Xử lý thí sinh vụ gian lận điểm thi: Không thể tạo ra tiền lệ nửa vời

Dư luận đang rất quan tâm về cách xử lý của Bộ GDĐT đối với các thí sinh được nâng điểm liên quan vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La với hơn 220 trường hợp được nâng điểm.

Xử lý thí sinh vụ gian lận điểm thi: Không thể tạo ra tiền lệ nửa vời - 1

Dư luận đang rất quan tâm về cách xử lý của Bộ GDĐT đối với các thí sinh được nâng điểm liên quan vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La với hơn 220 trường hợp được nâng điểm.

Vấn đề ở đây là, cách xử lý trước hết phải bảo đảm được sự nghiêm minh của pháp luật, sai là phải xử, liên quan tới sai trái phải được xem xét xử lý.

Thứ nữa, việc xử lý nghiêm còn bảo đảm sự công bằng trong môi trường học tập và thi cử với cả triệu học sinh trong cả nước, để các em cảm thấy có động lực học tập và sự cố gắng được đền đáp một cách công bằng.

Những trường hợp thí sinh được nâng điểm thi tốt nghiệp THPT tại ba tỉnh trên, sau khi chấm lại không đạt điểm chuẩn vào các trường, bị ngừng cho học tiếp thì đã đành; còn với những thí sinh có điểm thi được nâng liên quan tới các vụ tiêu cực nghiêm trọng trên, cho dù sau khi chấm lại điểm vẫn đạt chuẩn vào một số trường, được cho tiếp tục học, e rằng dễ gây ra tiền lệ xấu kiểu xử lý nửa vời.

Bởi chiếu theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, tại Điều 49, Khoản 6, điểm đ, đó là những kết quả điểm thi vi phạm, không hợp pháp, do vậy không thể sử dụng kết quả không hợp pháp đó để dự tuyển vào các trường cùng với hàng ngàn thí sinh có điểm thi hợp pháp được.

Đây là yếu tố tiên quyết để xét tuyển, không chỉ đối với việc tuyển vào đại học mà cả các lĩnh vực khác. Đã là kết quả thi không hợp pháp, chỉ có một con đường là nói “không”. Kết quả thi đó cần được hủy, thí sinh muốn tốt nghiệp THPT và lấy điểm đó để xét tuyển đại học thì buộc phải thi lại; hoặc thí sinh là thủ phạm thì thậm chí còn bị xử nặng hơn.

Có thể, nhiều thí sinh trong hàng trăm trường hợp được nâng điểm thi, không hay biết việc mình được nâng điểm. Có thể, các em là nạn nhân việc làm sai trái của người lớn. Về mặt nhân đạo, có thể không nên nêu tên các em rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhưng với những người lớn, làm sai thì phải nghiêm trị. Và để giữ sự nghiêm minh của pháp luật, các thí sinh liên quan các vụ tiêu cực này cũng phải bị liên đới.

Một loạt vụ tiêu cực tại các tỉnh thể hiện mức độ rất nghiêm trọng. Nó phá hoại hình ảnh, môi trường của ngành giáo dục. Việc nghiêm trị còn thể hiện quyết tâm làm sạch môi trường giáo dục, chống tiêu cực trong thi cử và trị tới cùng những đối tượng có hành vi gian lận, bán chác điểm thi.

Các em phải được lớn lên với sự tự hào cơ bản nhất: Thi đỗ, ra đời thành đạt… bằng nỗ lực và năng lực của chính mình. Đó mới là bệ phóng cả về mặt danh dự và thực lực để vươn đến những thành công khác trong cuộc đời về sau.

Trong nhiều trường hợp, không thể vì sợ đau mà nửa vời, sinh ra không nghiêm và thiếu công bằng.

Mong rằng Bộ GDĐT phải xem xét xử mạnh tay. Điều đó cũng chính là tạo thêm niềm tin của người dân vào bộ chủ quản này.

Theo Thế Lâm

\Báo Lao động