Xói mòn lòng tin của nhân dân

Nói là “tham nhũng vặt”, nhưng trên thực tế, hậu quả của nó không hề “vặt” mà trở thành một nét văn hóa xấu xí của người Việt. Bởi chính “phép vua thua lệ làng” làm nhức nhối kéo lùi sự phát triển của cả xã hội, làm chậm quá trình phát triển đất nước, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với bộ máy công quyền.

Xói mòn lòng tin của nhân dân - 1
Nạn tham nhũng vặt tạo ra thói quen hành xử xấu cho xã hội. (Ảnh minh họa)

Nhức nhối xã hội

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Tuy nhiên, công tác này hiện chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để “bôi trơn” khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà.... Theo đại biểu, “tham nhũng vặt” ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập...

Phát biểu của đại biểu Trần Hồng Hà hoàn toàn tương đồng với thông tin đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết. Đó là có rất nhiều ý kiến của cử tri phản ánh về tình trạng tham nhũng nói chung và “tham nhũng vặt” nói riêng gửi đến Ban Dân nguyện và gửi cho cá nhân ông. Đơn tố cáo, kiến nghị, kêu cứu, cầu cứu... đều có hết.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng tham nhũng đang diễn ra khắp nơi, tồn tại ở ngay cả những người thực thi pháp luật, đó là điều rất nguy hiểm.

Nhấn mạnh đến những hệ lụy mà “tham nhũng vặt” gây ra đối với xã hội, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an chỉ rõ, tuy không gây nhiều thiệt hại cho nạn nhân, nhưng nhiều hậu quả do “tham nhũng vặt” để lại không nhìn thấy được bằng mắt thường. Đó là nó làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự liêm chính của cơ quan nhà nước. Khi lòng tin đã bị suy giảm thì chúng ta rất khó trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; rất khó trong việc huy động sức dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng, để xử lý loại tội phạm “tham nhũng vặt” không dễ do diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, “lót tay”, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen và thực sự trở thành nét văn hoá xấu xí của người Việt. "Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì “tham nhũng vặt” cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền" – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Hậu quả không hề “vặt”

Tương tự như nhận định của một số đại biểu Quốc hội, báo cáo công tác PCTN năm 2018 của Chính phủ đã chỉ rõ tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tất nhiên, không phải cán bộ, công chức nào cũng có hành vi nhũng nhiễu, nhưng tình trạng cán bộ, công chức gây khó dễ gần như trở nên khá phổ biến hiện nay.

Điều này tương đồng với báo cáo khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Báo cáo cho thấy, trong 7 năm qua, người Việt đang ngày càng dễ dàng chi một khoản tiền lớn để "bôi trơn" khi sử dụng các dịch vụ thiết yếu. Ở giai đoạn 2011-2012, số tiền trung bình khiến người dân có thể trình báo chuyện hối lộ với cơ quan chức năng là khoảng 5 triệu đồng. Chỉ sau vài năm, con số này tăng gấp 5 lần: 27,5 triệu đồng.

Xói mòn lòng tin của nhân dân - 2

Cán bộ “một cửa” cần được nhắc nhở thường xuyên việc tiếp nhận, giải quyếtthủ tục hành chính cho người dân, góp phần phòng, chống “tham nhũng vặt” (Ảnh minh họa: TH)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người hằng tháng ở Việt Nam năm 2017 ở mức 5,3 triệu đồng và năm 2018 là 5,7 triệu đồng. Điều đó nghĩa là người dân sẵn sàng bỏ ra tới gần nửa năm thu nhập để hối lộ, nhằm đạt được mục đích. Mức độ “chịu đựng” và “thỏa hiệp” với tham nhũng của người dân đang bỏ xa mức thu nhập.

Ở góc độ bên nhận, con số này cũng bỏ xa mức cấu thành tội hối lộ (2 triệu đồng). Theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ từ 2 đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố vào ngày 28/3/2019 cho biết, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại; chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao: 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.

Tại nhiều kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu phản ánh thực trạng, dù thủ tục hành chính đã được niêm yết đầy đủ, nhưng người dân vẫn không hiểu hết để thực hiện. Và tuy có công khai nhưng vẫn thiếu minh bạch, “một cửa nhưng vẫn có nhiều khóa”…Vì vậy, người dân và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho một cá nhân, tổ chức trung gian giúp họ mọi thủ tục để khỏi mất thời gian, khỏi bị phiền hà…

Một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ rất nhiều quan ngại về việc người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ để được việc, chấp nhận “bôi trơn” thay vì phải tố cáo hành vi tiêu cực… Và cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một thủ tục hành chính trong quy trình cải cách thủ tục hành chính!

Sự phục vụ tận tụy của những “đầy tớ nhân dân” theo ý kiến của cử tri vẫn còn rất xa trong tiến trình cải cách hành chính. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả vẫn không cao, chỉ phát hiện rất ít so với thực tế. Thậm chí còn có sự bao che, dung túng cho hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ do mình quản lý…/.

Theo Thu Hà 
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam