Xin đừng lãng phí “nguyên khí của quốc gia”…
(Dân trí) - Cách đây hơn 500 năm, Thân Nhân Trung* đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Ngày nay, e rằng nguồn nguyên khí ấy đang cạn dần…
Hiền tài, tái mặt vì tiền…
Ở đây, tôi không nói đến những thiên tài chỉ số IQ cao ngất ngưởng, cũng không nói đến những kẻ chạy theo bằng cấp với cái đầu rỗng tuếch. Tôi nói đến những người có thực học, và có tâm huyết với nghề nghiệp. Họ là những cử nhân, những thạc sĩ, tiến sĩ, mang trong mình nhiều khát khao và hoài bão cống hiến. Nhưng, cuộc sống nhọc nhằn, đôi khi họ bị bủa vây trong mớ luẩn quẩn cơm áo, gạo tiền.
Học xong đại học, với tấm bằng loại khá trong tay, Hiền Nguyễn háo hức về quê xin việc. Tân cử nhân, mang trong mình bao
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Hồ sơ của cô được xếp xó trong các văn phòng. Những người đi trước mách cho cô rằng: “Thời đại này, bằng cấp, tâm huyết chỉ là một phần thôi. Trước hết em phải có tiền để xin được dạy. Bây giờ, muốn vào biên chế, giá sàn thấp nhất cũng khoảng 50 triệu, chưa kể, ở thành phố có thể lên đến 200 triệu.”
Tìm được một việc làm ổn định, đúng chuyên ngành đã là một việc khó. Khi vào làm, giữ được Tình yêu với nghề lại là chuyện khó hơn, vì đồng lương èo uột không đủ sống.
Anh C. là giáo viên hàn tại một trường cao đẳng nghề. Năm 2011, anh đạt giải nhất hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh HD. Anh tâm sự: “Sống được với nghề cũng khá gian nan. Đồng lương đã bèo bọt. Lễ, tết, lại phải biếu xén, quà cáp, đều như vắt chanh. Nếu không, cũng hơi phiền hà.” Bây giờ, ngoài thời gian giảng dạy, anh còn mở thêm một xưởng Hàn và lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử. Anh cười bảo: “Anh buộc phải “chân trong, chân ngoài” thôi. Nếu không, lấy tiền đâu mà đưa cho vợ!”
Nguyễn T. là Thạc sỹ Giáo dục. Sau khi du học bên Newzerland, trở về Việt Nam, cô làm nhân viên phòng đào tạo cho một trường Đại học. Cô thành thật nói: “Mình bây giờ phải tập trung kiếm tiền đã. Lúc nào cũng phải nghĩ đến tiền mua sữa cho con, tiền quần áo cho chồng cũng phát mệt. Không còn thời gian mà nghiên cứu cái gì. Một thời gian nữa, chắc mình sẽ ngày càng dốt đi thôi!”
Một phòng thí nghiệm về hóa học (ảnh minh họa)
Có một thực tế đáng buồn khác, liên quan đến chuyện giàu và nghèo. Tại Việt Nam, tỷ lệ người giàu từ lao động trí óc như nghiên cứu khoa học, sáng chế, phát minh là con số vô cùng nhỏ bé so với người giàu từ buôn bán, kinh doanh bất động sản, hoặc làm dịch vụ… Trên diễn đàn Dantri.com, bạn Ha Anh bộc bạch những lời tâm huyết: “Tôi là giảng viên một trường đại học khá nổi tiếng ở Hà nội. Ước mơ làm giảng viên đã theo tôi từ khi bước chân vào cổng trường ĐH. Nhưng giờ tôi thấy đó là một sai lầm. Trong khi bạn bè tôi lương 10-20t/ tháng thì tôi vẫn 3-4 triệu trong khi lại phải học lên thạc sỹ rồi tiến sỹ... rất tốn kém.” “Khi lâm vào hoàn cảnh con cấp cứu trong bệnh viện mà trong túi chỉ có mấy chục ngàn lẻ, khi đó sinh viên đến chơi đem phong bì đến thì có ai mà cưỡng nổi. Bản thân tôi cũng không dám khẳng định mình sẽ liêm khiết cả đời được”….
Giá như, những con người có tiềm năng trí tuệ và tâm huyết đó có điều kiện được phát huy, không phải luẩn quẩn với cơm áo gạo tiền, chắc chắn họ có thể tiến xa hơn trong lĩnh vực khoa học và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Mòn đi, rỉ ra và mốc lên…
Lê Kha, tốt nghiệp khoa Sư phạm Tin, trường ĐHSP. Ra trường, cô làm văn phòng cho một công ty bất động sản. Nhưng nhiều tháng liền bị nợ lương. Cô về HD làm cho Hội nông dân tỉnh, dạy tin học cho nông dân theo đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.” Cô tâm sự: “Lớp lúc nào cũng lèo tèo vài học viên. Họ còn bận đi làm nhiều việc nên không đi học. Đôi lúc, giáo viên đến lớp, chỉ có 6, 7 người. Làm gì còn hứng thú mà dạy.” Cuối năm 2011, cô bỏ chương trình dạy tin học, chuyển sang làm công nhân cho một công ty để có tiền tiêu. “Ở đây chỉ yêu cầu lao động phổ thông thôi, nên em không dùng đến những kiến thức tin học. Nghĩ học hành bao nhiêu, giờ xếp xó, thật tiếc quá!”
Nguyên Sang, là Thạc sĩ Ngữ văn Trường ĐHSP. Hiện nay, cô đang làm tại một trường Cao đẳng nghề. “Mình làm ở khoa, công việc gần giống như giáo vụ ấy. Thỉnh thoảng soạn thảo vài văn bản, làm điểm cho học viên, không dính dáng gì đến chuyên ngành mình học. Mọi người thường gọi đùa mình là Thạc sĩ Mốc Meo. Nhưng có được việc làm cũng tốt rồi!” Cô gái mỉm cười, không khỏi buồn và tiếc nuối.
Nguyễn T. thì may mắn hơn. Là thạc sĩ Giáo dục, cô làm ở phòng đào tạo của một trường đại học danh tiếng. Nhưng công việc cũng không liên quan gì lắm đến kiến thức chuyên môn. “Đôi lúc, những công việc tay chân, như làm thẻ sinh viên, dán ảnh, viết phong bì, lại có nhiều tiền hơn là nghiên cứu khoa học đấy!” Cô mỉm cười chua chát.
Các sinh viên khi ra trường phải nhọc nhằn xin việc, là một thách thức tất yếu trong thời đại ngày nay. Theo tác giả Minh Khang, báo Hà Nội Mới: “Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải miền Trung hiện đang thừa nhiều giáo viên THPT nhất, số lượng GV THPT cần giảm hằng năm ở mức 350 người; Đồng bằng sông Hồng mỗi năm cần giảm 300 GV; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mỗi nơi cần giảm 200 GV/năm”. Vì thế, nhiều người sẵn có bàu nhiệt huyết đang nguội lạnh dần bởi họ bị biến thành thứ “sinh vật cảnh” trong những công việc trái ngành, trái nghề…
Hiện tượng “chảy máu chất xám” cũng được nói đến rất nhiều. Không ít người Việt khi ra nước ngoài học tập và ở lại làm việc, họ không muốn trở về đất nước. Trong vô vàn nguyên nhân, phải kể đến một sự thật đáng buồn. Phải chăng, họ sợ khi trở về những kiến thức, kỹ năng họ đã được học, không có đất dụng võ, sẽ “mòn đi, rỉ ra và mốc lên” trong khi đời sống lại không được bảo đảm…
Tìm ngọc trong đá…
Một công thức kinh điển, đó là: Thành công = 1% tài năng + 99% nỗ lực. Để có thành công, ít người nào được bước trên con đường trải hoa hồng. Vì thế những người có tiềm năng trí tuệ, vượt qua nhiều gian nan, càng khiến ta trân trọng.
