Vì sao các trường ĐH ngoài công lập “khát sinh viên”?

(Dân trí) - Thực tế đã cho thấy cứ vào mùa tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập lại lên “cơn khát” sinh viên. Dù đã bắt đầu năm học mới, nhiều trường ngoài công lập vẫn chưa có đủ số sinh viên cần tuyển và tình trạng “loạn giấy báo trúng tuyển” vẫn tiếp diễn.

Do không đủ chỉ tiêu tuyển sinh như đã dự kiến, không ít trường đứng trước nguy cơ phải đóng cửa đã sử dụng nhiều “chiêu thức” khác nhau để “giành giật” thí sinh vào học. Trong đó, có cả những biện pháp “xé rào”, vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thực tế này càng khiến cho dư luận có lý do để hoài nghi về thương hiệu và chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học ngoài công lập hiện nay.

 

Còn nhớ, tình trạng “khát” thí sinh đã từng xuất hiện trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2010. Do không có đủ nguồn tuyển theo chỉ tiêu được giao, nhiều trường đã gửi giấy báo trúng tuyển cho cả những thí sinh không đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào trường mình học. Tình trạng đó năm nay vẫn tiếp diễn.

 

Hệ quả là đã dẫn tới tình trạng “dở khóc, dở cười” khi có thí sinh cầm trên tay cả chục tờ giấy báo nhập học mà không biết nên xử lý như thế nào. Không có đủ người học vẫn là nỗi lo canh cánh của nhiều trường ĐH ngoài công lập sau mỗi kỳ tuyển sinh.

 

Tình trạng “khát” người học đối với những trường ĐH ngoài công lập đã được dự báo khi thời gian qua, hàng loạt trường ĐH mới ồ ạt ra đời. Bên cạnh đó, nhiều trường trung cấp, cao đẳng cũng được cấp phép đào tạo liên thông bậc ĐH đã dẫn tới hiện tượng “cung” vượt quá “cầu”.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, từ trước khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm sàn trúng tuyển, hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập đã có văn bản  đề nghị Bộ hạ mức điểm sàn so với năm ngoái. Đề xuất trên đã không được Bộ GD&ĐT chấp nhận với lý do: khi tiến hành phương thức “ba chung”, cần duy trì một mức điểm sàn nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào. Kết quả là, điểm sàn trúng tuyển năm nay được giữ nguyên như năm ngoái. Khối B, C là 14 điểm, khối A, D là 13 điểm.

 

Với mức điểm sàn không phải quá cao này nhưng nhiều trường ĐH ngoài công lập lại tiếp tục đối mặt với tình trạng “khát” thí sinh. Nhằm mục đích tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã tìm đủ mọi “chiêu thức” khác nhau để thu hút các thí sinh. Có trường phớt lờ quy định cấm của Bộ GD&ĐT, vẫn “mạnh dạn” gửi giấy báo trúng tuyển cho cả những thí sinh không đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào trường mình. Có trường lại sử dụng giải pháp tặng tiền cho thí sinh và thưởng tiền cho đơn vị giới thiệu thí sinh vào trường học. Thậm chí, có trường còn sẵn sàng chi mạnh tay, cấp toàn bộ học phí trong năm học đầu, tài trợ tiền ăn, ở và cung cấp cả máy tính xách tay cho thí sinh vào học.

 

Đáng lo ngại là, tình trạng tìm mọi cách “lôi kéo” thí sinh không chỉ diễn ra ở một vài trường mà đã trở thành những giải pháp mang tính “cạnh tranh” để nhiều trường ĐH ngoài công lập thu hút thí sinh, “lấp đầy” chỉ tiêu được giao.
 
Vì sao các trường ĐH ngoài công lập “khát sinh viên”? - 1

Nhiều trường ngoài công lập mạnh tay tung chiêu khuyến mại để hút sinh viên (nguồn ảnh: Lao Động)

 

Đại diện một số trường ĐH ngoài công lập cho rằng, chất lượng đào tạo sinh viên không phụ thuộc nhiều vào chất lượng đầu vào mà chủ yếu là do quá trình đào tạo. Mặc dù vậy, với chất lượng nguồn tuyển thấp và việc các trường chỉ chạy theo số lượng người học chắc chắn sẽ có tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của sinh viên, gây mất niềm tin trong dư luận xã hội.

 

Tình trạng “khát” người học đối với những trường ĐH ngoài công lập đã được dự báo khi thời gian qua, hàng loạt trường ĐH mới ồ ạt ra đời. Bên cạnh đó, nhiều trường trung cấp, cao đẳng cũng được cấp phép đào tạo liên thông bậc ĐH đã dẫn tới hiện tượng “cung” vượt quá “cầu”.

 

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 440 cơ sở giáo dục ĐH. Số trường ĐH mới mở tăng nhanh kéo theo tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc mỗi năm đều tăng xấp xỉ 10%, trong khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm trong một vài năm gần đây. Số thí sinh tuyển mới hàng năm là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại của cơ sở đào tạo, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của trường.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

“Cuộc đua” cạnh tranh về việc thu hút sinh viên giữa các trường cũng vì thế mà ngày càng trở nên quyết liệt. Đáng nói là, trong số các trường ĐH ngoài công lập, còn có nhiều trường chưa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên. Không ít trường ĐH ngoài công lập có tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt mức quy định trong khi tỷ lệ diện tích sàn xây dựng/sinh viên lại quá thấp, chuẩn đầu ra của sinh viên bị xem nhẹ.

 

Việc thực hiện “3 công khai” của các trường trong chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 chưa được nghiêm túc, triệt để. Trong khi chất lượng giáo dục bậc ĐH nói chung, hệ đào tạo ngoài công lập nói riêng vẫn tồn tại nhiều bất cập, tuy nhiên chế tài xử lý các vi phạm của Bộ GD&ĐT lại chưa đủ sức răn đe.

 

Dù chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo nhưng nhiều trường vẫn cố tình khai tăng lên để được nhận nhiều chỉ tiêu. Sau đó dùng nhiều cách khác nhau, kể cả những biện pháp “xé rào” để có đủ nguồn tuyển và chấp nhận nộp phạt. Qua tìm hiểu được biết, hiện chưa có trường ĐH ngoài công lập nào buộc phải đóng cửa vì vi phạm quy chế tuyển sinh.

 

Từ trước đến nay, trong quan niệm của nhiều phụ huynh, học sinh thì trường ĐH ngoài công lập thường là “điểm đến” của những học sinh có học lực trung bình hoặc dưới trung bình, sinh trưởng trong những gia đình khá giả về kinh tế. Học phí các trường ĐH ngoài công lập cũng thường cao hơn so với các trường công lập. Đây cũng là những lý do khiến cho các trường ĐH ngoài công lập, nhất là những trường mới mở chưa thu hút được nhiều thí sinh có học lực khá, giỏi đăng ký dự thi.

 

Do đó, để không còn phải tìm mọi cách để “vét” thí sinh như trong những kỳ tuyển sinh vừa qua, bản thân mỗi trường cần nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên, từng bước tạo dựng thương hiệu để thí sinh tự tìm đến đăng ký dự thi. Trong đó đầu tư về chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phải được xác định là khâu then chốt.

 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tiến hành kiểm tra, rà soát toàn diện các trường ĐH mới được thành lập, có chế tài xử lý nghiêm thậm chí buộc đóng cửa đối với những trường không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập trường ĐH. Đây cũng là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh chất lượng bậc giáo dục ĐH nhằm giải quyết tốt hơn bài toán về nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Thật ra tình trạng “khát” sinh viên đối với số đông các trường đại học ngoài công lập là hệ quả tất yếu của việc cho mở trường ồ ạt, không bảo đảm yêu cầu cần thiết về đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất-kỹ thuật. Điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng những người có trách nhiệm ở Bộ GD-ĐT vẫn “phóng tay” cho ra đời những trường đại học không đủ tiêu chuẩn dẫn tới tình trạng “khủng hoảng thừa” các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

 

Nhằm khắc phục tình trạng đào tạo không bảo đảm chất lượng của bậc đại học, nhất là đối với các trường ngoài công lập, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần thắt chặt kỷ cương hơn nữa, không tiếp tục cho mở thêm trường đại học và cao đẳng, đồng thời rà soát lại đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất-kỹ thuật của những trường hiện có, nếu nơi nào chưa bảo đảm cần có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm