Vụ nâng điểm: Tham nhũng trong giáo dục phải xử lý nghiêm và triệt để
(Dân trí) - Dư luận đòi hỏi, cần phải xử lý thật nghiêm, không chỉ là những đối tượng trong “Hội đồng” sửa bài, nâng điểm, mà cả những đối tượng mua, “cướp” điểm dưới mọi hình thức.
Vụ sửa bài, nâng điểm kỳ thi năm vừa qua ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là đỉnh điểm của tiêu cực kỳ thi tốt nghiệp từ trước đến nay về số lượng thí sinh bị phát hiện được nâng điểm; tổng số điểm được nâng; và gần như cả Hội đồng thi ở địa phương tham gia đường dây nâng điểm. Do đó, dư luận bức xúc, bất bình là điều đương nhiên. Nhưng, với lòng vị tha của người Việt, nên không khó hiểu khi có hai luồng ý kiến về việc nên hay không nên công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm, và mỗi bên đều có cái lý của riêng mình.
Trong phạm vi bài này, người viết không muốn thêm ý kiến về nội dung trên, mà trăn trở với những khoảng tối vẫn hiện hữu cho đến tận bây giờ.
Thứ nhất, việc một số lượng lớn học sinh được nâng điểm tới mức, chỉ từ 1-2 điểm được nâng lên để thừa điểm vào những trường tốp đầu đã cho thấy tiêu cực tới mức kinh hoàng. Một số đối tượng đã bị khởi tố. Tưởng rằng, đó đã là bài học đắt giá khiến những vị lãnh đạo địa phương này phải có những hành động thiết thực để sửa sai. Nhưng không.
Chúng tôi nói vậy bởi, nếu như một số trường của Bộ Công an đã trả về địa phương một số sinh viên được nâng điểm, thì theo một số báo thông tin, không ít trường vẫn chưa thể làm thủ tục này vì địa phương chưa cho biết danh sách học sinh được nâng điểm.
Cụ thể, trong bài “Báo cáo Bộ Quốc Phòng xử lý Thủ khoa HV Kỹ thuật Quân sự là thí sinh Sơn La” ra ngày 15.4 trên Dân trí cho biết: “Trao đổi với PV Dân trí, cán bộ phòng đào tạo của Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nhà trường chưa nhận được danh sách chính thức từ Sở GD&ĐT Sơn La về thí sinh liên quan đến bài thi gian lận, khi nào nhận được danh sách HV rà soát và báo cáo Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng để xử lý.” Hoặc trong bài “Một thí sinh Hòa Bình tự viết đơn xin thôi học tại trường ĐH Thương Mại” trên Dân trí ra ngày 13.4 có đoạn: “Lãnh đạo trường ĐH Thương Mại cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn chưa nhận được danh sách thí sinh từ Sở GD&ĐT Sơn La nên chưa thể rà soát để xử lý.”
Vậy đâu là lý do những địa phương này chậm thông tin đến các trường đại học những thí sinh được nâng điểm? Điều này rất cần làm sáng tỏ và xử lý đến nơi đến chốn.
Thứ hai, hầu hết những thí sinh được nâng điểm là con em một số vị lãnh đạo tỉnh, sở ngành ở địa phương. Ngoài vị Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh trao đổi với pv Dân trí : “Nó (con gái ông Vinh - pv) nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”, còn nhiều vị chức sắc có con được nâng điểm khẳng định, hoặc là không biết, hoặc cố tình lảng tránh với truyền thông.
Do đó vấn đề đặt ra là, các cơ quan chức năng cần tìm ra những chứng cứ liên quan giữa việc phụ huynh với những đối tượng nâng điểm. Tất nhiên, việc này không dễ nhưng chắc chắn cũng không quá khó. Bởi ngay từ giai đoạn đầu, lực lượng điều tra xác định những số điện thoại của không ít người đến điện thoại của những đối tượng trực tiếp sửa điểm và những chiếc điện thoại đó đang bị cơ quan điều tra thu giữ. Mặt khác, những “quái thủ” trên thương trường vừa mới bị khởi tố còn bị cơ quan điều tra truy ra những dấu hiệu đưa hối lộ và những đối tượng nhận hối lộ, thì việc tìm ra mối quan hệ tiền bạc hoặc quan hệ cấp trên dưới từ hàng trăm học sinh được nâng điểm chính là hàng trăm mắt xích để “đột phá” là không khó.
Thứ ba, hiện một số trường đại học đang xử lý là, điểm chấm lại vẫn đủ điểm sàn thì những học sinh được nâng điểm vẫn được ở lại học như sinh viên khác.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi, xử lý như vậy liệu có công bằng, có đúng luật? Nếu xử lý như vậy, những năm sau, dù học khá, thí sinh vẫn mua điểm, nếu có lộ, điểm kém thì kiểu gì cũng trượt, còn nếu điểm chấm lại đảm bảo điểm tối thiểu thì vẫn được học. Như vậy, những thí sinh này luôn có cửa … từ hòa đến thắng. Đó là điều dư luận không thể chấp nhận bởi luật không nghiêm và bất công.
Thứ tư, vấn đề đặt ra là, nếu phát hiện ra những bậc phụ huynh đã dùng tiền tài, hoặc địa vị để “cướp” điểm cho con cái thì nên xử lý thế nào? Trước khi đề cập đến nội dung này, tôi lại nhớ, cách đây khoảng gần hai chục năm, Bộ GD ĐT từng đề ra chủ trương, những học sinh tốt nghiệp loại giỏi sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Đây là chủ trương rất đúng nhằm từng bước giảm tải thi tuyển, nhưng rất tiếc nó chỉ tồn tại được 3 năm thì chết yểu. Lý do lãng xẹt, số lượng thí sinh tốt nghiệp loại giỏi tăng đột biến. Những dấu hiệu tiêu cực là rõ ràng, nhưng thay vì xiết lại kỷ cương thi cử và phát hiện những đầu mối tiêu cực, Bộ GD ĐT phải chấp nhận “thua”, bởi họ biết, không dễ gì “đánh” vào được “quyền lợi” của những lãnh địa “cát cứ”. Cũng hơn 10 năm trước, phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích) được Bộ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đó đưa ra được dư luận rất ủng hộ, nhưng rồi cũng rơi vào “quên lãng” ngay sau đó vài năm, chỉ bởi, lãnh đạo các địa phương không thể chấp nhận tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bị rớt thảm hại như vậy. Thật đắng cay và chua xót.
Do đó, dư luận đòi hỏi, cần phải xử lý thật nghiêm, không chỉ là những đối tượng trực tiếp, gián tiếp sửa bài, nâng điểm, mà cả những đối tượng mua điểm dưới mọi hình thức.
Chắc chắn dư luận đồng quan điểm với TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM: Bộ Chính trị đã có quy định là Đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội. Do đó, "căn cứ vào những quy định này, tham nhũng trong giáo dục phải xử lý nghiêm và triệt để" - TS. Nghĩa nhấn mạnh.
Vương Hà