiện khá nhiều về những việc làm sai trái của cấp cơ sở, những bài báo nói về sự chưa minh bạch trong nhiều lĩnh vực vẫn đầy khắp các trang báo. Họ bầu cho nhau như thế, tôi nghĩ, cũng là để cho đẹp là chính thôi, bởi lẽ ai mà chả có sai lầm. Nhưng đương nhiên đã là những cán bộ được giao đảm trách các cương vị đó thì phải tốt rồi. Còn những cái sai chắc chỉ nhỏ tí xíu thôi...” - Son: nvson87@yahoo.com.vn
“Theo tôi được biết, GDP đầu người của Hà Nội là 1.820 USD, Bình Dương 2.200 USD, TP HCM 3.600 USD, Vũng Tàu 5.872 USD. Chưa xét về lĩnh vực khác, về kinh tế đã là thủ đô thì phải là đầu tàu và hơn các địa phương khác. Nhưng qua đây, tôi cho rằng năng lực lãnh đạo kinh tế của các bác ở Hà Nội như vậy là chưa đạt yêu cầu. Vì thế, kết quả bỏ phiếu đẹp như trên khiến tôi thấy cũng hơi... lạ. Theo tôi, nên để người dân bỏ phiếu tín nhiệm là chính xác nhất. Còn ở VN mình với tính cách thường nể nang nhau, thì cán bộ bỏ phiếu tín nhiệm cho cán bộ dân e rằng vẫn chỉ mang tính hình thức…” – Thuan Novo: thuanono@gmail.com
Có được những con số đẹp, nhất là về chất lượng cán bộ thì lẽ ra hơn ai hết mọi cư dân Thủ đô phải vui mừng và tự hào mới đúng. Nhưng khi so sánh với thực tế còn biết bao điều khiến dân chưa thể hài lòng, thì xem ra con số đẹp lại chưa thể được dân tin. Nhất là tác phong làm việc không chỉ của riêng đội ngũ cán bộ Hà Nội mà là trên cả nước nói chung vẫn "hành là chính", rồi mới đây nhất là những thông tin chẳng lấy gì làm “đẹp” về con số “100 triệu chạy công chức”… Vậy nên có thể nói là tâm lý dị ứng với những con số đẹp vẫn chưa thể được xóa bỏ trong một sớm một chiều trong rất nhiều người dân. Hơn thế nữa, số đẹp quá lại càng dễ đẩy sang những liên tưởng vu vơ tới… “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức”...
“Haizzz.... Cái này giống học sinh đỗ tốt nghiệp 100%....1 con số quá đẹp....” – Hoang Trung: hoangtrungdn@gmail.com
“Tôi thấy vẫn mang tính hình thức nhiều hơn. Theo tôi, để có kết quả đúng với thực tế hơn thì trước hết hãy để đối tượng được lãnh đạo trực tiếp bỏ phiếu kín để lấy tín nhiệm cho các vị cán bộ lãnh đạo, hoặc dùng phương thức điều tra xã hội học để thăm dò tín nhiệm. Thế mới dân chủ, khách quan…” – Tu Duy Nhiem: tuduynhiem@yahoo.com
“Nếu căn cứ vào các cuộc bỏ phiếu, các cuộc họp, hội nghị thì tôi nghĩ rằng chắc không có một quốc gia nào có thể… sánh kịp được VN chúng ta cả. Nhưng có lẽ thực tế thì sẽ đối lập lại hoàn toàn...” - Vũ Văn Quân: quanmadvet@yahoo.com
“… Có liệt kê những công việc chính mà những người được giao thực hiện và việc triển khai thế nào để đánh giá cho thật khách quan không?...” - Nguyễn Thông: baovn2002@gmail.com
“... Theo tôi, nên thí điểm một phường để người dân bỏ phiếu xem kết quả ra sao mới thật rõ được… Tóm lại, vấn đề là người dân chúng tôi đã bị suy giảm lòng tin nhiều nên cũng khó khôi phục lại được lắm” – Hung Tuan: hungtuancm@gmail.com
“ Cần xem người đánh giá là ai. Theo tôi, người đó phải là nhân nhân HN mới đúng được, chứ còn mấy vị làm trong cơ quan đó tự đánh giá nhau thì khó chính xác lắm. Ví dụ như ở cơ quan tôi cuối năm cũng có mục đánh giá lãnh đạo theo 4 tiêu chí: Hoàn Thành Xuất Sắc, Hoàn Thành Tốt, Hoàn Thành Nhiệm Vụ, Không hoàn thành nhiệm vụ. Mình đã miễn cưỡng đánh giá sếp ở mức Hoàn Thành Tốt nhiệm vụ, nhưng đến khi nộp cho trưởng phòng thì bị ăn mắng và bị bắt phải đánh giá lại ở mức cao nhất (Hoàn Thành Xuất Sắc NV) .... Nên mình nghĩ nếu cứ đánh giá kiểu này thì khác gì làm cho có thôi nhỉ…” - Nguyen: langtuxaque2_0_3@yahoo.com
“Tôi lại liên tưởng tới một trận cầu giao hữu... khi các cầu thủ không ai bảo ai nhưng đều có chung suy nghĩ là không đá căng hoặc giành chiến thẳng làm gì, tỷ số nên là… Hòa. Còn nói thật, các công bộc của Hà Nội làm được gì thì người dân biết ngay…” - Nguyễn Tuấn Kiệt: anhtuankiet@gmail.com
Thực tế cho thấy việc họp hành, kiểm điểm, phê và tự phê trong hàng ngũ cán bộ nước ta được thực hiện thường xuyên ở mọi ngành, mọi cấp và mọi nơi. Nhưng đúng là tỉ lệ Tốt bao giờ cũng rất cao, trong khi hầu như ở bất kỳ lĩnh vực nào dân cũng kêu ca các cán bộ công quyền rất nhiều. Như vậy, hỏi sao tâm lý nghi ngờ không ngày càng lan rộng và ăn sâu vào tiềm thức bao người?
Phản ánh điều đó cả với kết quả bỏ phiếu này, Nguyễn Ngọc Duẩn thainamtdi@yahoo.com nêu ý kiến:
“Nếu không làm được thật sự công khai và minh bạch, thì tôi lo là việc bỏ phiếu cũng chỉ đạt được 2 mục đích: Một là có thể lại hạ thấp năng lực, phẩm chất, đạo đức... của cán bộ. Hai là nâng vận động tín nhiệm cho bản thân cán bộ. Vậy theo tôi nghĩ, việc bỏ phiếu và kiểm phiếu phải công khai thực sự, ví dụ như có hệ thống camera giám sát từ lúc bắt đầu bỏ phiếu đến lúc kiểm phiếu. Khi kiểm phiếu nên đọc to từng kết quả, đưa từng tờ phiếu soi lên máy camera, thống kê nội dung đầy đủ. Tất cả việc làm đó phải có nhiều máy quay giám sát ở các góc độ khác nhau. Tổ kiểm phiếu làm việc ngay tại nơi bỏ phiếu, trước mặt toàn thể những người bỏ phiếu, sau đó công khai video này trước bàn dân thiên hạ. Làm như thế thì tôi tin kết quả mới chính xác được, không thì dân vẫn sợ rằng lại chỉ là hình thức mà thôi?”
Phương dc_duyphuong@yahoo.com cũng nhận xét:
“Thời gian gần đây thấy xuất hiện mô hình lấy phiếu tín nhiệm trong các tổ chức của Nhà nước và cụ thể ở đây là trong bộ máy cán bộ lãnh đạo HN. Tuy là công khai, minh bạch nhưng tôi thấy cũng vẫn giống như mô hình phê bình và tự phê bình mà cán bộ của ta vẫn hay làm Dù cũng có nét khác, nhưng cái cốt lõi là kết quả thì dường như vẫn… không thay đổi được. Dù có yếu kém thì cũng vẫn thế… có thấy ai phải khắc phục cụ thể ra sao đâu. Tôi nghĩ, sở dĩ như vậy cũng bởi sự đánh giá khách quan nhất là nhân dân thì lại không thấy thể hiện ở đây. Việc bỏ phiếu tín nhiệm là nội bộ giữa những cán bộ quản lý này với nhau, thì dù việc bỏ phiếu là kín thì theo tôi vẫn mang tính chủ quan và có sự chi phối lẫn nhau…. Nước ngoài người ta áp dụng là phù hợp vì theo tôi nhận thấy có sự đánh giá khách quan từ nhiều đối tượng, từ các bên liên quan đến người dân. Nếu chính quyền làm sai, quản lý yếu, KTXH kém phát triển thì cụ thể nó hiện ra rồi, đánh giá rất dễ. Người làm sai thì thường thấy họ tự động từ chức để người có tài hơn lên làm thay. Chứ bỏ phiếu kể cả có % yếu kém xuất hiện mà không từ chức thì làm gì được?”
Tất nhiên phản hồi của người dân không tránh được những đánh giá còn có phần chủ quan, chưa toàn diện. Nhưng trên hết, người dân tiếp tục góp ý cũng nhằm mục đích để qua nhiều kênh thông tin khác nhau, Hà Nội và sau đó là các địa phương trên cả nước sẽ rút ra được những kinh nghiệm chung thật tốt. Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả thực chất, có ý nghĩa thiết thực, được nhân dân tin tưởng và hưởng ứng…
Khánh Tùng