Tinh giản biên chế - Việc không thể không làm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, biên chế không những không giảm mà còn tăng là do nhiều nguyên nhân đang tồn tại. Đó là tâm lý ngại va chạm và chưa có chế tài tương xứng để người đứng đầu có thể thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Cùng với đó là công tác đánh giá cán bộ chưa thực chất, cơ chế chính sách chưa đồng bộ…
Quá nhiều trở ngại
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, tinh giản biên chế khi nào cũng là một việc khó vô cùng. “Nói tới việc tinh giản biên chế đã rất ngại chứ chưa nói đến làm, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi từng cá nhân, từng cơ quan” - TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
Đúng vậy, tinh giản biên chế trong thực tế là việc làm rất khó. Chính vì cái khó này, mà đến nay, công việc này vẫn “rối như tơ vò”. Khó thứ nhất chính là nhiều trường hợp còn ngại va chạm, chưa kiên quyết, có tâm lý nể nang, né tránh, tâm lý “anh không đụng đến tôi thì tôi cũng không đụng đến anh”, càng tránh va chạm càng tốt. Đúng thôi, ở cơ quan nào “sếp” cũng muốn ổn định và cố gắng ổn định để làm việc, tự nhiên bây giờ xáo trộn đụng chạm từ chỗ là bạn, người anh em đồng chí bây giờ bị sáp nhập, tinh giản sinh ra đố kỵ ghen ghét, rồi kiện cáo nhau gây lên bầu không khí căng thẳng mất đoàn kết... Cùng với đó là tình trạng một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm lý ngại khó, sợ phiền hà vì họ là con cháu lãnh đạo ai dám đụng vào, có khi chưa tinh giản được họ, “họ đã tinh giản mình rồi”.
Nói như Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, đại biểu Quốc hội khóa XIV Dương Văn Thống thì khó thật: “Tại Yên Bái, có trường hợp 1 phó giám đốc sở là do sáp nhập vào nhiều năm nay nhưng mà không đưa đi đâu được, phải để anh em lại, hạ xuống cũng không được. Người Việt Nam chúng ta là thế!” – tâm lý này đã ăn sâu trong ý thức người Việt Nam chúng ta từ lâu rồi. Đó là chưa nói đến việc, nếu làm không khéo thì tinh giản biên chế sẽ là cơ hội để một số cá nhân lợi dụng việc này để tìm kiếm “đồng minh”, tập hợp, bè phái, trù dập, loại ra những người không “hợp cạ”.
Đáng lưu ý, câu chuyện “lạm phát” lãnh đạo, bổ nhiệm, quy hoạch, cả họ làm quan… cũng đã được kiểm tra phát hiện. Nhưng công tác khắc phục hậu quả vẫn chưa tìm ra lời giải đáp, bởi cơ quan chức năng vẫn khẳng định: “khó” sáp nhập, miễn nhiệm, điều chuyển, tinh giản… cũng vì nể nang, dung túng quan hệ con, cháu hay thân thiết,… phải chăng đây lại là một căn bệnh “nan y” hết thuốc?!
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để thực hiện, việc bố trí sử dụng cán bộ vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”… Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đã từ lâu, lợi dụng vào nguyên tắc này, không ít nơi đã đặt công tác cán bộ vào phạm trù bí mật, coi đó là quyền riêng của cấp ủy, thậm chí là quyền riêng của vài ba vị trong thường trực cấp ủy. Điều này đã nảy sinh tình trạng thiếu công khai, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình.
Điều đáng nói nữa là công tác đánh giá cán bộ không sát thực tế. Các tiêu chí đánh giá cán bộ chủ yếu định tính, thiếu định lượng, rất khó xác định mức độ cụ thể. Các bản đánh giá cuối năm của cán bộ na ná giống nhau. Do có tiêu chí đơn vị hàng năm muốn đạt thành tích phải không có người không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, kết quả đánh giá, phân loại cán bộ cuối năm chưa phản ánh đúng thực chất. Hầu hết cán bộ hằng năm đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ví dụ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng cán bộ tinh giản theo kế hoạch lớn nhất cả nước, chủ trương kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, kể cả cán bộ lãnh đạo. Một vị cán bộ lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khó là không xác định được cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, số cán bộ phải cắt giảm, dôi dư sẽ đi đâu, làm gì là bài toán khó và rất khó. Đây là vấn đề liên quan đến chính sách, đến tập quán tình cảm và đời sống của gia đình họ, cần tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, qua các cuộc giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, vẫn còn tình trạng nể nang, cào bằng trong đánh giá. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn mang tính hình thức, thiếu thực chất, không bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Do đó, việc đánh giá cán bộ, công chức khó là cơ sở để xem xét về năng lực của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện tinh giản biên chế.
Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì tinh giản biên chế không đạt yêu cầu đặt ra là do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân đầu tiên là khâu đánh giá cán bộ còn yếu, khó tìm ra công chức không hoàn thành nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản; trong khi đó ở một số nơi, việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức lại quá dễ dàng.
Chính vì thế mà đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã khảng khái: “Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản bộ máy chưa chuyển biến về chất, chủ yếu về lượng. Giảm đầu mối ở trên thì lại “phình” ở dưới. Giảm được số lượng người trong bộ máy chủ yếu là về hưu, chuyển ngành, chuyển công tác. Chưa phải là sự thanh lọc thực sự”.
Cũng cùng quan điểm trên, TS Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ nhận xét: Việc đánh giá công chức như thế nào để chỉ ra cho được ai là người “2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ” theo quy định là rất khó.
“Điều rút ra ở đây là đánh giá không dựa trên kết quả thực tế. Đánh giá cán bộ công chức, viên chức thì kết quả làm việc là gì? Bộ Nội vụ cùng các bộ đánh giá kết quả cải cách tổ chức bộ máy của từng bộ. Theo kết quả năm 2015, tổng số điểm tối đa là 12,5 điểm, cả nước đánh giá chung 19 Bộ với số điểm 11,89 điểm, bằng 95,12%. Như vậy điểm rất cao, chứng tỏ bộ máy rất tốt. Nhưng xã hội vẫn đánh giá là bộ máy vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả” – TS Đinh Duy Hòa nói.
Tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh sau khi nêu nghịch lý là cá nhân thì toàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng cơ quan, đơn vị lại chỉ hoàn thành nhiệm vụ mức trung bình, do đó đồng chí đã yêu cầu năm 2017 phải tạo đột phá trong đánh giá cán bộ.
Cơ chế chính sách, pháp luật: Có nội dung chồng chéo, khó khả thi!
Một nguyên nhân quan trọng khiến tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ viên chức không đạt yêu cầu đề ta được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra là chưa có cơ chế bảo đảm gắn quyền hạn với trách nhiệm, chưa có chế tài tương ứng để người đứng đầu có thể thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Hiện cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý, chưa lựa chọn được đúng người, dùng vào đúng việc; chưa tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết khả năng.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân, nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh và nặng nề là do đầu vào, tức là việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng trong khi đầu ra lại bị nhiều lực cản. Trong khi đó, để định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn”.
Mặt khác, đề án vị trí việc làm - một giải pháp được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Bởi về nguyên lý, đề án này phải được xây dựng trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương để thiết lập các “module” tổ chức gồm những cơ quan, bộ phận nào gắn với cấu trúc gồm bao nhiêu việc làm. Quản lý nhà nước theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực thì một cán bộ, công chức phải đảm đương được nhiều việc và phải bảo đảm “làm xong việc” chứ không phải là “làm hết giờ”. Nếu làm được như vậy thì việc xác định biên chế chuẩn là rất dễ. Nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vừa qua, các bộ, ngành, địa phương vẫn làm theo cách cũ, dựa trên chức năng, nhiệm vụ hiện nay, số biên chế hiện nay để xác định vị trí việc làm. Chính vì thế, Đề án này đã biến thành “lá chắn” cho việc trì hoãn tinh giản hoặc biện minh cho việc không tinh giản được biên chế.
Hiện nay, việc tinh giản biên chế đang thực hiện theo kiểu chủ yếu chỉ chờ giải quyết cho những người… đến tuổi nghỉ hưu. (Ảnh minh họa: TH)
Lý giải về việc tăng biên chế công chức, Chính phủ cho rằng nguyên nhân là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Song, theo một số thành viên đoàn giám sát Quốc hội, cần xem lại cách xác định biên chế, nơi nào cần biên chế, nơi nào không, từ đó mới thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả.
Mặt khác, hiện nay, việc tinh giản biên chế đang thực hiện theo kiểu chủ yếu chỉ chờ giải quyết cho những người… đến tuổi nghỉ hưu. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thẳng thắn cho rằng cứ nói tinh giản nhưng thực tế rất khó. “Ngay biên chế thôi, Nghị định 108 của Chính phủ là tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ có thực hiện được không? Hay hầu như không cơ quan nào thực hiện được, mà chỉ là những người đến tuổi nghỉ hưu rồi thì cho nghỉ, còn những người không làm được việc vẫn ở trong bộ máy. Đề nghị phải xem lại cách xác định biên chế?”, ông Phan Trung Lý đặt câu hỏi.
Nhìn từ hiện tượng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn giao thoa, chồng lấn, GS.TS.Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích: Ngoài các bộ, cơ quan ngang bộ đã được tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, vẫn còn có 92 cơ quan tổ chức do Chính phủ và Thủ tướng thành lập và 123 tổ chức do bộ trưởng thành lập. Đó là điều đáng suy nghĩ. “Hiện tượng này thể hiện nguyên tắc phân công một cơ quan làm nhiều việc. Nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính lại chưa được thực hiện. Vì vậy còn rất nhiều tổ chức phải liên ngành như thế này. Tôi đề nghị cần đánh giá kỹ chỗ này”, GS Trần Ngọc Đường chỉ ra.
Một yếu tố khác trực tiếp tác động đến tinh giản biên chế là xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Ông Phan Trung Lý đã phải thốt lên: “Tốn nhiều tiền lắm rồi. Lẽ ra càng ứng dụng công nghệ thông tin thì biên chế càng phải giảm. Nhưng kỳ lạ là, biên chế không giảm”.Từ đó, ông nhận xét hóm hỉnh: Chúng ta đã chuyển sang thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng con người (cả cán bộ công chức, viên chức và người dân) thì vẫn chỉ 0.4?
Một khó khăn nữa là kinh phí thực hiện tinh giản biên chế. Theo kế hoạch, hằng năm Nhà nước luôn dành khoản ngân sách lớn cho việc này, nhưng việc bố trí gặp nhiều khó khăn, cho nên nhiều đơn vị không thực hiện được. Đơn cử ở Hà Giang, năm 2015, trên cơ sở rà soát vị trí việc làm, Sở Y tế đề nghị Sở Nội vụ xem xét 54 trường hợp thuộc diện tinh giản. Nhưng chỉ có 11 trường hợp được chấp nhận, số còn lại phải chờ kinh phí thanh toán chế độ và sẽ giải quyết dần trong năm 2016; tỉnh Thanh Hóa cũng duyệt chi tổng số kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế đợt 2 là gần 55 tỷ đồng. Trong đó, hơn 53,5 tỷ đồng dành cho 451 người về hưu trước tuổi; hơn 32,8 triệu đồng cho 1 người chuyển sang làm việc ở các cơ sở không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; hơn 1,3 tỷ đồng dành cho 14 người thôi việc ngay…Đây là gánh nặng cho tài chính quốc gia trong lúc ngân sách khó khăn.
Theo Nguyễn Minh, Thu Hà
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam