Vẫn là “bệnh” đổ lỗi cấp dưới và chưa có văn hóa từ chức
Từ thứ trưởng Bộ Văn hóa Huỳnh Vĩnh Ái cho đến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khi bị dư luận phản ứng về những văn bản trái pháp luật do mình ký, họ chỉ thấy lỗi của những anh “đánh máy”. Cuối cùng chính các anh “đánh máy” này phải chịu trách nhiệm, còn người ký thì vẫn … vô tư!
“Tố” tên người đi tố cáo!
Chuyện tưởng rằng rất đơn giản, nhưng khi làm “sai chút chút” của ông Chủ tịch tỉnh thì hậu quả thật nghiêm trọng, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Ông Võ Văn Điệp ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh gửi đơn tố cáo đến UBND tỉnh Đồng Tháp tố cáo đích danh chủ tịch UBND TP Cao Lãnh Phan Văn Thương về những hành vi tiêu cực. Hơn tháng sau, ông Điệp hoảng hốt khi nhận được thông báo của UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành, do Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Dương ký, về việc thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo ghi đầy đủ địa chỉ, họ tên của mình – người viết đơn tố cáo.
Theo điều 8 của Luật KN – TC có quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như: “tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin có thể làm lộ danh tính của người tố cáo”. Vậy, vì sao ông Chủ tịch tỉnh có thể ký một văn bản vi phạm pháp luật sơ đẳng như vậy?
Vấn đề là xử lý sai lầm này như thế nào? Trước hết, tỉnh đã hủy quyết định cũ và ra một quyết định mới không còn tên, địa chỉ của ông Điệp nữa. Một quyết định sửa sai không còn tác dụng. Về xử lý trách nhiệm, hiện vẫn chỉ dừng ở mức những người “đánh máy”. Trả lời báo chí, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Tấn Xiếu cho biết, anh Nguyễn Văn Lai đang phụ trách thụ lý đơn bị chuyển về bộ phận tiếp dân. Còn ông Huỳnh Thanh Sơn – Phó trưởng Ban Tiếp công dân, đã phải nghiêm túc nhận sai sót.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Điệp – người viết đơn tố cáo bị lộ danh tính – cho rằng, người cần xin lỗi ông Điệp phải chính là ông Chủ tịch tỉnh vì đã làm lộ danh tính của ông. Còn những người giúp việc của lãnh đạo tỉnh, nếu có xin lỗi thì không cần xin lỗi ông Điệp mà xin lỗi ông chủ tịch tỉnh.
Với công cuộc chống tham nhũng hiện nay, người chống tham nhũng vẫn lo sợ nhất là “đấu tranh tránh đâu” khi lộ diện. Còn với đơn nặc danh thì, các nhóm lợi ích chằng chịt hiện nay, họ sẵn sàng giở các điều luật loằng ngoằng, chồng chéo để tìm cách…vứt nó vào sọt rác. Do đó, với những người dũng cảm đứng tên tố cáo người đứng đầu địa phương, cơ quan, đoàn thể như thế rất cần phải trân trọng, phải có quy trình chặt chẽ, càng ít người biết càng tốt để bảo vệ họ được tốt nhất.
Nhưng trong vụ này thì không. Chỉ cần nghe họ nói với báo chí về quy trình ra một quyết định như vậy thì có quá nhiều người biết. Do đó, dù quyết định đó không có tên, địa chỉ người tố cáo đi nữa thì người bị tố cáo với cương vị của mình, họ dễ dàng biết tên tuổi, địa chỉ người tố cáo. Vậy thì người tố cáo … tránh đâu?
Do đó, dư luận đòi hỏi không chỉ cần xử lý thỏa đáng trách nhiệm những người ký các văn bản sai trái để họ phải có trách nhiệm với chữ ký của mình, mà còn cần phải xem lại cả quy trình thụ lý đơn thư tố cáo.
Sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà.
Nếu như trong vụ việc trên, rất có thể ông Chủ tịch thiếu trách nhiệm khi đặt bút ký thì với vụ việc thứ trưởng Bộ Văn hóa Huỳnh Vĩnh Ái ký văn bản đòi “xử” phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lại hoàn toàn khác. Chắc chắn, các ông Huỳnh Vĩnh Ái và ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Tuấn đã phải tính từng câu chữ trước khi gửi đi chứ không phải là “dùng sai câu từ” như sau này ông Tuấn đã thanh minh.
Chúng tôi nói vậy bởi, chữ nghĩa đòi “xử” ông Vinh là rất rõ ràng, không thể rõ ràng hơn. Mặt khác, các ông đã cùng ngồi với nhau trong buổi tọa đàm sao không ứng xử với nhau như những chuyên gia, những nhà quản lý? Ông Vinh đã phát biểu với tất cả nhiệt huyết, tấm lòng của mình. Tại đây, ông Vinh đặt vấn đề: “Chúng ta chọn thế nào? Chọn khai thác Sơn Trà để xây khách sạn trên đó hay giữ gìn Sơn Trà để khách đến tham quan?”. Liền đó ông đưa quan điểm: “Nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm như vậy bên cạnh một thành phố hiện đại của Đà Nẵng thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam. Nó sẽ làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế, xã hội của Đà Nẵng nói chung chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của”. Chính ông Vinh cũng rất hiểu những ẩn khuất phía sau những dự án này nên đã khẳng khái tuyên bố: Sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà.
Đã là tọa đàm thì cần phải có các ý kiến trao đổi, sao các ông không trao đổi? Đến đây dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng các ông “không thèm chấp” hay không đủ lý lẽ? Hay chăng, cách phát ngôn “sẽ chiến đấu” đã động chạm đến lợi ích của nhóm nào đó? Phải chăng các ông vẫn quen mệnh lệnh hành chính với cấp dưới khi trái ý mình?
Do đó dư luận bất ngờ và bức xúc khi hay tin, thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký văn bản yêu cầu xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Bởi, với người dân bình thường nhất, họ cũng biết rằng, ông thứ trưởng đó đâu phải là thủ trưởng của cái hiệp hội này. Vậy chẳng lẽ, ông thứ trưởng này không biết ký văn bản như vậy là trái thẩm quyền sao? Nếu không biết điều sơ đẳng đó, ông có nên tại vị?
Thậm chí, khi biết sai, ông lại không nhận trách nhiệm về mình mà lại chờ đợi báo cáo của đơn vị tham mưu là Tổng cục Du lịch! Còn ông Tổng cục trưởng Tổng cục Nguyễn Văn Tuấn lại đổ lỗi “do câu từ” thì hết nói.
.Với vụ việc này, không biết các vị quan chức trên có nên lấy đó làm bài học hay lại để …
Vương Hà