Tư lệnh ngành Công thương lý giải nhập siêu "khủng" từ Trung Quốc

(Dân trí) - Với kết quả nhập siêu gần 24 tỷ USD từ Trung Quốc năm 2013, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, với lợi thế giá rẻ, chi phí vận tải thấp, hàng hóa của Trung Quốc có khá nhiều lợi thế xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2013, Việt Nam có trao đổi hàng hóa với gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thất nghiệp, cử nhân “trốn” Tết gia đình

Công ty quản lý quỹ: Lợi thế nếu có "mẹ" là doanh nghiệp bảo hiểm

Năm 2014 và “điểm nóng” của ngành ngân hàng

Những thương vụ đình đám nhất giới ngân hàng Việt năm qua

 

Số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD của xuất khẩu tăng từ 25 thị trường năm 2012 lên 27 thị trường năm 2013 và nhập khẩu tăng từ 13 lên 17 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của các thị trường trên 1 tỷ USD chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu và 88% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

 

Trong khi xuất siêu sang 16 thị trường trên 1 tỷ USD thì Việt Nam rơi vào trạng thái nhập siêu đối với 6 thị trường, dẫn đầu mức thâm hụt là thị trường Trung Quốc với 23,69 tỷ USD.

 

Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi năm 2012.
Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi năm 2012.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 50,21 tỷ USD, tăng 22% trong năm 2013. Nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh (tăng 28,4%), đạt trị giá là 36,95 tỷ USD, chiếm 28% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này đạt 13,26 tỷ USD, tăng 7% và chiếm tới 10% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

 

Nếu như năm 2012, nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp trong nước giảm 2%, trong khi nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng khá cao (43%) thì đến năm 2013 cả hai khối doanh nghiệp này đều tăng mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh 38,7% với trị giá đạt 20,59 tỷ USD và nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 16,36 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2012.

 

Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi năm 2012.

 

Nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi năm 2012.

 

Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng trưởng nhưng nhập siêu vẫn trong xu hướng gia tăng do chênh lệch về tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường này khá lớn (năm 2013, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 28,4%, xuất khẩu chỉ tăng 7% nên nhập siêu là 23,76 tỷ USD, tăng 44,5% so với năm 2012).


Trao đổi về vấn đề này, phát biểu trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 1/2/2014 (mồng 2 Tết Giáp Ngọ), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Trung Quốc - với lợi thế về vị trí địa lý và thuận lợi về giao thông, giá cả cạnh tranh và nguồn hàng phong phú đang dần trở thành một trong những thị trường chủ yếu cung cấp các nhóm hàng mà Việt Nam cần.

 

Bộ trưởng lý giải, một trong những lý do chính dẫn đến nhập siêu từ Trung Quốc tăng là do nhiều chủng loại vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ cho đầu tư xây dựng và cho sản xuất -  kể cả cho gia công để xuất khẩu, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, nhất là trong ngành dệt may, da giày, điện tử, năng lượng.

 

Với lợi thế giá rẻ, chi phí vận tải thấp nên những loại hàng hóa này của Trung Quốc có khá nhiều lợi thế xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng cho rằng, việc giảm dần tỷ lệ nhập siêu trong thương mại Việt Nam với Trung Quốc đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ và sự thực thi tích cực, chủ động của tất cả các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Để góp phần kiềm chế nhập siêu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu đề án giảm nhập siêu từ một số thị trường chủ yếu. Theo đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu được coi là giải pháp chủ yếu, lâu dài để giảm nhập siêu. Bộ Công Thương đã chủ động đàm phán và ký kết với phía Trung Quốc các thỏa thuận hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng, minh bạch và ổn định cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản.

 

Bộ cũng đã và đang chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và các biện pháp khác để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

 

Thông qua các Văn phòng Xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu. Trước mắt, một số văn phòng sẽ được thành lập mới tại các địa phương của Trung Quốc như tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam), Trùng Khánh và thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô)...

 

Song song với đó là phát triển công nghiệp hỗ trợ, củng cố thị trường trong nước, xây dựng cơ chế phù hợp, hiệu quả khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

 

Ngoài ra, để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ Công thương cũng đề ra biện pháp thu hút nguồn đầu tư vào Việt Nam đối với các lĩnh vực đang yếu và thiếu, đặc biệt là các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho phát triển kinh tế trong nước và gia công xuất khẩu giảm dần và thay thế nguốn nguyên nhiên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài (xăng dầu, phân bón, sắt thép, vật liệu xây dựng, nguyên phụ liệu dệt may, da...).

 

Cho đến nay, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc vẫn đang ngày một gia tăng: 4,4 tỉ năm 2006; 11,5 tỉ năm 2009; 12,7 tỉ USD năm 2011; 16,4 tỉ USD năm 2012; và 23,7 tỉ USD trong năm 2013. Các chuyên gia kinh tế đang lo ngại, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ trên 25 tỉ USD trong năm 2014 này.

 

Bích Diệp



VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước