"Tự nguyện" dẫn tới những cách nhìn “xấu xí” về giáo dục

(Dân trí) - “Sự nghiệp trồng người của nước ta rõ ràng đang ngày một bị biến tướng xấu xí hơn. Lo cho các thế hệ tương lai của đất nước quá!!!” – nick Phu huynh: phuhuynh4a5@yahoo.com lại thở than khi thấy ngành giáo dục vẫn không thể xóa bỏ cụm từ mù mờ “tự nguyện” đáng sợ.

Sở GD-ĐT TPHCM quy định không được dạy thêm cho HS học 2 buổi/ngày (ảnh minh họa: Hoài Nam)
Sở GD-ĐT TPHCM quy định không được dạy thêm cho HS học 2 buổi/ngày (ảnh minh họa: Hoài Nam)

 

Vì sao xấu xí?
 

Dù suốt thời gian qua dư luận người dân, nhất là các bậc phụ huynh học sinh (PHHS) luôn phản ứng mạnh  mẽ với quan điểm thu tiền đóng góp của PHHS núp bóng “tự nguyện”, Sở GDĐT Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm: việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp đều được dựa trên nguyên tắc tự nguyện của hai bên…

 

Quả đúng như nhận xét của phần đông PHHS, chính sự mập mờ ở cụm từ dù chỉ có 2 chữ ngắn ngủi “tự nguyện” này mà không biết bao nhiêu gia đình đã phải khốn khổ khi luôn bị đẩy vào thế không tự nguyện không được.

 

Phần đông PHHS chia sẻ cái nhìn và lời cảnh báo như của Lâm Điểu:  lamdieu1980@yahoo.com.vn:

 

“Cái khoản đóng góp tự nguyện này thực chất là tham nhũng. Không chỉ PHHS bức xúc, mà ngay bản thân học sinh cũng từ đó mà có cách nhìn nhận thầy cô… xấu xí đi. Những việc làm xấu xí của các thầy cô làm sai lệch tư duy của học sinh, để rồi những “mẹo” tham nhũng sẽ dần hình thành trong suy nghĩ và hành động của các cháu sau này, khi đã trưởng thành tham gia vào bộ máy hành chính của nhà nước...”

 

Không ít giáo viên cũng không thể giữ im lặng được nữa, mà cũng mạnh dạn góp thêm tiếng nói của mình vào dư luận chung. Thậm chí có những người đành chấp nhận bỏ cái nghề mà mình đã yêu quý và theo đuổi, cũng vì không thể chấp nhận được sự nghiệp “trăm năm trồng người” giờ bị biến tướng đến mức xấu xí trong mắt đại đa số người dân thế này.

  

“Tôi cũng là một giáo viên trong ngành, dạy học được 5 năm. Nhưng thú thật là tôi phát ngán với chính sách quản lý của ngành rồi. Trường nào cũng vậy, cấp nào cũng vậy thôi. Quản lý tài chính thì không minh bạch, quản lý đầu vào, đầu ra của HS rất lỏng lẻo. Tiền thu của HS thì nhiều, lương giáo viên vẫn thấp, chất lượng học sinh không được nâng cao (còn tiền thu làm gì, đi đâu không giáo viên nào biết). Nói chung tôi đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự thay đổi chính sách quản lý trong ngành GDĐT nữa rồi, vì vậy  tôi đành bỏ nghề  để mình được sống là chính mình” – nick Vi loi ich tram nam???:  vitquaylangson@yahoo.com

 

“Tôi là 1 giáo viên dạy ở trường cao đẳng mà còn không thể chấp nhận được việc thu tiền học thêm, đủ các loại học phí, lệ phí và tiền đóng góp các loại, đóng góp xây dựng trường… nữa là người dân lao động ngoài ngày. Bây giờ có thể nói Giáo dục là một trong những ngành nhũng nhiễu người dân nhất đấy!” - Luong Trac Hong:  luongtrachong104@gmail.com

 

“Là một giáo viên đứng lớp, tôi thật rất bất bình vì nhiều trường lạm thu các khoản đóng góp từ PHHS. Người ta (chủ yếu là hiệu trưởng - HT) tìm mọi cách dẫn dắt "định hướng" cho các khoản thu. Thật đáng buồn… cười khi thầy (cô) chủ nhiệm bị nhà trường giao trách nhiệm phải thu các khoản đóng góp đó. Trời, thật trớ trêu khi lúc nào lên lớp giáo viên chủ nhiệm cũng phải kêu gọi đóng góp, hoàn thành các khoản tiền phải thu. Thật rõ người ta lợi dụng xã hội hóa giáo dục để mà thu.

 

Mà nhiều PHHS đi họp cho con lại không nắm được quy định đóng góp, không bao giờ dám ý kiến là lí do vì sao? Bản thân là giáo viên, tôi chỉ mong nhiều PH hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đóng góp ý kiến hay nói cách khác là nói rõ xem họ đồng tình hay phản đối những khoản lạm thu hoặc thu cao của nhà trường và các tổ chức khác. Vì nói thật ra thì các vị PH cũng không nên tin tưởng quá nhiều ở một số Ban đại diện cha mẹ HS ở trường, vì nhiều khi các vị này bị HT "xỏ mũi" để định hướng cho họ nhất trí các khoản thu. Ban đại diện PHHS nhiều khi hay "a dua" theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường lắm. Các vị ấy đáng nhẽ phải biết quyền lợi và trách nhiệm của mình mà lên tiếng với Ban Giám hiệu về những khoản thu đúng/ sai hoặc thu cao quá quy định mới phải chứ!” - Nguyen Van:  octoter1978@gmail.com

 

Nhẹ lưng mình, oằn lưng người

 

Cũng có không ít câu hỏi chất vấn ngược lại chính các PHHS, nhất là các ban đại diện PHHS vì sao lại tự đặt mình vào thế dễ bị HT (hoặc Ban Giám hiệu, hoặc chính các thầy cô giáo) “xỏ mũi” như vậy? Khi lý do chủ yếu được tất cả PHHS đưa ra đều chỉ là: sợ con mình bị “trù úm”…

 

Nói tóm lại là PHHS dù chiếm số đông, các thầy cô giáo trong trường cũng chiếm một số đông khác. Vậy mà tất cả vẫn phải nghe theo HT, nghe theo Ban Giám hiệu một cách vô điều kiện, để luôn phải chấp nhận bị ép buộc tự nguyện đóng tiền. Rồi quay ra than thở với nhau và rồi lại kêu ca cấp Sở, cấp Bộ không can thiệp???

 

“Trời ơi! các bác có biết không, Chính phủ hàng năm vẫn cấp tiền cho ngành giáo dục cơ mà. Vậy sao Hiệu trưởng các trường vẫn có nhiều “sáng kiến” rút tiền từ túi PH thế? Càng buồn hơn bởi nếu học sinh nghèo thì sao? Các bác quản lý giáo dục cứ để tình trạng thế này mãi sao?” - Nguyễn Văn Hòa:  Hoanguyenvan@gmail.com

 

Về chuyện kinh phí cho các ngành ở nước ta, có lẽ chẳng mấy ngành mà không thở than là “eo hẹp”. Nhưng kinh phí Nhà nước thì cũng từ tiền thuế đóng góp của nhân dân mà ra, ngành nào cũng lấy cớ eo hẹp để lại buộc dân “phải tự nguyện” đóng góp tiếp (trong khi mỗi người dân còn phải lo đóng bao  khoản thuế và phí theo quy định) thì sao mà không bị dân phản ứng.

 

Bởi thế số phản hồi bày tỏ “thông cảm” cho cách “xã hội hóa giáo dục” kiểu tránh oằn lưng mình thì phải buộc người khác oằn lưng thay này, rất hiếm hoi:
 

 “Đã qua thời bao cấp lâu lắm rồi mà trong tâm tưởng nhiều người, nhiều cấp vẫn còn nguyên cái suy nghĩ đó? Bạn muốn biết chi phí thật sự xã hội phải trả bao nhiêu cho việc học, thì  cứ cho con bạn vào một trường tư sẽ biết. Nhà nước chỉ đầu tư: ngôi trường, thầy cô...những thứ thiết yếu nhất, cũng đã "oằn lưng" rồi. Để có một ngôi trường khang trang, phòng ốc tươm tất, trang thiết bị đủ đầy, thì chỉ còn một cách duy nhất đó là nguồn lực xã hội - là chính chúng ta, những phụ huynh. Vấn đề là làm sao để có thể huy động được sức dân một cách hợp lý nhất. Đó là  cần có cơ chế đảm bảo người nghèo cũng được đi học, người khá hơn phải ý thức đóng góp để phụ một phần vào ngân sách eo hẹp của một đất nước còn nghèo như VN. Vấn đề là tiền đóng góp có sử dụng hợp lý hay không, hay phần lớn lại chảy vào túi ai đó. Nếu tất cả sự đóng góp ấy đều mang lại sự thuận lợi cho con chúng ta, thì phụ huynh chúng ta xin đừng có kêu nữa!” - PTK:  trungkyphan@yahoo.com

 

“Nhưng đã khi nào các PHHS hỏi lại rằng: Ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của các trường là bao nhiêu/1 tháng chưa? Một năm trường được Nhà nước cấp cho bao nhiêu tiền để mua sắm tài sản? Nếu biết được con số đó và so sánh với số thực mà các trường phải chi, không ít quý vị chắc là sẽ phải giật mình đó. Và phải biết được những con số đó, các vị mới có thể thông cảm phần nào với chúng tôi được. Có khi tính toán xong, chính các vị còn ngã ngửa ra rằng thu vẫn chưa đủ bù chi đâu” - Lan Anh:  queen_cunyeu@yahoo.com

 

Trong khi những phản hồi ngược lại rất nhiều, đồng thời cụm từ “nhóm lợi ích” cũng được nhấn mạnh với nhiều cảnh báo, mà ở đây có thể hiểu là ngụ ý tới từ HT, từ Ban Giám hiệu nhiều trường trở lên…những cấp cao hơn:

 

“Rõ ràng ai cũng biết nhà trường không thể không thu thêm tiền từ học trò khi kinh phí trên cấp cho không đủ. Nhưng vấn đề ở đây là thu bao nhiêu và phải minh bạch thu/chi hàng năm. Lãnh đạo địa phương phải giám sát công minh việc thu/chi này và ra thông báo bằng văn bản công khai, minh bạch. Tuyệt đối cấm dùng tiền này chia nhau hoặc dùng để đút lót cấp trên!” - Nguyễn Anh Ngọc: anhngoc49@gmail.com

 

“Anh (hay chị) nói vậy là chưa đúng rồi. Thế này nhé: Đối với trường quốc lập, kinh phí 1 năm học chi là từ 4 triệu đến 5 triệu/hs (tùy địa phương). Hãy làm phép tính như sau: - Giả sử trường có 1.000 học sinh, tương đương 22 lớp, thì mỗi năm trường được cấp  5 tỉ đồng. 5 tỉ này chi vào những việc gì: 

 

1. Lương giáo viên (Đây là khoản chi chính): với trường 22 lớp có khoảng 45-50 cán bộ giáo viên, lương trung bình bậc 4 thì mỗi năm lương 1 giáo viên khoảng 54 triệu. Với 50 giáo viên  hết khoảng 2,7 tỉ. Vậy còn 1,3 tỉ chi cho các hoạt động ngoài lương.

 

2. Các hoạt động ngoài lương trong 1 trường học có gì (khi cơ sở vật chất có sẵn)? Còn nếu xây dựng trường, xây nhà mới khi có dự án, thì đã có nguồn kinh phí xây dựng riêng rồi, không tính vào mức chi cho 1 năm như thế này. Vậy có nên thu thêm ngoài học phí? (Tất nhiên học thêm phải thu riêng).

 

… Tôi thấy rằng, không thời điểm nào ngành giáo dục lại có những cán bộ quản lí "chất lượng kém" như hiện nay. Hầu như ở khắp mọi nơi có hoạt động giáo dục, đều có những nhóm lợi ích. Nói như nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào, thì mọi nơi có hoạt động giáo dục đều không phát triển được. Vậy cả nền giáo dục không phát triển được. Mượn cớ "xã hội hóa" - cái cụm từ này nghe thật "lí tưởng" cho mảnh đất tham nhũng vô tội vạ…” – T.S:  forexgloldvietnam@gmail.com

 

“… Cái nguy hiểm là những "nhóm lợi ích" lại tồn tại trong ngành giáo dục, có thể từ đó sẽ gieo vào những thế hệ tương lai của đất nước tư tưởng tận thu để bù đắp chi phí, hay như là hội chứng "tước đoạt để bù đắp" đó. Cứ thế, cứ thế nó sẽ ăn sâu vào đầu óc nhiều thế hệ…” -   Hải Khôi:  thuyloikhoitrang@yahoo.com.vn
 
(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)
 

Gánh nặng áp lực giáo dục

 

Trong bài viết mới đây, nhà giáo lâu năm Huỳnh Mai từ Bỉ có đề cập tới hiện tượng “tị nạn giáo dục” mà thực chất là trào lưu cho con đi du học đang khá phổ biến trong giới những người có tiền ở nước ta. Bên cạnh những nguyên nhân khác nhau từ mỗi gia đình, có thể thấy một lý do chung là áp lực học hành ngày nay quá lớn, song lại tỉ lệ nghịch với chất lượng dạy và học ở VN.

 

Bàn rộng thêm về vấn đề này, bạn đọc nêu rõ nỗi bất lực của những người dân lâm vào cảnh “không còn lựa chọn nào khác”:

 

“Đọc bài viết của T.S, dư luận càng thấm nỗi buồn. Quả thật hai lĩnh vực: Giáo dục và y tế hiện đang là vấn nạn cho các gia đình. Cứ hình dung xem, nhà có người đau ốm nằm bệnh viện hay con còn nhỏ, ở tuổi cắp sách đến trường, hầu hết gia đình đều gặp những khó khăn trầm kha. Ở các nước được coi là có khi còn phát triển kém hơn 1 chút như Cuba hay ngay gần VN là Lào, Campuchia... người dân cũng đâu có phải chịu áp lực với tình trạng bệnh viện, trường học như ở nước mình.

 

Năm nào các cấp quản lý cũng có công văn, quyết định về các vấn đề thu/chi trong bệnh viện, trường học với mục tiêu thể hiện sự quan tâm tới xã hội, nhưng thực tế thì ngày càng tồi tệ hơn. Năm nay, gánh nặng về chi phí đã dìm chết sự hào hứng, niềm vui của biết bao PHHS có con đến tuổi vào lớp 1 và lên các cấp khác. Còn như nhiều người dân vẫn luôn nói nửa đùa nửa thật là: Bây giờ sợ bệnh viện đến không dám ốm.

 

Các em học sinh thì hồn nhiên, vô tư. Được cắp sách đến trường bao giờ cũng là hạnh phúc lớn nhất. Nhưng có lẽ chúng không biết cha mẹ chúng lo lắng thế nào và đương nhiên phải "gồng mình" lên ráng chịu. Nhà trường bao giờ cũng đúng và phi bệnh viện nhiều khi chỉ còn con đường…đến thẳng đài Hóa thân. Một bên là vực thẳm, bên kia là núi cao, con đường dù gập ghềnh, đầy bất trắc nhưng người dân đâu có quyền lựa chọn. Buồn!” - Thắng Vũ:  thangvd56@gmail.com

 

“Một vấn nạn hàng năm nghe rất nhiều rồi, vậy mà giới chức ngành giáo dục vẫn tỏ ra thờ ơ, làm ngơ trước mọi tiếng nói của nhân dân. Thử hỏi xem làm nghề giáo mà như vậy có còn xứng đáng để dạy dỗ những CON NGƯỜI cho tương lai không? Tôi thật tán thành với ý kiến của bạn Nguyễn Văn Luật rằng phải thay máu ngành giáo dục, nhưng thực tế thì không thể? Họ làm ngơ trước sự lạm thu của các trường để họ còn được… trả ơn chứ? Có bao giờ họ sẵn lòng xuống kiểm tra thật công minh thử một trường xem sao đâu?

 

Năm nay Bộ Tài chính quy định không thu một số khoản thì nhiều trường lại biến tấu tăng các khoản thu khác. Mà còn nội dung " tự nguyện đóng góp” cho trường, lớp của các PHHS nữa, trời ơi! ... Và còn nữa,  học tiếng Anh “tự nguyện” do người nước ngoài dạy.. Lại nữa còn có lớp Hội CMHS thấy lớp kia dạy bằng máy chiếu, cũng đòi đặt ra thu tiền của PHHS đóng để mua máy chiếu cho con học, thử hỏi có thật cần thiết hay không? hay giữa họ có những thỏa thuận gì?... Mong các nhà lãnh đạo ngành giáo dục thực tâm xem lại hộ cho!” – Phuong Mai:  PhuongNguyen@gmail.com

 

“Tôi nghĩ rằng, người dân VN tốn quá nhiều tiền của cho việc học của con cái, nhưng những gì mà thế hệ sẽ làm chủ đất nước sau này có được là gì, khi nhà trường và giáo viên giờ hình như chỉ lo sao cho "tận thu" không còn một kẽ hở nào nữa. Bây giờ học sinh mẫu giáo đã biết gửi "thư" của cha mẹ cho cô giáo rồi, không có "thư" không dám đi học... Đến ngày Tết Trung thu, học sinh còn phải đóng 100-200 nghìn để ăn trưa (theo lời đồng nghiệp của tôi kể lại). Nếu nhìn một cách tổng quát hơn, thì tôi nhận thấy rằng hệ thống giáo dục VN luôn cải cách, luôn thay đổi nhưng hình như vẫn chưa tìm được đường đi đúng đắn. Mỗi sinh viên ra trường chỉ có được một ít kiến thức chuyên môn (và cả những người còn gần như…  không biết gì), song đặc biệt là họ thiếu 2 kỹ năng cơ bản để có thể sống tốt và làm việc tốt. Đó là kỹ năng sống và kỹ năng làm việc. Không có một sự thay đổi thật sự trong ngành giáo dục thì tương lai chúng ta sẽ như thế nào đây?” - Tiến Lực:  nguyenluc02468@yahoo.com.vn

 

Về chuyện “tự nguyện” mà ngành GDĐT vẫn kiên quyết giữ, phản ứng của PHHS và người dân xem ra vẫn chẳng có ích gì. Vậy chuyện dạy thêm/học thêm liệu có nước non gì hơn chăng? Xem ra cũng không đâu. Thế nên nói thì cứ nói vì không thể nín nhịn được mãi thôi…

 

“Bộ trưởng Bộ GDĐT nên trả lời rõ ràng việc này trước Quốc hội. Đừng để nhân dân bức xúc nhiều, kể cả việc học thêm " tự nguyện". Các giáo viên giờ thường không dạy hết kiến thức trong giờ chính khóa, mà chuyển sang dạy thêm để lại thu tiền thêm…” -  Hùng: hoanghung@gmail.com

 
Có vẻ như 2 chữ "tự nguyện" còn đeo đẳng với cả HS và PHHS lâu dài đấy, vì vỏ bọc này khá là an toàn mà.
 

Khánh Tùng