Ý tưởng và hiện thực

(Dân trí) - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có quy định học sinh đóng góp ý kiến về nội dung sách giáo khoa.

Học sinh được tham gia đóng góp ý kiến về sách giáo khoa là một đột phá trong việc biên soạn sách giáo khoa. Khoản 3 điều 29 của Dự thảo bổ sung: "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa, việc chọn sách để dạy thí điểm, tổ chức dạy thí điểm, lấy ý kiến đóng góp của nhà giáo, nhà khoa học,   nhà quản lý giáo dục, hội nghề nghiệp, học sinh; việc thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm sách giáo khoa bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt". Theo quy định tại điều khoản này, học sinh được tôn trọng, được quyền nói lên chính kiến, đặt ra những yêu cầu để xây dựng nội dung cho chính bộ sách mà mình sẽ học.

Ý tưởng là rất tốt. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến đóng góp từ học sinh liệu có khả thi. Để biên soạn nội dung chương trình của sách giáo khoa đòi hỏi tính khoa học và tính chuyên nghiệp rất cao. Trên thực tế, ngay cả đội ngũ giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm cũng không  thể đủ kiến thức để đóng góp. Từ trước đến nay, việc kêu gọi đóng góp ý kiến cho sách giáo khoa cũng chỉ có sự hưởng ứng từ các nhà khoa học, nhà giáo có thâm niên giảng dạy, ít có sự "xã hội hóa" ý kiến. Điều đó cho thấy, phát biểu về chất lượng sách giáo khoa khác hẳn bình luận về một vấn đề thông thường.

Nhiều cán bộ có uy tín trong ngành giáo dục cho rằng, để góp ý về nội dung chương trình,  sách giáo khoa cần phải có quá trình nghiên cứu, so sánh, đối chiếu các bộ sách khác nhau qua từng thời kỳ, thậm chí là tham khảo sách của các nước để học tập những ưu điểm của họ. Các bước nghiên cứu đó chỉ dành cho những người chuyên nghiên cứu khoa học, không phải dành cho những học sinh. Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ rằng: "Vấn đề quan trọng ở đây là học sinh góp ý bằng cách nào? Vì nếu để các em góp ý trực tiếp vào sách giáo khoa thì phải nói thẳng rằng: Các em không biết gì để góp ý kiến".

Ban hành một văn bản luật đòi hỏi tính chặt chẽ, tính khả thi của nó khi vận hành vào đời sống. Nếu có những quy định mang tính hình thức vì không vận dụng được trong thực tế thì văn bản luật có chất lượng không cao. Đối với quy định học sinh góp ý sách giáo khoa, không ít ý kiến cho rằng thiếu thực tế và kém hiệu quả. Nếu như học sinh có đóng góp thì cũng là ý kiến rất cảm tính, không có cơ sở khoa học phục vụ cho một công việc cực kỳ quan trọng, đó là biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm