Bạn đọc viết:

Tôi tin và ủng hộ cô giáo Thủy!

(Dân trí) - Đã là sinh viên khoa Ngữ văn ngành Sư phạm và ra trường là một giáo viên dạy Văn, tôi cam đoan không có ai hiểu sai hoặc nhận thức không đúng về câu này. Bởi câu đó rất quen thuộc từ khi học phổ thông, sang học đại học…tới lúc ra trường đi dạy.

Tôi tin và ủng hộ cô giáo Thủy!
Đã tới lúc những cách dạy học gò ép theo "khuôn mẫu" cứng nhắc không còn phù hợp với học sinh (minh họa: Tuổi Trẻ)

 

Tôi khẳng định 100% đây không phải là vấn đề nhận thức như những ai đó đã nghĩ, bởi các lý do sau:

 

1. Trong buổi kiểm tra đó có rất nhiều học sinh cùng làm bài kiểm tra và cùng làm một đề. Chắc chắn rằng không phải em nào trong số các học sinh của lớp cô Thủy cũng có nhận thức về "Canh gà Thọ Xương" như em học sinh này, và đa số là nhận thức đúng ý nghĩa của câu đó. Vì vậy khi chấm bài không có lý gì cô Thủy không biết lỗi sai của em học sinh này.

 

2. Đã là sinh viên khoa Ngữ văn ngành Sư phạm và ra trường là một giáo viên dạy Văn,  tôi cam đoan không có ai hiểu sai hoặc nhận thức không đúng về câu này, bởi câu đó rất quen thuộc suốt từ khi học phổ thông đến khi học đại học, khi đi thực tâp rồi ra thực tế giảng dạy. Câu này được học sinh (trong đó có cô Thủy) học từ phổ thông, rồi vào đại học cũng được học vì đây là một bài rất nổi tiếng. Rồi khi đi thực tập cũng phải học, phải dạy. Khi ra trường đi dạy, một cô giáo đâu chỉ dạy một lớp hoặc một giờ mà dạy nhiều lớp. Thế nên tôi nghĩ là không thể có vấn đề liên quan đến nhận thức ở đây được.

 

Có lẽ cô giáo chỉ là có một cái sai sót nhỏ là chưa sửa vào bài thôi. Tuy nhiên cũng cần phải thông cảm và hiểu cho đặc tính nghề nghiệp của giáo viên là họ không chỉ dạy cho 1 lớp, mà dạy nhiều lớp trong một trường (Chưa kể đến giáo viên có khi phải dạy thêm ở trong trường hoặc ở đâu đó). Bởi vậy việc chấm bài sẽ rất vất vả. Các bạn thử hình dung xem 1 lớp có 40 cháu, công việc chấm bài sẽ vất vả như thế nào và mất bao nhiêu thời gian. Luật lao động quy định mỗi người làm việc 1 ngày 8 tiếng. Cô giáo cũng chỉ là người bình thường thôi, ngoài ban ngày dạy ở trường, buổi tối cô giáo cũng cần phải có cuộc sống như mọi người khác để giải trí, nghỉ ngơi ….

 

Khi trả bài kiểm tra, bao giờ thầy cô giáo cũng nói về những điểm được và chưa được trong bài làm của cả lớp. Nếu có thời gian nhiều hơn, cô giáo sẽ nói từng trường hợp cụ thể. Còn nếu không đủ thời gian, cô giáo có thể phân chia ra các vấn đề lớn để các em biết và tự đọc lại bài của mình, biết mình sai ở đâu để còn sửa. Chứ cứ để cô giáo sửa sẵn cho rồi thì chắc là học sinh sẽ không đọc lại bài mình viết.

 

Môn Văn khác hẳn với môn Toán hay các môn tự nhiên khác. Nếu môn Toán thì khi sửa cô chỉ cần viết lên bảng một lần đáp án hoặc cách giải của các câu, là học sinh biết mình sai ở đâu. Văn học thì cần phải cảm nhận, tôi tin nếu em học sinh này nghe cô Thủy nhận xét bài làm trên lớp và đọc lại, chắc chắn cả đời em này sẽ không bao giờ quên được ý nghĩa của câu này. Học văn là đọc và cảm nhận, điều này rất cần ở các em học sinh vì như vậy các em mới có thể tiến bộ và nhận thức đầy đủ được

 

Tôi thấy báo chí và dư luận thổi phồng sự việc này thôi. Tôi mong rằng cô Thủy sẽ suy nghĩ lại và lên tiếng về vụ việc này rõ ràng. Cô giáo đâu có đơn độc, còn có rất nhiều người đã, đang tin và sẽ ủng hộ cô. Tôi là một người trong số đó.

 

Dang Van Hoang 

email:  avocat_4481@yahoo.com