Bạn đọc viết:

Tĩnh điện có thể làm cháy xe

(Dân trí) - Tôi có suy nghĩ lý giải việc cháy xe lâu nay, xin nêu ra để các cơ quan quản lý, cung cấp nhiên liệu, nhà chế tạo và các bạn cùng phân tích xem.

Tĩnh điện có thể làm cháy xe  - 1

Ảnh minh họa (Anh Thế)
Từ các vụ việc xảy ra vừa qua thì ta có thể khẳng định rằng:

-  Cháy chỉ xảy ra ở các xe dùng nhiên liệu xăng.

-  Số xe bị cháy nhiều bất thương này chỉ mới xuất hiện vài tháng gần đây;

-  Cháy/nổ đã xảy ra trong nhiều trường hợp: xe đang chạy, xe đang dừng, đã tắt khóa điện, khi vừa khởi động hoặc cả khi xe để yên trong nhà. Rất ngẫu nhiên!

Tất cả chỉ có thể lý giải là do hiện tượng TĨNH ĐIỆN.

Tĩnh điện là hiện tượng tích tụ các khối điện tích do sự cọ xát giữa các chất điện môi khác nhau. Ở đây, một bên là XĂNG với bên kia là một loại vật liệu không dẫn điện khác. Nó có thể là cái PHAO XĂNG bằng nhựa, cũng có thể LỚP SƠN phủ bên trong bình xăng (tôi đoán vậy thôi). Khối điện tích này sẽ nhỏ, không đáng kể hoặc, chúng có thể xuất hiện rồi tự tiêu đi (gọi là trung hòa âm/dương) -  nếu như:  xăng đúng tiêu chuẩn. Nhưng với một loại xăng nào đó cho phép tích điện lớn, giữ lâu (do điện trở suất của nó cao chẳng hạn) thì khả năng phóng điện khi hai khối điện tích khác dấu tạo nên dòng đủ lớn, gây tia lửa. Nếu trong bình có không khí hở thì sẽ cháy và lan ra ngoài; Nếu bình kín mà lại có một khối không khí thích hợp thì cháy sẽ kèm theo nổ.

Vậy khi nào thì cháy/nổ xảy ra? Cơ hội các đám điện tích này gặp nhau có thể rất ngẫu nhiên.  Thường nhất là khi xe đang chạy, rung lắc nhiều. Khi xe đứng yên cũng có thể vì khối điện tích trong xăng di chuyển trong bình. Khi gặp đám điện tích khác dấu trên phao hoặc  ở thành bình sẽ phòng điện. Nó có thể xảy ra trên xe máy, trên oto. Và bất kỳ lúc nào.

Trước đây, các xe bồn chở xăng luôn có một sợi xích thép để “tiếp địa”. Chắc nhiều người đã biết, đó là dụng cụ khử tĩnh điện!

Xin nhắc lại rằng, loại xăng chuẩn thì khối điện tích này rất nhỏ, sẽ tự trung hòa đi, không bao giờ đủ để phóng điện gây tia lửa.

Nếu những điều lý giải trên có cơ sở thì ta hãy thí nghiệm xăng - chắc chắn có vấn đề? Đó là biện pháp giải quyết gốc.  Còn để tiêu khối điện tích này thì cũng có cách nhưng, theo tôi, người dùng chúng ta đừng thử.  Nơi có điều kiện có thể  làm thí nghiệm để đo sự nhiễm điện trong bình xăng bằng điện kế. Nhưng các Nhà chế tạo xe cũng có thể phải nghĩ đến việc khử tĩnh điện bằng các kiểu dây nối hoặc đặt lưới kim loại trong bình xăng để tiếp đất chúng.

Tôi gửi bài này để quý vị tham khảo. Tôi muốn được cùng thảo luận để tìm hiểu thêm và có thể cùng làm một số phép thử.

 (Chuyên môn của tôi là điện, giảng dạy ĐHGTVT Hà Nội)

 

                                                                    Lê Tòng

                                             Email: letongdkh@yahoo.com