Bạn đọc viết

Tìm và giữ được hiền tài - thành công của Đại hội

Tôi rất tán đồng với phát biểu kết luận hôm mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương ( BCH TƯ) lần thứ 11 ( khoá 11) về công tác quy hoạch nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc bởi sự chặt chẽ và thuyết phục của cách làm sắp tới . Tuy nhiên, để làm tốt, hiệu quả,sẽ không hề dễ nếu không mềm dẻo , linh hoạt mà vẫn đảm bảo nguyên tắc .

Sáng 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình. Nhiều đại biểu là cử tri của Quận đã bày tỏ sự hoan nghênh về thành công của Hội nghị lần thứ 11, BCH TƯ Đảng khóa 11 vừa qua, đặc biệt về việc đề ra các tiêu chuẩn cụ thể cho nhân sự trung ương khóa tới.
Tại buổi tiếp xúc , Tổng Bí thư cũng cho rằng : “Muốn Đảng mạnh, trước hết cơ quan Đảng phải mạnh, ý thức được điều đó nên thời gian vừa qua Trung ương Đảng đã chuẩn bị nhân sự rất kỹ, xin ý kiến các địa phương, rồi đến Trung ương cũng đều thống nhất cao. Đây được xem là định hướng rất lớn mà sắp tới chúng ta có cơ sở để chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội 12”.

Đồng thời , Tổng Bí thư còn gợi ý ''Mong cử tri giới thiệu người xứng đáng vào Trung ương ". Đây là một nét rất mới. Tôi cũng chưa rõ sắp tới, tiếng nói của cử tri góp ý, giới thiệu nhân sự cho Đại hội sẽ thực hiện ra sao, có tác dụng không ? Có được tiếp thu nghiêm túc không? Với tư cách một công dân , thực hiện sự gợi ý nêu trên của Tổng Bí Thư, tôi muốn góp một số ý nhỏ khi Trung ương giao cho Bộ Chính trị trực tiếp làm đề án cho một câu chuyện rất lớn : Nhân sự cụ thể, nói trên .

Trong 4 yêu cầu được Trung ương đặt ra để xây dựng BCH TƯ Đảng khoá 12, có một tiêu chí , đó là cơ cấu độ tuổi tham gia , kể cả là khoá đầu cũng như tham gia khoá tiếp theo, làm sao phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển liên tục với 3 độ tuổi( dưới 50, 50-60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH TƯ xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng .

Như vậy là khá rõ. Có thể sẽ không hoàn toàn cứng nhắc khi BCH TƯ tìm ra được những trường hợp đặc biệt , hiện là Uỷ viên Trung ương , có nhiều tiêu chuẩn đạt , thậm chí rất suất sắc, trừ việc bị quá tuổi nên không còn được quy hoạch, nay không hẳn là không còn được xem xét để Trung ương trình Đại hội quyết . Những gương mặt sáng giá đó , nhân dân đều biết rõ và rất trân trọng bởi thực tế, số này cũng rất ít. Song , ở khâu định hướng cho quy hoạch độ tuổi vừa nêu , cũng chưa thật rõ , họ phải đang là cấp trung ương nào ? Là Uỷ viên T.Ư hay từ Bí thư T.Ư trở lên mới xét ?

Tôi cho rằng cách làm như vậy ( nếu được hiểu theo độ tuổi trên 61 cho các cấp )mới là hợp lý và khoa học. Không nên quá cứng nhắc ,quá xem trọng chuẩn mực về độ tuổi mà bỏ quên những người hiền tài nhưng bị lỡ do quá một chút về độ tuổi.

Tuy nhiên, theo tôi, những tiêu chuẩn cứng về độ tuổi như vừa nêu chúng ta vẫn cần tôn trọng. Song, Đảng cũng chỉ nên " đặc cách" một số ít trường hợp trong nhiệm kì hiện nay nếu họ đặc biệt nổi trội ,có tầm nhìn, có đóng góp nhiều và có năng lực thực sự thì sẽ ở lại tham gia tiếp. Cách làm này chỉ có lợi cho BCH TƯ . Nếu không, sẽ rất uổng phí. Trong khi đó , chỉ vì còn trong độ tuổi mà một số vị nghiễm nhiên được tiếp tục thì cũng không nên khi mà số này không thật nổi bật , thậm chí nhạt nhoà .Trong khi đó , chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận , "ngăn chặn được người cơ hội vào Trung ương thật không dễ".
Làm nhân sự mà" cứng" như vậy, tôi nghĩ sẽ không hẳn tạo nên một bộ máy lãnh đạo đất nước trí tuệ và có sức mạnh thực thụ.

Tôi xin nêu một ví dụ về công tác nhân sự ở một bộ . Họ không phải là Uỷ viên Trung ương Đảng mà chỉ là sỹ quan cấp tướng trong Quân đội ở một bệnh viện Trung ương.
Do mấy vị này đều là tướng lĩnh , dù họ đều có học hàm Giáo sư, Phó GS , học vị Tiến sỹ và danh hiệu Thày thuốc Nhân nhân. Thậm chí, họ là những phẫu thuật gia đầu ngành của cả nước , rất giỏi chuyên môn và giới y học đều biết tiếng... Nếu các vị đó ở bệnh viện dân sự , tôi tin là họ sẽ được trọng dụng tiếp dăm bảy năm. Nhưng vì hiện nay, trong Quân đội đã bị Luật Sỹ quan khống chế trần cấp tướng, (Quốc hội đã thông qua, khống chế không được quá bao nhiêu vị cấp tướng đó ) . Tức là ,cứ 60 tuổi thì đều mời nghỉ để còn dành vị trí cấp hàm tướng cho người mới sẽ đôn lên, nếu không sẽ "dồn toa", thiệt cho lớp trẻ.

Đây có lẽ là cách áp dụng rất đáng tiếc và rất lãng phí chất xám, nên xem lại . Có người nói vui với tôi, giá như những vị tướng là các nhà khoa học kia mà chỉ mang cấp hàm đại tá thì sẽ chẳng ai so bì . Có khi như thế,biết đâu lại được trọng dụng và dễ kéo dài thời gian cống hiến hơn vì họ không " chiếm suất" tướng của người khác (!?).


Trong thực tế, ở nước ta, có một số cán bộ lãnh đạo rất có năng lực , giỏi chuyên môn, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nếu cứ với cách làm như ví dụ tôi vừa nêu, sẽ rất đáng tiếc cho đất nước . Trọng dụng người giỏi chuyên môn , lẽ ra chúng ta sẽ không làm thế bởi rất phí phạm nguyên khí quốc gia. Trong khoa học, tuổi 50-60 mới là độ tuổi "chín", sung sức và nhiều kinh nghiệm nhất của họ. Với số người lãnh đạo đất nước( ý tôi nói là các chính khách) ở tầm vĩ mô, cỡ hàm Bộ trưởng chẳng hạn, tôi nghĩ , nó lại càng rất cần như thế !


Quốc Phong