Bạn đọc viết:

Trường kỳ gian khổ sự học thời nay

(Dân trí) - Ngay từ lứa tuổi Mầm non, các nhóc bắt đầu bị “dụ dỗ” học thêm với môn đầu tiên là “học chữ”. Vì biết chữ trước (theo các cô giáo) sẽ dễ dàng vào được trường điểm sau này. Có lẽ khái niệm “dạy thêm học thêm” bắt nguồn manh nha hình thành từ đây.

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Con người VN sống trải dài trên dãy đất hình chữ S, có  tuổi thọ trung bình khoảng 73 năm. “Oa..oa…oa” là tiếng khóc lúc chào đời sau 9 tháng 10 ngày phôi thai trong bụng mẹ. Một năm sau mới chập chững biết đi, rồi bập bẹ nói. Đó là chuyện rất bình thường, nhưng giờ đây có lẽ phải gọi những người đi học là... những sinh vật kỳ lạ chăng?

 

Bởi bắt đầu từ tuổi 5 đến 22  là một quãng thời gian dài lao khổ, sống căng thẳng, chịu nhiều áp lực để trui rèn, gọt giũa theo một “chiến lược giáo dục” được phê duyệt sẵn. Thời gian này được gọi là “quá trình giáo dục và đào tạo”. Ai chưa qua quá trình này hoặc giữa đường “gãy gánh” thì sản phẩm bị cho là lỗi, chưa hoàn hảo. Ai may mắn hoặc “dũng cảm” vượt qua có lẽ phải được ví như...những tấm gương. Chúng ta hãy cùng hình dung “đoạn trường” thống  khổ đó xem sao:

 

Gian nan nhập học

 

Khi trẻ con từ 3 đến 5 tuổi lập tức tổ dân phố, thôn ấp, các hội, tổ chức đoàn thể đến gửi giấy thông báo để các gia đình đưa các nhóc đến trường Mầm non. Tại đây, các nhóc được học hát, múa, cách đi tè, ngồi bô, được uống sữa học đường... Và cũng tại đây ở tuổi thứ 5, các nhóc bắt đầu bị “dụ dỗ” học thêm với môn học đầu tiên có tên gọi là “học chữ”, vì biết chữ trước (theo các cô giáo Mầm non) sẽ dễ dàng vào được các trường điểm sau này.

 

Có lẽ khái niệm “dạy thêm học thêm” bắt nguồn manh nha hình thành từ đây. Nhưng nhọc nhằn và ám ảnh nhất vẫn là thời gian nhập học vào lớp 1. Nhiều ông Bố, bà Mẹ (chủ yếu là ở thành phố) phải đội sương, dầm mưa thức dậy từ rất sớm, đứng kiên nhẫn chờ đợi trước những cổng trường (được coi là tốt) chỉ mong mua được bộ hồ sơ nhập học cho con.

 

Đến mùa nhập học, thì cảnh chen lấn, xô đẩy tại các trường lại diễn ra. Những hình thức “chạy” đua nhau làm khổ phụ huynh (chạy hồ sơ, chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, chạy cô…) Những bức ảnh với các tựa đề ấn tượng được các báo thay nhau giật lên: “Cổng trường… đổ sập”, “Phụ huynh…đạp rào lướt tới”, “Ban Giám hiệu trường … bị vây”, “Chạy trường, công an vào cuộc…”…. Phản ánh, phê phán, dư luận bức xúc… nhưng rồi mọi việc sau đó đâu lại vào đấy. Vẫn như nước dâng rồi lại rút, như mưa rồi tạnh, như bão đã tan. Thế đấy! chào mừng con người đã vào lớp 1.

 

Học ngoại ngữ kiểu... ngược đời

 

Ngoại ngữ (theo tôi nghĩ) với nhiều học sinh VN (nhất là ở các vùng nông thôn…) có lẽ là môn học “cực hình” nhất mà người học phải “chịu đựng”. Lúc đầu chỉ từ lớp 6 đến 12 và các năm học ở trung cấp, cao đẳng, đại học thôi. Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu thấy rằng công dân VN ít nghiên cứu chuyên sâu và giao tiếp xã hội kém là có nguyên nhân cốt lõi từ… khả năng ngoại ngữ. Thế là đề án Học ngoại ngữ ra đời.

 

Học  ngoại ngữ từ lớp 3, các trường Chuyên phải dạy các môn Tự nhiên bằng Tiếng Anh. Một phát kiến mới lạ của ngành lại xuất hiện! Nhưng lạ đời nhất, khiến nhiều người học chắc không thể “tiêu hóa” được là cách dạy “ngược đời” của môn học này ở các nhà trường phổ thông hiện nay.

 

Sau đây là (kịch bản) tự sự của 1 học sinh lớp 3 sau vài ngày học Tiếng Anh:

 

“Chúng em có học Tiếng VN đâu mà 2, 3 tuổi bọn em đã biết nói rồi. Lên Mầm non các cô chỉ “lén’ dạy bọn em có mấy buổi mà đã biết viết. Học hết lớp 1 bọn em đã đọc được sách, báo…” (Nháy mắt) : “Em biết rồi nhé !” và hóm hỉnh “lý sự” : “Bố em lấy bằng Thạc sĩ rồi, nhưng hôm đi bộ qua Nhà thờ Đức Bà, một ông Tây hỏi Bố em gì đó. Em thấy Bố lúng túng, chỉ chỉ, trỏ trỏ …chẳng nói được gì  (!)”
 

Con người vốn thông minh và nhạy bén, nhưng con người cũng bảo thủ lắm! Bọn trẻ nói đúng. Học sinh các nước khác không học tiếng nước ngoài như chúng ta mà học Nói trước, sau học Viết. Còn chúng ta thì ngược lại, học Văn phạm Ngữ pháp, rồi học Đọc, Nói…sau. Nghĩa là chúng ta không theo một nguyên lý cơ bản. Và như thế có cải cách cách dạy và học Tiếng Anh đến đâu, nhưng chưa thay đổi nguyên lý khoa học trên thì…vốn tiếng Anh của nhiều con người VN ta, theo tôi chắc vẫn chỉ có thể dừng lại ở “hello”; “what is your name ?”; “bye …bye…” mà thôi.

 

Sợ đến trường

 

Bệnh chán học ở nhiều học sinh các cấp mới là nỗi nguy đáng lo ngại nhất của giáo dục nước nhà, mặc dù tại các nhà trường luôn có khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui’. Hôm  nào nhà trường cho nghỉ, cho về sớm hay thầy cô bị ốm (mà tôi biết không ít học sinh VN “rất mong” thầy cô bị ốm ?),  nghỉ tiết thì y như rằng…đám học sinh gương mặt ai cũng rạng rỡ. Chúng vỗ tay chan chát, miệng đồng thanh hét to : “ye…ye..”

 

Thế đấy! bọn nhóc chán học, sợ phải học, sợ phải hàng ngày đến trường vì đến trường phải bị khảo bài, bị kiểm tra, bị làm bài tập…Nói chung, đến trường giờ với đa số là “cực hình”, là “xiềng xích” mà nghỉ học là được “giải thoát”.

 

Trường học có khang trang, sạch đẹp đến mấy nhưng nội dung giáo dục nhồi nhét,  quá tải, không thực tế thì vẫn chưa lôi cuốn được người học. Khi đã chưa lôi cuốn được người học thì không thể ngự trị ở học sinh sự yêu thích, niềm đam mê, bầu nhiệt huyết… Thế thì thử hỏi mục đích của giáo dục có đạt được hay không?

 

Khi đọc đến đây, chắc hẳn độc giả sẽ biện luận: Vẫn đạt được đấy chứ! Chương trình nặng, quá tải, ai cũng kêu ca nhưng hàng năm khi tổng kết, phần đa trường nào cũng “bội thực” học sinh giỏi. Tài, tài thật! bái phục các học sinh thời nay! Giáo dục chúng ta tài đến thế là cùng! (mượn cách nói của Nam Cao trong tác phẩm “Đôi Mắt”).

 

Nhưng mấy ai biết rằng, sợ đến trường là phản xạ có điều kiện của bọn trẻ, nhằm gửi đến một thông điệp cho người lớn chúng ta : “Tuổi thơ của tôi đang bị đánh cắp”. Thông điệp được phát đi nhưng người lớn vẫn phớt lờ, nhà trường vẫn như cũ …thì “trường quốc tế” ra đời là lẽ đương nhiên. 

 

Như vậy, giáo dục VN đứng ở góc nhìn thương mại đã thua ngay từ cấp học đầu tiên, thua ngay trên sân nhà. Vậy thì còn nói gì đến “du học tại chỗ”  hay “thu hút học sinh, sinh viên người nước ngoài”?
 
(minh họa từ internet)
 
(minh họa từ internet)

 

Ám ảnh kiểm tra, thi

 

Với ngành giao thông, nỗi lo của người dân là “con xe” thì với giáo dục, “kiểm tra, thi” là nỗi ám ảnh làm “lu mờ” những ngày tháng tươi đẹp của quãng đời học sinh. Thật đúng vậy! Kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học kỳ, thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng…Mới kể thôi đã thấy dài dằng dặc!
 
Mỗi lần kiểm tra hay thi thì học sinh phải chuẩn bị ôn tập, phụ đạo, tăng tiết, học thêm…Mà chuẩn bị kỹ chưa chắc đã đạt kết quả cao vì kiểm tra, thi …lại dựa vào chủ quan của người ra đề. Nội dung đề có nằm trong chương trình nhưng  câu hỏi không trọng tâm, bẫy người học, cắc cớ…là “chuyện bình thường ở huyện”, chưa nói tâm lý “học tài thi phận”. Đến mùa thi, người học như lạc vào “bát quái trận đồ”. Nhìn nhiều học sinh như những kẻ “ngẩn ngơ”, miệng lảm nhảm, mắt đờ đẫn, đầu tóc bơ phờ…

 

Còn nhà trường, vì thành tích, vì thanh danh, vì con số tròn trịa 100% …lên kế hoạch phụ đạo, khảo bài, truy bài. Mỗi sáng sớm, các “sĩ tử” tay vở, tay sách, bình nước, hộp sữa…ngồi chật kín sân trường để được các thầy cô truy bài, khảo bài. Một quang cảnh chẳng khác gì thời… xa xưa nhưng vẫn diễn ra trong xã hội hiện đại. Nó chỉ phản ánh một nền giáo dục lạc điệu, “lạc hậu”, ‘lạc đường” (chữ dùng của GS. Chu Hảo) và quan trọng hơn là giáo dục vô tình làm lãng phí thời gian của người học. Bằng cách kiểm tra, thi cử như hiện nay, chúng ta có thể phân biệt được người chịu khó và chưa chịu khó, chứ chưa đánh giá được sức sáng tạo tiềm tàng của mỗi cá thể độc lập người học.

 

Ngoài ra, thông qua các kỳ thi, người học còn là nạn nhân chính của căn bệnh thành tích - một căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Chúng ta vẫn thường thán phục, xem các em học sinh, sinh viên đạt giải quốc tế như các bậc kỳ tài. Nhưng có mấy ai thống kê được các em đoạt giải Olympic Quốc tế Vật lý, Hóa học, Toán học… bây giờ đã là một “Lê Bá Khánh Trình” hay là một “Ngô Bảo Châu” chưa ?

 

Năm nào chúng ta cũng đạt giải cao trong các kỳ thi Robocon quốc tế, nhưng có sản phẩm công nghiệp nào mang thương hiệu VN xuất hiện trên thương trường trong và ngoài nước? Vì thế học sinh Giỏi cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Quốc gia  hay Thủ khoa Đại học, Cao đẳng… tôi thấy có lẽ tất cả mới chỉ là ánh hào quang tạm thời, làm rạng rỡ thêm cho những trang báo cáo dài về thành tích của nhà trường, của ngành Giáo dục mà thôi.

 

Chương trình giáo dục của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ, vẫn nợ người học một chữ, đó là chữ HÀNH. Đúng thế! HỌC chưa đi đôi với HÀNH. chỉ học … có học giỏi, có đạt giải Quốc tế này, Quốc tế nọ nhưng chưa áp dụng sự học vào thực tế thì chỉ là người nói suông, là “tuyên truyền nhãi nhép” mà thôi.

 

Hiện nay chúng ta kêu gọi phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. Nhưng đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu?
 
Theo thiển nghĩ của tôi là cần làm cách nào để mọi người dân được đối xử công bằng trong vấn đề thụ hưởng giáo dục; người học thích thú mỗi sáng được đến trường; được nói ngoại ngữ như một thứ ngôn ngữ thứ hai, không gò bó. Và mỗi kỳ kiểm tra, thi cử chỉ là những lần sát hạch nhẹ nhàng, đơn giản không gây áp lực lớn…v.v… là chúng ta đã góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục VN.

 

Nguyễn Hữu Tâm (Bà Rịa-Vũng Tàu)