Tiền chùa, tiền sư hay tiền bá tánh

Thông tin về nhà sư Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc - xin giữ lại những tài sản trị giá hơn 300 tỉ đồng khi hoàn tục đã làm cho dư luận băn khoăn về tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo được huy động và sử dụng như thế nào.

Nội dung box

Tiền chùa, tiền sư hay tiền bá tánh - 1

Nguồn: Infonet

Thông tin về nhà sư Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc - xin giữ lại những tài sản trị giá hơn 300 tỉ đồng khi hoàn tục đã làm cho dư luận băn khoăn về tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo được huy động và sử dụng như thế nào.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - cho rằng: “Theo tổ chức minh bạch tài chính thế giới việc quản lý các quỹ này có nguy cơ dẫn đến tham nhũng cao nhất. Song Việt Nam lại chưa có cơ chế quản lý thích hợp”.

Chỉ cần trả lời các câu hỏi sau sẽ thấy sự minh bạch của đồng tiền công đức ở chùa Nga Hoàng.

Thầy Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008, trước khi về chùa, thầy có tài sản 300 tỉ đồng của riêng cá nhân thầy không? Nếu đó là tài sản riêng của thầy thì trả lại để thầy hoàn tục, vui chơi thoải mái như thầy ao ước.

Còn nếu như thầy Thích Thanh Toàn về chùa không có tài sản riêng, thì tài sản hình thành sau đó do Phật tử công đức, cúng dường thì thuộc về nhà chùa, không phải của cá nhân thầy trụ trì. Hay nói cho đúng, tiền của chùa không phải tiền của sư.

Nếu như thầy Thích Thanh Toàn chứng minh trong thời gian trụ trì chùa Nga Hoàng, thầy có mở thêm Cty kinh doanh, ví dụ như kinh doanh bất động sản chẳng hạn, có lợi nhuận, có đóng thuế và tích lũy được 300 tỉ đồng, thì thầy có quyền lấy số tiền đó về, tiền đó của sư, không phải của chùa.

Còn không phải do thầy Thích Thanh Toàn kinh doanh, mà tiền có được từ nguồn công đức, thì đó là tiền của chùa có nguồn gốc từ bá tánh. Thầy Thích Thanh Toàn không thể cho rằng bá tánh cúng công đức bằng tiền hoặc tài sản, đất đai là dành cho cá nhân của thầy. Đi tu không phải là nghề kinh doanh và nhà chùa không phải trụ sở doanh nghiệp.

Tiền công đức là tiền của bá tánh, chuyển sang cho nhà chùa, để nhà chùa phục vụ đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo cho bá tánh.

Nhưng muốn minh bạch tiền chùa, tiền sư và tiền bá tánh thì phải có công cụ pháp lý can thiệp, ở đây chính là hoạt động kiểm toán như các quỹ từ thiện xã hội khác.

Ông Lê Đình Thăng đưa ra quan điểm cực kỳ thuyết phục, đó là tổng nguồn lực của quốc gia luôn là hữu hạn nên nếu dòng tiền chảy vào đền, chùa, cơ sở thờ tự nhiều thì sẽ giảm bớt tiền vào sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó dòng tiền vào đây lại không quản lý, thiếu minh bạch, rất dễ dẫn đến trường hợp tài sản công đó biến thành của riêng.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động