Vẫn còn những đối tượng thoát tội trong các đại án

(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra là, vì sao các vị có trách nhiệm trong các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán và chính quyền địa phương bỏ lọt những sai phạm tày đình hầu như không bị xử lý? Đâu là lý do?

Vẫn còn những đối tượng thoát tội trong các đại án - 1

11 đoàn thanh kiểm tra Vinashin không phát hiện ra sai phạm, trong đó có việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại cho ngân sách 500 tỉ đồng.

Tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, chúng ta đã bàn rất nhiều đến trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán khi đã vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra sai phạm nhưng sau này cơ quan điều tra lại phát hiện sai phạm về cùng một nội dung. Bà Nga dẫn chứng việc  11 đoàn thanh, kiểm tra vào nhưng không phát hiện sai phạm ở Vinashin. Về nội dung này, bà Nga khẳng định, sau này cơ quan điều tra phát hiện ra thì những người đã vào thanh tra, kiểm toán mà không chịu trách nhiệm gì là không đúng.

Vấn đề này đã, đang gây bức xúc dư luận và công luận phải lên tiếng không ít, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thực tế, hầu hết chưa có đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán nào chịu trách nhiệm về những kết luận của mình khi bỏ sót những sai phạm, kể cả sai phạm nghiêm trọng. Đó có lẽ là lý do khiến bà Lê Thị Nga từng nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, dù rằng về nguyên tắc thì xử lý trách nhiệm đối với những vị này là chuyện đương nhiên.Vì sao các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán vẫn thoát trách nhiệm ngoạn mục?

Sự vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương mấy năm qua cho thấy nạn tham nhũng, tiêu cực cực kỳ phức tạp, liều lĩnh, bất chấp pháp luật của nhiều đối tượng. Không chỉ Vinashin, mà rất nhiều sai phạm rất nghiêm trọng ở nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác diễn ra thời gian dài với hàng chục đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán, nhưng chỉ phát hiện những lỗi nho nhỏ, còn sai phạm nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng lại không phát hiện ra. Trong đó, nhiều vụ việc chỉ vỡ lở khi có đơn thư tố cáo gay gắt, báo chí lên tiếng mạnh mẽ, một loạt sai phạm rất nghiêm trọng mới bị phát hiện.

Về nạn tham nhũng, chưa nói tới những lãnh đạo Tập đoàn, Tcty mà chỉ một quyền trưởng phòng của Vinashin như Giang Kim Đạt có thể tham ô tới  260 tỷ đồng.  Dù Đạt bị tuyên mức án cao nhất nhưng với dư luận, vì sao chỉ ăn chênh tiền mua, thuê tàu trong hai năm mà Đạt có thể tham ô số tiền lớn như vậy. Rõ ràng vụ án như vậy phải có những nhóm lợi ích cực lớn cùng ăn chia, nếu không làm sao  qua mặt nổi các cửa ải thanh kiểm tra. Đặc biệt, vụ án này chỉ phát hiện ra khi xảy ra đại án ở Vinashin. Những vụ việc kiểu này được đăng tải trên báo chí không ít, thí dụ như các ông “vua con” trong các vụ án ở Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, 12 dự án của Bộ Công thương đắp chiếu hàng nghìn tỉ đồng... Những vụ án này cho thấy các băng nhóm lợi ích liên kết rất chặt chẽ và “ngoạm” những khoản ngân sách khổng lồ một cách khá dễ

Ngay như vụ việc ở Thủ Thiêm, người dân bức xúc khiếu kiện gay gắt, đông người diễn ra gần 20 chục năm với nhiều nội dung, đến nay cho thấy là có cơ sở, nhưng đã có bao đoàn thanh kiểm tra vào mà vẫn không phát hiện ra. Thậm chí, chính quyền các cấp ở địa phương vẫn trả lời rằng người dân khiếu kiện là không có cơ sở? Thậm chí, tới khi Trung ương gửi đơn về địa phương yêu cầu làm rõ, trả lời người dân, họ vẫn một mực cho rằng, chính quyền địa phương đã giải quyết đúng và vẫn mạnh mồm tuyên bố, người dân tố cáo không có cơ sở. Chỉ đến khi Ban Chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương vào cuộc quyết liệt, nhiều nội dung mới được sáng tỏ. Trong đó, chính quyền địa phương GPMB “nhầm” cả khu ngoài ranh giới quy hoạch, thậm chí hô “biến” cả khu tái định cư trong quy hoạch...

Câu hỏi nóng bỏng đặt ra, vì sao các vị có trách nhiệm trong các đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán và chính quyền địa phương bỏ lọt sai phạm tày đình như vậy hầu như không bị xử lý? Đâu là lý do?

Do đó, để ngăn chặn tham nhũng tiêu cực từ trứng nước, dư luận mong muốn và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xử lý thích đáng, kể cả xử lý hình sự các vị có trách nhiệm đưa ra các kết luận thanh  kiểm tra, kiểm toán bỏ lọt sai phạm và lãnh đạo chính quyền địa phương giải quyết không đúng các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân

Vương Hà.