Hiền Nguyễn, cô cử nhân Sư phạm xinh xắn, dịu dàng năm nào, giờ đã trở thành một bà chủ nhỏ. Cô còn tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động. Nhìn cô gái bước xuống từ chiếc xe sang trọng, tôi vừa vui, vừa không khỏi có chút bùi ngùi khi nghĩ lại những gì cô đã trải qua.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, Nguyễn, luôn tâm niệm phải học thật giỏi để thoát khỏi cảnh nghèo. Mười hai năm là học sinh giỏi, cấp 2, cấp 3 đều học trường chuyên. Cô thi đỗ đại học với mức điểm cao chất ngất: 26.5 điểm. Nhưng khi ra trường, cô chật vật mãi không xin được việc. Không phải vì cô thiếu tài và tâm huyết, chỉ đơn giản, cô thiếu tiền để “đi cửa sau”. Cô chấp nhận làm giáo viên một trường tư thục với mức lương “chỉ đủ đổ xăng”. Nhưng công việc bấp bênh, khiến cô luôn bất an. Cực chẳng đã, cô đành bỏ việc, theo chồng ra Hải Phòng sinh sống.
Nhưng, trời không phụ người, cô và chồng gặp một người biết kỹ thuật làm kem. Hai người quyết định mua công nghệ và thành lập cơ sở sản xuất Kem. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiền Nguyễn, bận rộn với việc mở rộng thị trường và xây dựng các đại lý mới.
Khi được hỏi, bỏ nghề mình đã theo đuổi có buồn không? Nguyễn cười, ánh mắt vương lại nỗi buồn xa xăm: “Lúc mới quyết định bỏ nghề, mình cũng vật vã lắm. Cứ chơi vơi như đi trên dây ấy. Nhưng nghĩ, mình không sống được với nghề, thì chuyển qua nghề khác. Nghề nào cũng phải làm việc chăm chỉ và nghiêm túc. Bây giờ, không có nghề nào trọng nghề nào khinh nữa, miễn là chân chính thì làm.”
Đường đường là một cô giáo, một cử nhân đại học bỏ nghề đi làm kinh doanh. Điều này không hề đơn giản. Nguyễn đã phải vượt qua mặc cảm của bản thân và những lời xì xèo từ họ hàng, bạn bè. Chỉ có thành công của cô mới chứng minh được rằng: trong hoàn cảnh nào, tài năng và sự nỗ lực không ngừng cũng đáng trân trọng.
Không ai muốn bị lãng phí tài năng, nhưng “đắp chiếu” tài năng để chờ thời là sự sai lầm đau đớn.
Kinh Thánh có viết: “Đừng đi trên con đường rộng lớn thênh thang, đó là đường dẫn tới hư vinh. Con đường nhỏ hẹp, khó khăn mới là đường dẫn đến chân lý.” Mỗi con người đều là những viên ngọc trong đá. Muốn toả sáng, đều phải trải qua quá trình mài rũa khốc liệt và gian nan…
Lê Thị Sáng
*Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội phụ chính,Tế tửu Quốc Tử giám; một nhà thơ tài năng trong hội Tao Đàn Nhị thập bát tú và được vua Lê Thánh Tông phong là Phó Đô Nguyên suý .
LTS Dân trí-Thực trạng những năm gần đây cho thấy không ít những sinh viên tốt nghiệp đại học, kể cả những người có bằng khá giỏi của trường đại học có uy tín, thậm chí cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về tìm được việc làm đúng ngành nghề cũng chật vật. Trong khi nhiều người không có thực học, thực tài lại được tuyển dụng vào các cơ quan công quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước bằng các mối quan hệ chạy chọt, đút lót hoặc “có đi có lại”…
Tình trạng đó quả thật làm vơi cạn dần nguồn “nguyên khí của quốc gia”!
Vì vậy, đi đôi với việc đổi mới giáo đại học và trên đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, cần có chính sách sử dụng và đãi ngộ đúng đắn đối với những người có thực học, thực tài. Cần sớm chấm dứt tình trạng tuyển dụng viên chức theo “phong bì” còn khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương.