Bạn đọc viết

Vu lan sống

(Dân trí) - Người già cần sức khỏe tinh thần, hãy để cha mẹ thư thái cho đến khi xuôi tay nhắm mắt, vì ta nợ cha mẹ cả cuộc đời này. Ấy là hiếu kính, là “Vu Lan sống” đấy.

Bận rộn với hai đợt covid quên nghĩ đến thời gian, chợt thấy ngoài chợ đã bán nhiều na, bưởi… Ồ, mùa thu về, vừa hôm nào tết xong mà sao nhanh quá! Mùa thu – mùa của quả chín ngọt thơm, lại một mùa Vu Lan sắp tới.

Tôi chạnh lòng nghĩ về cha mẹ xưa kia vượt mọi tai ương để nuôi dạy chị em tôi nên người, bây giờ, chỉ ngày giỗ, ngày tết hay lễ Vu Lan có về hưởng chút hương hoa, nhìn thấy con cháu mạnh khỏe, thành đạt mà mát linh hồn?

Vu Lan – là biểu tượng của báo hiếu. Tôi chắc không người con nào dám nói mình đã “đủ” báo hiếu cha mẹ, nhưng đều nghĩ rằng mình đã báo hiếu. Đúng thật, chỉ ở hành động khác nhau và suy nghĩ về chữ hiếu ở mức độ khác nhau mà thôi, không thể so sánh người này với người khác. Tôi cũng dám chắc rằng: 100% linh hồn các bậc cha mẹ được hưởng hương hoa ngày lễ Vu Lan do các con dâng cúng, nhưng không phải 100% các bậc cha mẹ đang sống sờ sờ ra đấy, được hưởng sự hiếu đễ từ con cái họ đâu! Cúng Vu Lan là theo tập quán, cũng có thể do hiệu ứng đám đông, sẽ có (có thể rất ít) những câu hỏi đại loại như “sao nhà ấy không làm lễ cúng Vu Lan nhỉ?”, hoặc “người ta cúng mình cũng cúng” mà không hiểu hết ý nghĩa Vu Lan. Vả lại trước cúng sau ăn, một phần do dâng kính cha mẹ, một phần để đối xử với nhau giữa những người đang sống.

Vu lan sống - 1

Bên cạnh việc bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, hãy cho cha mẹ hưởng “Vu Lan sống” bằng những việc hiếu lễ cụ thể hàng ngày

Một trong những câu chuyện trước đây tôi được ông nội kể cho nghe: có một người ra đi tìm Phật, đi mãi, không biết Phật ở đâu. Gặp một cụ già, anh ta hỏi thăm, cụ già bảo: “Anh về nhà đi, nếu gặp ai mặc áo trái, xỏ giày nọ sang chân kia, chính là Phật đấy”.  Anh ta nghe lời cụ già. Vừa về đến cửa, bà mẹ anh ta thấy con đi lâu ngày trở về, mừng quá, vơ vội cái áo quàng lên vai, mặc trái; xỏ vội đôi giày cỏ chân nọ sang chân kia. Anh ta chợt ngộ ra, sụp xuống lạy mẹ. Đó chính là lẽ răn đời: CHA MẸ LÀ PHẬT SỐNG.

Tôi lại nghĩ ngày nay: tôi không cho rằng “đạo đức xuống cấp” như quan niệm của một số người, mà vì mỗi thời có chuẩn mực đạo đức khác nhau. Tôi tin rằng giá trị đạo đức xã hội bây giờ đang lẫn lộn giữa cái xưa và cái nay, người già chưa thể chấp nhận cái mới, người trẻ thì đang nhìn thấy cái cũ lạc hậu. Giữa sự lẫn lộn ấy, cái chân giá trị của “hiếu” vẫn rất rõ ràng: đó là lòng yêu thương tôn kính cha mẹ. “Yêu thương” thì ai cũng có, nhưng “tôn kính” thì chưa hẳn, cái này mỗi người con thể hiện cụ thể khác nhau.

Ai đã từng xúc từng thìa cháo cho cha mẹ lúc nằm trên giường bệnh, nhẹ nhàng và kỹ càng lau hạt vãi hạt rơi? Ai đã từng rón rén đặt đôi dép ngay ngắn bên giường chờ cha mẹ ngủ dậy là có sẵn? Ai đã từng vừa rửa mặt cho cha mẹ vừa pha trò vui, để khi bưng chậu nước quay đi thì rơi nước mắt? Ai đã từng dám thò tay (mang găng tay y tế) nhẹ nhàng moi phân khi bố mẹ ốm lâu ngày không thể đi đại tiện (xin lỗi bạn đọc)? Ai đã từng có thái độ vui vẻ, nhẫn nại lắng nghe bố mẹ kể chuyện linh tinh khi họ đã lú lẫn? v.v…

Còn ai đã từng cầm dao dọa bố khi không bán đất theo ý của mình? Ai đã từng lừa cha mẹ bán nhà để cho mình vốn kinh doanh, để rồi cha mẹ cuối đời “mất nhà” phải bơ vơ? Ai đã để cha mẹ phải cô đơn bên cạnh một đàn con cháu trưởng thành có của ăn của để? v.v…

Những chuyện đó có đầy ở đời thường, rất cụ thể, nhìn thấy và nghe thấy được.

Làm tròn chữ hiếu khó lắm nhưng không phải không làm được. Nên nhớ rằng: cha mẹ - và chỉ có cha mẹ - dù có thế nào, dịu hiền hay nóng tính mắng mỏ, thậm chí roi vọt, thì vẫn là người thương yêu con vô điều kiện, còn tất cả những người khác đều phải có điều kiện hết! Vậy thì thể hiện lòng hiếu kính đâu chỉ bằng mâm cỗ lễ Vu Lan rằm tháng Bảy? Hãy cho cha mẹ hưởng “Vu Lan sống” bằng việc cụ thể hàng ngày, hãy làm cha mẹ mát lòng và không ân hận đã sinh ra ta. Người già cần sức khỏe tinh thần, hãy để cha mẹ thư thái cho đến khi xuôi tay nhắm mắt, vì ta nợ cha mẹ cả cuộc đời này. Ấy là hiếu kính, là “Vu Lan sống” đấy.

Rồi từ lúc lo cho cha mẹ mồ yên mả đẹp về sau là một chặng đường khác hẳn.

Xin tản mạn đôi dòng để cùng bạn đọc đón ngày Vu Lan năm nay.