Xử lý triệt để từ những việc nhỏ

(Dân trí) - Đúng là “xử nghiêm khắc đến đâu cũng là xử lý việc đã rồi”, bởi ai cũng hiểu rằng điều cốt lõi nhất của mỗi bản án là nhằm răn đe, giáo dục kẻ vi phạm luật pháp. Đó mới là vấn đề cần xem xét.

Nick Sông Thương cocaiay@yahoo.com bày tỏ: “Thực tế xã hội hiện nay cho thấy số lượng trẻ vị thành niên phạm tội “cướp, giết, hiếp” ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao hơn. Những thanh niên lứa tuổi tên Luyện bây giờ sẵn sàng cầm dao chém người, hiếp dâm bạn gái thậm chí cả trẻ em. Vì sao? Vì chúng chưa có sự trưởng thành về nhân cách, cộng thêm tác động tiêu cực của game bạo lực, phim sex online tràn lan, và cả sự thờ ơ của các bậc cha mẹ. Trong xã hội chúng ta hiện nay đang có xu hướng bị kim tiền điều khiển khá nhiều.

 

Pháp luật có thể có kẽ hở, nhưng luật đời thì luôn công bằng. Điều đáng bàn là sau những vụ án thảm khốc như thế này thì ý thức, nhận thức của người dân liệu có thay đổi? Sự quan tâm và trách nhiệm quản lý của cơ quan pháp quyền có nâng cao và thiết thực hơn, để thực sự mang lại hiệu quả ngăn ngừa tội ác xảy ra? Mong lắm thay!”

 

thanghalong  thanghalong_1975@yahoo.com đưa ra dẫn chứng: “Tôi thấy những việc nhỏ không làm triệt để thì sẽ dẫn tới nhiều việc xảy ra không theo ý muốn. Đơn cử khi công an giao thông tuýt còi người vi phạm đỗ lại thì chịu phạt, còn ai thốc ga chạy rất nguy hiểm cho người khác cùng tham gia giao thông thì lại không bị phạt. Từ đó kích thích tính mạo hiểm của những người trẻ, cứ thế tích luỹ dần dẫn tới chống người thi hành công vụ, băng nhóm tội phạm. Vậy thì cần biết bao nhiêu biên chế cho ngành công an mới đủ để mang lại trật tự xã hội?”

 

Cho rằng việc ngăn chặn thảm kịch từ những chuyện nhỏ vẫn chưa được chú ý,  lê nguyễn levanhai175@gmail.com lấy ví dụ từ nước ngoài trong cách xử lý triệt để những hành vi vi phạm luật pháp dù là nhỏ nhất: “Ở một số nước, kể từ hành vi nhục mạ hoặc đe doạ người khác đã bị xử lý rất nghiêm. Báo chí đã từng phản ánh trường hợp một du học sinh Việt ở nước ngoài vì bực tức cầm dao dọa bạn, đã bị bắt ngay. Có ngăn chặn bạo lực từ đầu như vậy thì người ta mới biết tự răn mình, không dám vượt quá quy tắc ứng xử thông thường, từ đó hạn chế được hành vi phạm tội. Từ dân sự đến hình sự là khoảng cách rất ngắn, nếu không có biện pháp mạnh hơn từ những vụ dân sự. Tất cả nên giải quyết khi còn đang là vấn đề nhỏ, tránh để chuyện đã rồi như ông bà ta vẫn nói 'cái sảy nảy cái ung'. Hãy giải quyết triệt để khi nó còn là cái sảy ...”

 
Xử lý triệt để từ những việc nhỏ - 1

Hung thủ Lê Văn Luyện trong vụ sát hại gia đình tiệm vàng Ngọc Bích (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
 

Trong khi đó, conan.conan trixp2002@gmail.com cho rằng dạy kỹ năng sống là việc không thể lơ là, bởi tính cách được hình thành ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường:

 

“Theo tôi giáo dục hiện nay quá chú trọng về kiến thức mà đã lơ là việc dạy người. Từ ngàn xưa, đạo học làm người là quan trọng nhất. Theo tôi môn giáo dục công dân trong nhà trường cần được coi trọng và bắt buộc trong các kỳ thi cuối cấp. Một con người dù giỏi thế nào nếu không là người tốt thì cũng không giúp ít được gì cho ai, cho xã hội, mà ngược lại có thể còn gây hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Học để làm gì, cho mình và trở thành người tốt cho xã hội, vậy ta phải học những gì? Thực trạng hiện nay thường chỉ chạy theo kiến thức, mà quên đi cái quan trọng là học để làm người. Để làm người có ích cho XH thì phải là 1 người tốt trước đã rồi, mới xem kiến thức của họ ra sao.

 

Ngoài lề 1 chút, ngày xưa tôi cặm cuội học jóa học, vật lý rồi vật lý cao cấp...nhưng  thử hỏi bao nhiêu người ra trường nhớ được những thứ này. Trong trường ĐH hoàn toàn không có bài học để trở thành 1 người tốt, y đức tốt, 1 bác sỹ tốt, 1 kỹ sư tốt... Nếu có cũng chỉ được dạy qua loa, còn gần như bị bỏ qua. Tôi nghĩ mọi người nên chú trọng cách giáo dục cho thế hệ sau trở thành 1 người tốt, trước khi trở thành 1 người có chuyên môn nghề nghiệp...”

 

Đồng tình với nhận định của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tuấn Minh tuantk@gmail.com  bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết. Dù pháp luật xử lý thế nào thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi. Tôi thấy rằng, ở nước ta hiện nay, cứ khi nào xảy ra các vụ nghiêm trọng người ta mới lại hô hào này nọ mà không chịu tìm cách ngăn chặn từ gốc. Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của các hành vi bạo lực hiện nay cũng như các hành vi tiêu cực khác  chủ yếu xuất phát từ giáo dục. Cụ thể là nền tảng giáo dục từ gia đình. Ngày nay, có lẽ rất ít bậc cha mẹ dạy con “đói cho sạch, rách cho thơm” nữa rồi. Vì chưa xây dựng được “nền móng” tốt, mà chúng ta đã vội “xây nhà cao” nên “gãy đổ” là tất yếu.

 

Võ Thành Công congsnv@gmail.com nêu ý kiến: “Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều hành vi tội ác. Để hạn chế tối đa hành vi tội ác, phòng ngừa trước sẽ tốt hơn phòng chống. Chống thì việc đã rồi. Cần tăng nặng hình thức xử phạt đối với người phạm tội. Nhà nước có chính sách nhân đạo, nhưng nhân đạo đối với người tội phạm là không hợp lý.

 

Ý thức, hành vi của con người phải được rèn luyện từ thuở ấu thơ. Đừng quá đỗ lỗi cho “hội nhập” mà hãy xem xét lại nhận thức. Con người khác con vật ở chỗ là biết phân biệt đúng sai đối với những chuẩn mực xã hội.

 

Pháp luật đã có chế tài đối với những hành vi phạm tội từ mức độ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng. Tuy nhiên có người lại nói là chuyện ít nghiêm trọng nhiều quá, xử lý không xuể, vậy phải chờ đến khi nghiêm trọng mới xử lý sao? Hãy làm từ nhiều việc nhỏ thì sẽ ngăn chặn được những hại lớn hơn!!!”...

 

Trần Bách