Vụ cắt cỏ tốn 800 tỉ đồng: đã minh bạch nhưng … chưa đủ

Chủ tịch TP Hà Nội từng khẳng định, không thể chấp nhận việc hàng năm tốn hơn 800 tỉ đồng cho các dạng chi phí cắt cỏ. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa đưa ra quy định rất cụ thể số lần cắt cỏ, số lần tưới nước cho từng loại cỏ, mức giá để duy trì cây cảnh, thảm cỏ trong một tháng là minh bạch. Tuy nhiên, nếu như …

>> Hà Nội ấn định cụ thể số lần cắt cỏ, tưới nước cho cỏ...


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dân trí vừa có bài “Hà Nội ấn định cụ thể số lần cắt cỏ, tưới nước cho cỏ...”, trong đó đã đưa mức giá cụ thể để duy trì thảm cỏ ở công viên, vườn hoa, giải phân cách, đảo giao thông. Thảm cỏ này có 2 nhóm: thảm cỏ lá tre và thảm cỏ nhung. Vì vậy, số lần cắt, số lần tưới cũng được quy định khác nhau, giá cũng khác nhau, từ tối thiểu cho đến tối đa. Những thông tin này là minh bạch với dư luận và rất cần thiết để hạn chế tối đa những nhóm lợi ích muốn trục lợi từ việc cắt cỏ này. Dư luận hoàn toàn hoan nghênh và ủng hộ.

Về vụ việc này, ngày 26.9.2016, Dân trí đã có bài: Rà lại chi phí cắt cỏ, Hà Nội sẽ tiết kiệm được 700 tỷ đồng.” Trong đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Một năm chi 886 tỷ cho cắt cỏ, tỉa cây xanh có lẽ không hợp lý lắm. Duy trì cây xanh trang trí đường phố là việc quan trọng, sẽ tiếp tục nhưng không thể tiếp tục làm với chi phí như vậy.”

Tiếp đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung còn cho biết, sau 6 lần họp thành phố mới làm rõ được khoản tiền hơn 800 tỷ đồng mỗi năm gần như chỉ để dùng cho việc cắt cỏ chứ chưa có chăm sóc cây xanh nên rất vô lý. Sau khi rà lại, chi phí sẽ giảm xuống chỉ còn... 178 tỷ.

Như vậy, riêng tiền tiết kiệm cho chi phí cắt cỏ được khoảng 700 tỉ đồng. Chúng ta hãy chú ý về con số và tỉ lệ tiết kiệm: giảm được 700/ hơn 800 tỉ đồng. Một tỉ lệ rất lớn. Lớn tới mức giật bắn mình. Có gì uẩn khuất sau con số vượt trội đó?

Vì vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi: số tiền hơn 800 tỉ đồng để cắt cỏ này đã kéo dài được bao nhiêu năm? Đơn giá này đơn vị nào làm và cơ quan nào duyệt? So sánh giữa đơn giá lần này với đơn giá lần trước khác nhau tới mức nào và đâu là sự khác nhau đó (thiết bị máy móc có gì khác nhau, nếu có, giảm được bao phần trăm cho phí)? Những ai được hưởng lợi từ đơn giá này? Và câu hỏi nữa cũng không thể không đặt ra: Liệu có ai phải chịu trách nhiệm này không?

Dư luận mong UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan giải đáp cho dư luận những câu hỏi này. Nếu làm được như vậy, và cần phải như vậy, thì thông tin trước đây mới đầy đủ, hoàn toàn minh bạch và đáp ứng yêu cầu của dư luận. Dư luận tin tưởng vào Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung – người đã tìm ra cái vô lý, thì cũng sẽ giải quyết việc này đến cùng để những kẻ cơ hội sẽ chùn tay trước khi có ý định móc hầu bao của xã hội.

Vương Hà