Bạn đọc viết:

Tiếp lửa cho tinh thần “chiến sĩ trên mặt trận giáo dục”

(Dân trí) - 20/11, mỗi người làm công tác giáo dục lại có dịp trải lòng, suy ngẫm thêm về nghề nghiệp … Để rồi “ngộ” ra nhiều điều, nhất là hiểu rõ nếu không tự mình đổi mới tư duy và phương pháp dạy học... chẳng khác gì người lính buông súng giữa trận tiền.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, động viên các nhà giáo trước phủ Chủ tịch (ảnh: GD&TĐ)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi, động viên các nhà giáo trước phủ Chủ tịch (ảnh: GD&TĐ)

 

Năm nào cũng vậy, khi những cơn gió đầu đông mang theo hơi lạnh về, ngày Nhà giáo Việt Nam lại đến. Dẫu mỗi năm đều có một ngày như thế và đã trở thành ngày hội truyền thống của những người làm công tác giáo dục - ngày toàn thể xã hội dành cho mỗi thầy cô giáo những tình cảm thiêng liêng, quý trọng nhất, nhưng có lẽ cũng chẳng năm nào giống năm nào. Cứ mỗi năm đón ngày kỷ niệm, là mỗi năm những người làm công tác giáo dục lại có những cảm nhận cũ - mới xen lẫn về nghề một cách rõ ràng hơn.

 

Dịp kỷ niệm lần thứ 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam này đúng vào thời điểm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “ 2 không” đã và đang triển khai rộng khắp trong toàn ngành, càng làm không khí ngày 20/11 năm nay như đến sớm hơn, rộn rã hơn. Có lẽ ai ai cũng bồi hồi, xôn xao niềm vui và cả nềm hân hoan, kiêu hãnh bởi một điều thật giản dị mà cũng thật ý nghĩa: được làm một công việc của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”- nghề cả xã hội trân trọng và tôn vinh.

 

Và cũng chính bởi lẽ đó mà mỗi người làm công tác giáo dục lại có dịp để trải lòng suy ngẫm thêm về con đường mình đang đi, về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và theo đuổi. Để rồi “ngộ” ra thật nhiều điều… như ai đó đã từng nói rằng: “Con người không phải là chiếc bình nước cần được đổ đầy mà là ngọn đèn cần được thắp sáng”. Chính mỗi thầy cô là những người lặng lẽ thu nhặt những mảnh vỡ cuộc đời, thắp lên ánh sáng hi vọng ấm áp.

 

Đó là nghề đem lại cho xã hội những niềm vui, là nghề đem kiến thức đến cho nhân loại, để để sẻ chia, truyền đạt vốn kiến thức của mình cho những người khác…. Là nghề mà tục ngữ Việt Nam từ xa xưa đã đúc kết: “Không thầy đố mày làm nên”. Nghề không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà cao hơn là dạy làm người - những chủ nhân tương lai của đất nuớc, những người làm nên non sông gấm vóc Việt Nam.

 

Hoạt động dạy học của người Thầy tác động tới tư duy, trí tuệ, tạo dựng và bồi đắp nên nhân cách của con người. Công việc của người Thầy rất thầm lặng, vất vả nhưng thật hấp dẫn, đầy sáng tạo và rất đỗi vẻ vang. Người Thầy có trách nhiệm đào tạp thế hệ tương lai cho đất nước, uốn nắn cho lớp măng non - sản phẩm của sự nghiệp trồng người cao quý ngày càng tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

 

Dạy học là cả một quá trình rèn dũa, tôi luyện đầy nghệ thuật, sản phẩm của nghề không thể ngày một ngày hai mà có. Đúng như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

 

Dẫu cũng như bao nghề, nghề dạy học phải vật lộn đối diện với cuộc mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền”…. đặc biệt là những tháng năm bao cấp đói nghèo. Cho đến cả bây giờ, cuộc sống thầy trò đã khá hơn lên cùng sự phát triển chung của đất nước, nhưng có lẽ  nghề dạy học vẫn là một nghề nghèo nhất trong những nghề cần tri thức. Dẫu vậy, mỗi người thầy đều nhận thấy đâu phải như các nghề khác chỉ cần có tri thức là đủ, người Thầy rất cần có tấm lòng, cần giữ được cho lòng mình trong sáng, giữ được Phẩm - Hạnh - Thầy….

 

Sứ mạng của nhà trường, của người Thầy là phải thông qua giáo dục mà đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển nội lực đó của người học. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. Thầy không chỉ dạy cho học sinh học, mà còn phải từng bước dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu, phát hiện ra điều mới. Và ở bậc đại học hay nghiên cứu thì tập dượt sáng tạo ra tri thức mới, nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách. chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.

 

Càng không dễ trong một xã hội và một thế  giới đang chuyển biến chóng mặt, ở đó nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, nhiều quan niệm mới hôm qua còn được chấp nhận, hôm nay đã có thể không còn thích hợp nữa. Trong lúc đó mục tiêu giáo dục không phải chỉ nhằm đào tạo con người làm ngay được một nghề nghiệp, một công việc cụ thể trước mắt. Mà còn phải nhìn xa hơn, đào tạo những con người có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh, những nghề nghiệp, những công việc luôn luôn thay đổi sau này. Đó là những con người thạo việc, năng động, sáng tạo, biết lo cho bản thân, cho cộng đồng, đồng thời cũng là những công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước….

 

Chính với những thử thách này, người thầy lại được ví như người lính: “Cái bục giảng không cao nhưng đã có một đôi người vấp té/ Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay/ Buông thả đấy rồi những ngón loay hoay/ Sẽ mỏi mòn đi và rơi rụng/ Như người lính không tự cầm lấy súng/ Vách chiến hào đâu phải dễ ấm lưng” (Đoàn Vị Thượng).

 

Vâng, không dễ chút nào! Nhất là hiện nay, toàn ngành giáo dục đang trong tiến tình cuộc “đổi mới”, mà như Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận, nhận định: “Đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn”, một “trận đánh” mà ở đó chính đội ngũ giáo viên là những chiến sỹ đi đầu và điều đó khiến mỗi người làm công tác giáo dục liên tưởng giữa viên phấn với viên đạn.
 
Và chính mối liên tưởng này càng làm mỗi người làm công tác giáo dục nhận rõ hơn: Nếu không tự mình đổi mới tư duy và phương pháp dạy học, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục.. thì chẳng khác gì người lính tự buông súng ngay giữa trận tiền.

  

Nguyễn Minh Tư
(Phòng Tổ chức cán bộ, trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao  Hà Nội)