Xây dựng chính sách đồng bộ cho phát triển công nghiệp quốc gia

Phát triển công nghiệp là nội dung quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định mục tiêu “Phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; đồng thời xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Xây dựng chính sách đồng bộ cho phát triển công nghiệp quốc gia - 1

Ảnh minh họa

Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Từ khi đổi mới đến nay, nhất là trong 10 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 2006 đến năm 2015 tăng 3,42 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 7,7%/năm. Tăng trưởng giá trị sản xuất lĩnh vực công nghiệp cũng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Tỷ trọng GDP công nghiệp duy trì ổn định khoảng 31-38,5%/tổng GDP của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế nước ta, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế đất nước. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp cũng chuyển dịch tích cực. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, chất lượng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, công nghiệp quốc phòng cũng chuyển biến rõ nét và có bước đột phá, năng lực được nâng cao hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Nền công nghiệp nước ta thời gian qua tuy phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được như đòi hỏi của yêu cầu CNH, HĐH đất nước; phát triển vẫn chủ yếu theo các mục tiêu ngắn hạn và thiếu tính bền vững. Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp. Nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn thua lỗ. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra và chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nội lực của nền công nghiệp vẫn còn yếu. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp ở nước ta đang có xu hướng giảm mạnh. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp là 16,2%/năm, đến giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn 10%/năm. Mặt khác, tăng trưởng sản xuất công nghiệp nước ta hiện đang phụ thuộc khá lớn vào tăng trưởng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần sớm xây dựng chính sách, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp cho phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế trên từng vùng, từng địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để công nghiệp nước ta phát triển theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều theo địa giới hành chính. Việc thúc đẩy dịch chuyển các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tập trung xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế cụ thể để xây dựng thí điểm cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh cũng sẽ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. 

Đi đôi với thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh, tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra quy trình sản xuất thông minh, các mô hình nhà máy thông minh để sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp cũng cần theo hướng ưu tiên ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, có ý nghĩa nền tảng để tác động, lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác, tạo ra các giá trị gia tăng cao và phát huy được các yếu tố lợi thế của đất nước. Từ nay đến năm 2030 cần tập trung hơn cho phát triển ngành công nghiệp thông tin, viễn thông; công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác. Giai đoạn 2030-2045 cần tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp thông tin, viễn thông và tự động hóa; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế. Để đạt được như vậy, các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên phải bảo đảm tập trung và khuyến khích được các thành phần kinh tế cùng tham gia; có thời gian và hạn định cụ thể, bảo đảm tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi trong phát triển công nghiệp để thu hút đầu tư cũng luôn là yếu tố quan trọng. Muốn vậy, cùng với các cơ chế khuyến khích, cần phải xóa bỏ triệt để các rào cản cũng như bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ và thuế; đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán để trở thành kênh huy động quan trọng vốn trung và dài hạn cho phát triển công nghiệp; thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình đối với các hàng hóa thiết yếu và xây dựng; thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng sẽ góp phần giúp nền công nghiệp nước ta phát triển. Việc hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ưu tiên của đất nước và xây dựng các quy định về chống chuyển giá, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; chống trốn thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng "kích hoạt" các doanh nghiệp nước ta phát triển một cách hiệu quả, nhất là khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang có những bước tiến vượt bậc, ngoài tập trung xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị cần chung tay, góp sức, bởi chính sách phát triển công nghiệp luôn gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, tạo ra bước đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nói rộng hơn, chính là sức vóc của một nền kinh tế.

Theo Hoàng Gia Minh

Báo Quân đội nhân dân