Về trách nhiệm của chủ xe khi cho mượn xe gây tai nạn

Bạn đọc Trần Văn Đức ở quận Hà Đông (Hà Nội) hỏi: Tôi là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô Toyota Vios BKS 30A - 09.xxx. Ngày 30/7/2019, tôi có cho anh Nguyễn Văn Thành là người quen mượn xe. Anh Thành đã có giấy phép lái xe. Sau đó, anh Thành điều khiển ô tô và gây tai nạn chết người. Vậy tôi có trách nhiệm như thế nào trong sự việc này?

Về trách nhiệm của chủ xe khi cho mượn xe gây tai nạn - 1
Khi tham gia giao thông, các phương tiện cần đi đúng làn đường, tuân thủ đúng tốc độ. (Ảnh minh họa: QĐ)

Trả lời:

Đối với câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Thanh Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trước hết, cần xác định chiếc xe ô tô Toyota Vios BKS 30A - 09.xxx thuộc nhóm “Nguồn nguy hiểm cao độ”. Cụ thể, Điều 601 Bộ Luật Dân sư 2015 quy định:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do đó, để có căn cứ xác định trách nhiệm các bên thì phải xác định được tai nạn xảy ra do lỗi cố hữu của xe (lỗi kỹ thuật) hay lỗi vi phạm giao thông của người lái xe.

Vấn đề thứ nhất nếu do lỗi cố hữu của xe: Trường hợp anh Nguyễn Văn Thành (người mượn xe) điều khiển chiếc xe đang di chuyển đúng luật, đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ mà xảy ra sự cố nổ lốp xe, đứt dây phanh,... gây tai nạn thì thiệt hại đó được coi là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Các trường hợp khác không được coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ tạo nên. Đối với trường hợp này, theo Khoản 2, Điều 601 Bộ Luật Dân sư 2015 thì bạn đọc Trần Văn Đức là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu chứng minh được việc anh Nguyễn Văn Thành có mượn xe, có nhận bàn giao xe thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về người mượn xe là anh Nguyễn Văn Thành.

Vấn đề thứ hai nếu do lỗi của người lái xe: Trường hợp tai nạn xảy ra do hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thì người lái xe phải bồi thường theo quy đinh tại Điều 584 BLDS 2015. Ngoài ra, nếu người điều khiển giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015 với khung hình phạt lên đến 15 năm tù giam.

Căn cứ vào các quy định nói trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ở đây cơ quan chức năng cần khám nghiệm hiện trường, đồng thời trưng cầu giám định chiếc xe, xem lỗi gây ra tai nạn là do đâu: do lỗi kỹ thuật của xe hay lỗi của người lái xe để làm cứ xác định bồi thường. Nếu người mượn xe gây tai nạn chết người do vi phạm luật giao thông thì họ còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Và việc này không liên quan đến chủ xe.

Do xe ô tô là loại phương tiện thuộc nhóm "nguồn nguy hiểm cao độ” nên Luật sư Nguyễn Thanh Hùng cũng lưu ý mọi người khi tham gia giao thông cần đi đúng làn đường, tuân thủ đúng tốc độ, khoảng cách… tránh để xảy ra tai nạn giao thông. Bởi dù ở góc độ nào, vai trò liên đới ra sao thì tai nạn giao thông cũng là sự việc đáng tiếc và luôn đi với nhiều vấn đề phức tạp như trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường…/.

Theo Ban Bạn đọc

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam