TOÀN DÂN TỰ GIÁC, CÁI ÁC PHẢI LÙI

Hiện tượng “nhờn luật”, coi thường luật pháp, xem nhẹ lợi ích đất nước, lợi ích cộng đồng đang có dấu hiệu gia tăng. Đó là điều khiến xã hội nhức nhối, cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm, có lương tâm thấy đau đầu.

TOÀN DÂN TỰ GIÁC, CÁI ÁC PHẢI LÙI - 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

- Cách đây 69 năm, ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được ban hành, ngày này cũng đã trở thành Ngày Pháp luật Việt Nam. Một trong những mục đích của việc tổ chức ngày này là “giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Nếu pháp luật được thượng tôn, mọi người đều tự giác thực hiện các quy định của pháp luật, trật tự xã hội sẽ càng được bảo đảm, mầm thiện càng sinh sôi và cái ác càng bị đẩy lùi.

Khách quan mà nói, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã trở thành những chuẩn mực xã hội tối thượng được đại đa số chủ thể có quốc tịch Việt Nam hay cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không có quốc tịch Việt Nam nhưng sinh sống, làm việc hoặc tổ chức hoạt động tại Việt Nam tôn trọng và tự giác thực hiện.

Nhưng cũng rất buồn khi phải thừa nhận, hiện tượng “nhờn luật”, coi thường luật pháp, xem nhẹ lợi ích đất nước, lợi ích cộng đồng đang có dấu hiệu gia tăng. Đó là điều khiến xã hội nhức nhối, cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm, có lương tâm thấy đau đầu.

Trong các phiên họp của Quốc hội bàn về kinh tế-xã hội gần đây nhất, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh là "rất đau đớn khi phải thuật lại hàng loạt vụ thảm án xảy ra chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn"; hoặc khẩn thiết kêu gọi nông dân đừng sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, kích thích tăng trưởng, kích chín hay thuốc kháng sinh bừa bãi. Những hành vi vi phạm được đại biểu Quốc hội kể tới là những biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng thiếu ý thức tự giác, thiếu nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật. Chính điều đó khiến con người cảm thấy bất an hơn, luôn phải sống trong cảnh giác, dè chừng-đơn giản nhất như mua thực phẩm về ăn cũng phải suy tính để tránh mua phải đồ độc hại. Ai cũng cảm thấy mệt mỏi vì điều đó.

Để xã hội tránh được sự mệt mỏi ấy, sự vào cuộc mạnh mẽ, nghiêm minh của các cơ quan Nhà nước là lẽ tất nhiên, nhưng điều không thể thiếu là ý thức tự giác của từng người dân, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong chấp hành luật pháp. Nếu không tự giác tuân thủ pháp luật, không chỉ có chế tài luật định để trấn áp mọi hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có những chế tài cực kỳ khốc liệt của xã hội, của cộng đồng dành cho những người vi phạm. Sự“quay lưng” và tẩy chay của người tiêu dùng với các mặt hàng có nguy cơ cao bị tồn dư hóa chất độc hại khiến “đầu ra” của nông sản càng ngày càng khó khăn cho thấy rõ điều đó. Khi không chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn trong sản xuất hàng hóa nông sản, nông dân sẽ không chỉ tự xâm hại sức khỏe của chính bản thân, gia đình, của những người xung quanh mình và xa hơn là của đồng bào, đồng loại, mà còn đang tự tay “giết chết” chính sản phẩm và thương hiệu của quê hương, nói cách khác là tự tay hủy hoại chính con đường làm ăn của mình và của người khác. Một hộ gia đình có thể phun hóa chất vào luống rau mang ra chợ bán và trồng riêng một khoảnh rau phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng hộ gia đình ấy không thể chỉ ăn duy nhất thứ rau mình trồng. Họ sẽ phải ăn thịt, cá, tôm của người khác cung cấp ra thị trường và nếu những người làm ra thịt, cá, tôm cũng làm giống những người trồng rau, thì cuối cùng, ai cũng ăn phải những thứ độc hại và ai cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư như nhau…

Một hành vi thiếu ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật là một hành vi gieo mầm cho cái ác nảy sinh, thậm chí ngay lập tức trở thành cái ác. Do vậy, muốn bản thân mình, người thân của mình được sống trong một xã hội trật tự, an toàn, mỗi người dân phải tự giác tuân thủ pháp luật. Một trong những yếu tố hình thành nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật là công dân phải hiểu luật, nhất là những đạo luật thiết thân với cuộc sống thường ngày của mỗi người. Muốn vậy, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cần phải được làm tốt hơn nữa tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường, trường học... Khi người người, nhà nhà, nơi nơi chấp hành luật pháp một cách tự giác, cái ác sẽ từng bước bị đẩy lùi.

THÙY LÂM

(Theo báo Quân đội nhân dân)