Từ hiện tượng Đinh La Thăng ngẫm lời Bác Hồ dạy về đạo đức
Bác Hồ từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”
Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn báo chí, trên các phương tiện truyền thông, trong các công sở, trường học, thậm chí quán cà phê, quán nhậu, sân ga, bến tàu… ở đâu cũng thấy người dân bán tán, bình luận về những lời nói và việc làm của tân bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Đinh La Thăng. Có thể nói, chưa bao giờ hình ảnh Đinh La Thăng lại xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và trong các cuộc trò chuyện của người dân như vậy. Người ta nói về ông với một tâm trạng phấn chấn, hồ hởi, giống như nông dân được mùa vậy. Tại sao ông Đinh La Thăng được chú ý nhiều vậy? câu trả lời rất đơn giản là: Ông Thăng đang làm được nhiều việc có lợi ích thiết thực cho dân, cho nước.
Người ta nói ông Thăng đã nói là làm và quả thực đúng vây. Những lời nói và việc làm của ông mới đầu khiến dư luận ngạc nhiên, tưởng như ông đang “Diễn”, nhưng ngay sau đó người ta sửng sốt, tin tưởng, cứ thế niềm tin tăng dần. Từ việc “phát ngôn gây sốc” đến việc “trảm tướng tại trận”, từ việc làm đường, sửa nhà cho mẹ Việt Nam anh hùng đến việc “Anh bấm điện thoại cho tôi nói chuyện với Tổng giám đốc Vinamilk”, từ việc “Các anh phải dẹp sạch nạn trộm cắp, cướp giật đi…” cho tới việc thiết lập đường dây nóng để nhận phản ánh từ nhân dân,… từ khi còn là “tư lệnh” ngành đến “Chính ủy” lãnh đạo….Nói là làm, đã làm là quyết liệt, không né tránh và dám chịu trách nhiệm, những đặc điểm ấy đã hình thành nên một phong cách Đinh La Thăng không trộn lẫn. Đánh giá một cách khách quan chúng ta đều thấy, đó là những việc làm không đến mức quá to tát đối với vị trí, chức vụ của ông nhưng hết sức kịp thời, có ý nghĩa và thiết thực. Từ xưa đến nay những việc như thế thời nào cũng có, nó không chỉ có ở các bậc minh quân ái quốc, mà còn ở những người cán bộ có lương tâm, trách nhiệm với nhân dân. Thế nhưng những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy, tại sao không ít người như ông, cùng thế hệ như ông không làm được? Vậy mấu chốt của vấn đề ở đây là gì? Câu trả lời có lẽ không quá khó đối với người có lương tâm, trách nhiệm, nói cho đầy đủ là người cán bộ có đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”, trong đó cốt lõi của vấn đề cán bộ tốt hay kém, chính là vấn đề đạo đức; theo người đạo đức chính là “gốc” là nền tảng, là sức mạnh của người cách mạng, nó cũng như cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Đạo đức cách mạng theo quan điểm của Người chính là trung với nước hiếu với dân, là yêu thương con người, là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng…Chính cái “gốc”giúp cho người cách mạng không những có tình yêu thương, sự nhiệt thành, trách nhiệm mà còn giúp họ vững vàng vượt qua những khó khăn, gian khổ, vượt qua những cám dỗ vật chất đời thường để không vô cảm. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Song, để thực hiện tốt đạo đức cách mạng nhất thiết phải thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản, đó là: Nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời và nêu gương về đạo đức. Tuy nhiên, ngoài cái “gốc” ấy, người cán bộ phải có đủ cái tài, nghĩa là phải có kiến thức, trình độ, năng lực, chuyên môn cùng với kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng được vai trò, vị trí mình đảm trách, có như vậy người cán bộ mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Bác từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Người có tài năng thì làm việc gì cũng dễ dàng, hoàn thành tốt, đúng tiến độ; ngược lại không có tài năng không những không hoàn thành công việc, mà còn làm hỏng đến sự nghiệp chung. Song đức và tài không phải từ nhiên mà có được, vì vậy người cán bộ phải không ngừng học tập, tu dương và rèn luyện mới có.
Hiện nay, chúng ta đang quán triệt và thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta đang thực hiện những lời dạy của Người về đạo đức cách mạng, về trách nhiệm phụng sự tổ quốc phụng sự nhân dân “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; Đồng thời, nêu cao tính gương mẫu cũng như trách nhiệm phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ đảng viên đã tự nguyện viết vào bản đăng ký nêu gương học tập và làm theo lời Bác… kết quả đạt từ việc học tập và làm theo Bác thực sự đã đạt được những kết quả tốt đẹp, tạo được sự lan tỏa lớn, làm xuất hiện nhiều gương tốt việc tốt, tạo được niềm tin lớn của nhân dân vào Đảng vào chế độ, góp phần thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng.Tuy nhiên, vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, nói một đường làm một nẻo, suy thoái về đạo đức, lối sống, thực dụng; tình trạng tham nhũng, hối lộ, bè cánh, lợi ích nhóm; thái độ thờ ơ, làm ngơ, vô cảm của số cán bộ này dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội; tạo nên kẻ hở cho những kẻ cơ hội đục nước béo cò, gây nên các tệ nạn như: buôn lậu, cướp giật, trộm cắp, ma túy, mãi dâm; sự lộng hành của cẩu tặc,cát tặc, lâm tặc,… làm thất thoát tài sản quốc gia. Suy cho cùng, không những không làm được việc có lợi ích cho dân, cho nước mà ngược lại làm khó dân, làm khổ dân…làm hại dân, hại nước.
Đánh giá những lời nói và hành động của Bí thư Đinh La Thăng, chúng ta thấy những lời nói và việc làm của ông rất cụ thể, rõ ràng, kịp thời, đó là những điều dân cần, dân bức xúc, rất đời thường; nó không phải là những điều quá cao xa, quá khó, quá sức hay quá tầm,…đối với bất kỳ cán bộ lãnh đạo nào có lương tâm, trách nhiệm. Rõ ràng lời nói và việc làm của Đinh La Thăng thực sự đã và đang làm cho nhân dân cảm phục, tin tưởng, tạo được sự lan tỏa lớn và chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng tích đối với cán bộ lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân trong xã hội; điều quan trọng hơn là sẽ làm thức tỉnh “một bộ phận không nhỏ” về lương tâm và trách nhiệm, về đạo đức cách mạng; đặc biệt giúp họ nhận ra thiếu đạo đức sẽ dẫn tới vô cảm, vô cảm đồng nghĩa với tội ác. Thế mới thấy những lời Bác Hồ dạy về đạo đức cán bộ vô cùng ý nghĩa và sâu sắc.
Hoàng Thạch Sơn
(BTG TU Bình Phước)