Vầng trăng Trung thu cổ tích

(Dân trí) - Tết Trung thu đã gõ cửa từng nhà, đặc biệt là cánh cửa tâm hồn của trẻ thơ… Trong suy nghĩ, trong tâm hồn trong sáng, vô tư của thế hệ các em thì rằm Trung thu thú vị nhất là có chú Cuội, chị Hằng và đêm phá cỗ tưng bừng, nhộn nhịp…

Vầng trăng Trung thu cổ tích - 1
 
Tuổi thơ với vầng trăng cổ tích (ảnh minh họa: my.opera.com)
 

Chị Hằng, chú Cuội

 

Viết những dòng trên, độc giả Nguyễn Hữu Tuấn vythientuan.ajc@gmail.com đồng thời cũng cảnh báo sự mai  một dần đi một truyền thống quý báu trước thực tế xã hội hiện nay:

 

Mọi cảm xúc hồi hộp, náo nức chờ đợi của lũ trẻ càng được thể hiện rõ hơn trên nét mặt vui vẻ khi được cha mẹ, anh chị dẫn đi mua sắm đồ chơi và những loại bánh trái bày cỗ đêm rằm Trung thu… Song con trẻ đâu có biết rằng hiện nay đêm hội Trung thu cũng đã được kinh tế hóa. Đồ chơi truyền thống gần như đã bị đẩy sang một bên, nhường vị trí cho nhũng đồ chơi điện tử, kể cả các loại đèn hoa lập lòe hay là những món đồ mặt nạ trông khá ghê rợn, hãi hùng...

 

Hay kinh tế hóa hơn nữa là khi không ít người lớn lợi dụng dịp vui này của trẻ để mà “bắt tay’, để mà "quan hệ"... Tôi nghĩ, các cơ quan chính quyền và các tổ chức đại diện cho quyền lợi trẻ thơ cần lên tiếng, đồng thời có những hành động phù hợp để giữ mãi sự trong sáng của đêm hội Trung thu truyền thống, sao cho thật vui vẻ và bổ ích”.

 

Sau cả một mùa hè nóng nực, thu về, tiết trời mát mẻ dễ chịu, ai chẳng thích. Trung thu dù được coi là tết của trẻ thơ, nhưng thật ra nó cũng là một ngày hội (hay nói đúng hơn là đêm hội) với nét đặc trưng thể hiện qua những nghi thức truyền thống: trông trăng, rước đèn, phá cỗ, chia quà…

 

Những trung thu suốt thời thơ ấu của thế hệ chúng tôi luôn gắn với sự thiếu thốn về vật chất. Cũng có lẽ vì vậy mà miếng bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm nhỏ xíu mà mỗi đứa trẻ hồi ấy được chia dường như đều ngon hơn bất kỳ loại bánh kẹo cao cấp nào của ngày hôm nay. Bù lại là những giá trị tinh thần dồi dào. Chúng tôi có những đêm hội để đời với tràn ngập ánh trăng cổ tích, những câu truyện kể thấm đẫm tình người và tình cảm sẻ chia, ngọt ngào gắn bó của cộng đồng trong đời sống thực.

 

Để có đèn ông sao, đèn giấy, đầu sư tử… chuẩn bị cho đám rước, lũ trẻ  nhà nghèo chúng tôi thường phải tận dụng những chiếc đèn cũ có từ năm trước (chơi xong bọc nilon kín, cất lên chỗ nào đó cao ráo để dành cho sang năm). Hoặc rủ nhau chia nhóm tự cắt giấy bóng kính, vót nan, xếp giấy... Đèn "nhà làm" tất nhiên trông vụng về, méo mó hơn so với đèn mua ở chợ, trên phố Hàng Mã... Nhưng cũng có cái hay là thể hiện được tay nghề của chính mình, có sự đóng góp của mình và hơn nữa khi rước đèn có bị cháy cũng đỡ tiếc… tiền.

 
Vầng trăng Trung thu cổ tích - 2
Phá cỗ trung thu (ảnh: my.opera.com)
 

Đề xôm trò hơn, ngoài những bó đuốc xinh xinh, chúng tôi còn thường được cha  mẹ hoặc ông bà xâu cho vài chuỗi hạt bưởi phơi khô, đốt lên vừa đẹp lại vừa thơm. Mặt nạ nhà làm thường rất đơn sơ, chỉ là những nét vẽ trên bìa dán giấy màu, nên trông thô chứ không tinh như mặt nạ giấy bồi. Nhưng lại phong phú, ngộ nghĩnh và sống động hơn dưới ánh đuốc bập bùng, qua làn ánh sáng trăng được lọc qua những cánh sao bằng giấy bóng kính xanh - đỏ - tím – vàng…Cũng mê ly lắm!

 

Trung thu trăng có lẽ còn mải điểm trang nên thường lên muộn, nhưng trong tâm trí trẻ thơ tôi chị Hằng bao giờ cũng phô ra vẻ đẹp mặn nồng nhất, nổi bật nhất trên bầu trời mênh mang tựa tấm thảm nhung đen khổng lồ dát những ngôi sao vàng lóng lánh … Cùng ngửa mặt lên ngắm vầng trăng cổ tích, chúng tôi ríu rít tranh nhau chỉ chỗ này là chị Hằng, chỗ kia là chú Cuội thổi sáo…

 

Thế hệ trẻ con chúng tôi thời ấy dường như chẳng biết khổ là gì, cứ có dịp vui là hết mình. Và cộng đồng đối với các mầm non cũng hết lòng, hết dạ, khiến chúng tôi luôn cảm thấy mình đúng là những mặt trời bé con của cả xã hội, quê hương.

 

Truyền thống Việt
 

Năm tháng qua đi, trung thu nào cũng như gợi nhớ trong tôi những vần thơ dung dị nhưng rất sống động của nhà thơ Trần Đăng Khoa:

 

… Chỉ có trăng sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

Trăng khuya sáng hơn đèn

Ơi ông trăng sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em…                                        

 

Cảnh trăng sáng tỏ như vậy chợt trở lại với tôi trong một chuyến đi xa. Tranh thủ đi công tác, tôi định bắt xe lửa tốc hành sang thành phố khác thăm vợ chồng cô em gái định cư ở nước bạn. Nghe tôi ngỏ ý định, hai doanh nhân Việt kiều trẻ liền mời "đi chung xe để trò chuyện về quê nhà cho đỡ nhớ".
 
Ra khỏi thành phố đã gần nửa đêm, chiếc xe chở chúng tôi  như trôi trên một dòng sông bạc khởi nguồn từ vầng trăng vàng óng tròn vành vạnh trông như có vẻ rất gần, như thể chỉ cần nhón chân lên là với tới được …Đêm trung thu càng thêm đậm đà hương vị quê hương khi hai doanh nhân trẻ thành đạt vừa thay nhau lái xe, vừa nhâm nhi bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm được làm đúng kiểu truyền thống tôi mang sang. Bánh này tôi được cô bạn thân con nhà Hà Nội gốc, khá nệ cổ và cầu kỳ trong ăn uống tặng. Năm nào cô cũng chỉ mua đúng hai loại bánh trung thu “xưa” của tiệm Bảo Phương- 183 Thụy Khuê để nhà cúng, bày cỗ và biếu mấy cô bạn nối khố.

 

Tâm trạng chung của chúng tôi khi ấy cũng có phần rưng rưng như Ngô Văn Thành chiviyeuem_30002000@yahoo.com:

 

… Năm nay trung thu mình không được ở nhà đi chơi với bạn bè và người thân, mình rất là buồn. Vậy là mình không được nhìn thấy các em nhỏ quê mình vui đùa trong ngày Trung thu dành riêng cho các em. Mình cũng không được về gặp người mà mình yêu quý nữa...

 

Hết hỏi chuyện VN, hai doanh nhân như được dịp dốc bầu tâm sự về nỗi nhớ quê hương, về những cái tết và những phong tục truyền thống không gì có thể thay thế được trong lòng mỗi người con đất Việt.
 
Vầng trăng Trung thu cổ tích - 3
Rực rỡ lồng đèn Trung thu (ảnh: diendan.yeutretho.com)

 

Và rồi những kỷ niệm về Trung thu gắn với đèn lồng, múa sư tử, phá cỗ… lại được các anh nhắc đến với sự nuối tiếc tương tự như chia sẻ của bạn đọc có nick Toi yeu Vietnam Caovu1983@yahoo.com:

 

Hôm nọ đi Hàng Mã mua cho đứa cháu mấy món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, trống. Định tìm mua đèn cù nhưng mà khó quá, tìm mãi không thấy, hơi buồn. Đồ chơi truyền thống luôn có giá trị riêng của nó, hi vọng mọi người nên mua và giải thích cho các em về ý nghĩa của mỗi món đồ chơi”.

 

Chúng tôi cũng như “gặp”  Phan Huyen phanhuyen_7591@yahoo.com ở mong ước (dù ý kiến này được bạn viết nhân dịp Trung thu 2011):

 

Đẹp thật…  Ước gì được quay trở lại ngày nhỏ để lại được bố mẹ mua quà!!!!

 

Thời đại nào thì vầng trăng cổ tích và tuổi thơ trong sáng vẫn đẹp vô cùng, lung linh huyền ảo vô cùng... Nếu có thể, xin hãy cũng cho chúng tôi những tấm vé trở lại với tuổi thơ!

 

Kiều Anh