Bạn đọc viết:

Ưu tiên biệt đãi trong giáo dục và những bất cập có thể

(Dân trí) - Không chỉ ở Việt Nam mới có những ưu tiên và biệt đãi trong chế độ cho điểm tốt nghiệp hay tuyển sinh. Cách làm này cũng đã được áp dụng ở vài nước từ hồi thế kỷ trước (khoảng 1945 – 1970) cho những hoàn cảnh lịch sử và xã hội đặc biệt…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nhưng họ cũng đã từ bỏ sau đó.

 

Ở Bỉ ưu tiên điểm đã được áp dụng trong khoảng những năm 1945-1947 cho cựu chiến binh. Ở Liên Xô trong khoảng 1945-1970 cho con em  giai cấp thợ thuyền.

 

Triết lý về bình đẳng xã hội là mục tiêu cho bất cứ nước nào. Triết lý đó được đưa vào Hiến pháp ở Mỹ, ở Bỉ...Ở Pháp, khẩu hiệu của nước này là: Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ.

 

Bất cứ hình thức nào gây ra thiên vị xã hội đều bất công, kể cả những hình thức thiên vị một cách tích cực để ưu đãi những thành phần vốn bị thua thiệt trong xã hội. Vì những hình thức này làm trì trệ tiến trình đi tới bình đẳng xã hội và gây thêm một khác biệt mới trong đối xử giữa người với người - tức là một bất bình đẳng mới. Đó là chưa kể tới những bất cập riêng biệt tùy theo lĩnh vực.

 

Trong giáo dục, cho điểm ưu tiên cho những thí sinh thuộc vào những thành phần đặc biệt trong xã hội là một cách làm thường thấy: cho những cựu chiến binh, cho các con cái những người có công với xã hội, cho những học trò vùng sâu vùng xa ...

 

Thế nhưng, nhiều nghiên cứu khoa học ở Bỉ, ở Pháp từ những năm 1960 đã cho thấy sự kém hiệu quả của phương thức ấy cùng cả những bất cập có thể.

 

Bàn về những bất cập và kém hiệu quả:

 

Về luân lý đạo đức: ưu tiên cho một số thành phần có thể đúng – để thiết lập công bằng “tuyệt đối”, để thể hiện một hình thức nhớ ơn với người có công với xã hội ...Thế nhưng dù cho luân lý đạo đức nằm trong giáo dục, chủ đích của giáo dục vẫn là chất lượng của đào tạo và xa hơn nữa là tương lai khoa học kỹ thuật của nước nhà.

 

Cho điểm ưu tiên tức là trong một chừng mực nào đó tiếp nhận một số sinh viên/học sinh không đủ trình độ vào học. Số sinh viên/học sinh ấy sẽ ảnh hưởng không ít thì nhiều tới trình độ của cả khóa đào tạo. Giáo viên không thể đạt tới kết quả dự trù khi trình độ đầu vào không đủ khả năng – cái mà chúng tôi gọi là vốn tối thiểu để có thể theo học (pré-requis theo tiếng Pháp).

 

Cũng về luân lý đạo đức, tôi nghĩ, cho những điểm ưu tiên gây bất bình đẳng đối với những thí sinh không được ưu tiên. Trong môi trường giáo dục thì khả năng, sức học, sự hiểu biết, chuyên cần... là thước đo đối với các em. Thêm vào đó các tiêu chí xã hội, gia đình, vùng miền... là thêm vào những dị biệt ... sẽ có thể là phản giáo dục.

 

Sinh viên sau này tốt nghiệp ra đời sẽ tiếp tục tái sản xuất hay lặp lại những phương thức sinh hoạt xã hội như thế, khiến sự bất bình đẳng sẽ trường tồn và sinh sôi nảy nở theo ngày tháng – hiện tượng mà các nhà xã hội học gọi là sự tái tạo xã hội (la reproduction sociale) – xã hội thành một xã hội với nhiều bất bình đẳng?

 

Về phương diện “kỹ thuật tuyển sinh”, cho điểm ưu tiên là không hữu hiệu. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những thí sinh không được ưu tiên, nếu các em biết trước vị trí của mình như thế, sẽ cố gắng hơn để được nhiều điểm hơn hầu “giữ đúng y mức hi vọng” được trúng tuyển. Trong một chừng mực nào đó, cho một số trong các em này, các em vẫn được trúng tuyển, tức là chính sách ưu tiên không đạt được kết quả toàn vẹn.

 

Trong khi đó, các thí sinh ưu tiên“cậy” trên qui chế được thêm điểm của mình, có thể ít tích cực ôn thi học hành ... Đó là một phản ứng thuần tâm lý mà có thể nhiều người không nhìn nhận, nhưng phản ứng này hiện hữu và đã được minh chứng.

 

Khi chế độ ưu tiên không là phương thức thêm điểm mà là phương thức quota  – một số chỗ nhất định dành cho thành phần nào đó – thì tính ỷ lại của các đối tượng được ưu tiên rất rõ ràng.

 

Xét về tương lai, được điểm ưu tiên theo tôi chỉ làm cản trở tiến bộ. Cụ thể, thí dụ thêm điểm ưu tiên cho thí sinh vùng sâu vùng xa sẽ là rào cản với các giáo viên và học sinh các trường ở vùng sâu vùng xa phấn đấu để nâng trình độ mình cao hơn.

 

Ở đây nói một cách chung chung, các nghiên cứu cho thấy là tùy theo cách tuyển sinh và mức khắt khe, thí sinh được đào tạo huấn luyện và cố gắng để trả lời các sự khắt khe đã nêu ra - Cái kiểu thi cái gì thì học cái ấy hay thi thế nào thì học thế ấy.

 

Muốn nâng trình độ giúp các vùng sâu vùng xa, Bộ Giáo dục Đào tạo có thể chọn những phương thức khác thay vì cho thêm điểm.

 

Phần Lan là nước áp dụng tốt nhất vấn đề bình đẳng đối xử giữa các trường, học sinh các trường đến từ các vùng miền khác nhau. Trong một chừng mực nào đó, hệ thống giáo dục ở Bỉ cũng vậy. Kết quả là các trường khác nhau nhưng trình độ đào tạo ngang nhau về phẩm chất.

 

Với những ưu tiên cho điểm, khi ra trường sinh viên tốt nghiệp đều có bằng  cấp như nhau, nhưng có thể một số trong đó đã không hấp thụ được vẹn tròn quá trình đào tạo vì đã thiếu vốn cơ sở lúc vào. Giá trị của đào tạo thành ra lại có vấn đề.

 

Điểm ưu tiên có thể là một giải pháp thích hợp cho lúc giao thời, áp dụng cho một tình thế đặc biệt như trong chiến tranh, ngay sau chiến tranh. Nhưng áp dụng dài lâu sẽ gây ỳ trệ, giảm chất lượng đào tạo và thành bất công xã hội!

 

Nguyễn Huỳnh Mai (từ Liège, Bỉ)