Góc nhìn chuyên gia

TIC thay sách giáo khoa?

.Càng ngày, trong các trường học, thầy và trò dùng bài và hình ảnh trên máy tính thay sách giáo khoa hay bổ sung cho sách giáo khoa

TIC = Technologie de l’Information et de Communication – Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Tiếng Việt, ta có thể dịch TIC thành CTT theo chữ Công Nghệ Thông tin và Truyền thông vừa ghi trên.

TIC thay sách giáo khoa? - 1

“Cây” máy vi tính – thay vì trồng cây xanh …(ảnh: M. Poirrier chụp một tác phẫm điêu khắc trưng bày ở sảnh sân bay Schiphol – Amsterdam, Hà Lan)

Theo một khảo sát năm 2013 – các dữ kiện này cần cập nhật nhưng tạm thời tôi chưa có các con số mới hơn – , tại miền Nam nước Bỉ :

99% giáo viên sở hữu một hay nhiều máy tính

95% dùng các phương tiện thông tin TIC để soạn giáo trình

93% dùng internet mỗi ngày

77% nghĩ rằng các phương tiện thông tin TIC giúp làm giàu hơn các phương pháp sư phạm

Vài thực trạng

. Càng ngày, trong các trường học, thầy và trò dùng bài và hình ảnh trên máy tính thay sách giáo khoa hay bổ sung cho sách giáo khoa

. Bài tập cũng được gửi cho trò, trò làm bài xong, gửi lại cho thầy đánh giá, cũng trên mạng và trò có kết quả tức thì.

. Thầy và trò tìm kiếm tài liệu, chuẩn bị bài vở và giáo trình với mạng internet

. Trò còn có thể làm việc nhóm trên mạng hay tự tổ chức thành forum để làm bài

. Trò khi gặp khó khăn, có thể tìm sự giúp đở nhờ các sites chuyên môn giúp học sinh cần hổ trợ.

Hiện thời ai cũng thấy là cách dạy và học “truyền thống” lúc cuối thế kỷ thứ XX từ từ được thay thế hay ít nhất là bổ sung với những phương thức mới trong đó có các TIC-CTT

Nhưng TIC-CTT có thay sách giáo khoa hay không thì cần nhìn xa hơn.

Lợi ích của sách giáo khoa

Sách giáo khoa là một điểm tựa, cần cho trò để “cấu trúc kiến thức” – một kiến thức khác với một ý kiến. Sách giáo khoa có tính độc lập, khách quan và là điểm chung cho tất cả trò trong cùng một lớp,

Sách giáo khoa cần cho thầy. Người đi dạy không là chuyên viên của tất cả các môn. Sách giáo khoa giúp giáo viên một nội dung có bố cục sẵn sàng để dùng – prêt à l’emploi, nói theo tiếng Pháp – để dồn sức lực của mình và thời gian chú tâm đến phương pháp sư phạm để truyền cái tri thức, có sẳn trong sách giáo khoa cho trò,

Sách giáo khoa cũng là những đúc kết cần thiết cho ôn tập, giúp trò không phải lúc nào cũng ghi chép trong lớp.

Thí dụ ở lớp, trong lúc giảng bài, thay vì giáo viên ghi lên bảng và học trò phải chép lại vào tập hoặc thầy đọc và trò ghi thì thầy và trò cùng đọc trong sách giáo khoa,

Thầy và trò tiết kiệm được thời gian để làm những chuyện khác, bổ ích hơn.

Nhưng sách giáo khoa, một mình, không đủ.

Internet là một nguồn thông tin cập nhật và cần thiết vì những lý do dưới đây:

. Nghề nào hiện cũng cần máy tính, dân tình thường ngày cần E mail, cần Skype, cần các ứng dụng văn phòng. Việc học và dạy ở trường cũng thế, tiếp cận máy tính giúp trò thân thiện, … cư xử với máy tính như “cá với nước”

. Học trò rất thích dùng máy tính vì vừa hiện đại vừa là một … món đồ chơi

. Máy tính còn là một dụng cụ để thuyết trình, để tìm tài liệu, để vẽ, để chia sẻ thông tin

. Máy tính còn cho nhiều ứng dụng khác mà cụ thể nhất là mạng xã hội. Hiện giới trẻ không thể sống mà thiếu mạng xã hội.

Cái cần là dạy các em dùng các mạng xã hội và làm chủ chúng chứ không lệ thuộc chúng.

Điều kiện cần để dùng TIC-CTT trong trường (và trong xã hội)

. Dĩ nhiên, đào tạo thầy để tất cả giáo viên đều có thể sử dụng và làm chủ các phương tiện thông tin mới, kể cả cách dùng những phương tiện này như công cụ giáo dục.

. Dạy trò “đạo đức …dùng máy tính” biết phân biệt các địa chỉ trên mạng. Tránh lạm dụng những thông tin cá nhân, biết những giới hạn của quyền sở hữu trí tuệ, …Nhất là:

+ Học cách tiếp thu có suy nghĩ, những điều thấy trên internet cũng không hẳn lả thật, là đẹp, là đúng. Có nghĩa dạy các em trước nhất …từ chối tiếp nhận để suy nghĩ rồi mới tiếp thu sau.

+ Học một văn hóa “nền” về triết, về kinh tế xã hội, về lịch sử… tức là những “khuôn khổ” cần có để giúp sàng lọc những tri thức mới, những “sự kiện” mới vừa tra khảo được trên mạng internet – như thế để “mạch lạc hóa những tri thức rời rạc”

+ Tìm xem đâu là sự thật đúng nghĩa, tức là đánh giá độ tin cậy của thông tin.

+ Cuối cùng, việc tìm kiếm thông tin, với qui trình ba điểm trên, có hiệu quả hơn khi đó là một công việc nhóm – nhóm còn có vai trò nhắc nhở nhau những luật và lệ cần tuân thủ trong cách dùng internet.

Philippe Meirieu, một nhà giáo hiện rất được tin cậy về các phương pháp sư phạm, bày tỏ sự thận trọng của ông khi nói đến tác dụng của các TIC-CTT trong giáo dục. Ông không xem chúng như những phương tiện thay thế các phương thức sư phạm cũ (hay truyền thống) – Theo ông các TIC-CTT chỉ là những phương thức ngang hàng với những phương thức mà ta đã và đang dùng ở trường. Có thể thêm vào chứ không thay thế.

Để kết luận

Nếu các TIC-CTT có thể giúp trò tiếp thu các khái niệm và phát triển kỹ năng của chúng, giúp chúng tổ chức việc học – học với thầy hẳn rồi, mà còn tự học, học với bạn, học với internet

Nếu các TIC-CTT giúp trẻ giải quyết các vấn đề một cách có suy nghĩ và có hiểu biết

Nếu các TIC-CTT cho thêm hứng thú vào bài học, …

thì ta nên đón nhận những TIC-CTT và ứng dụng chúng như bất cứ phương tiện sư phạm mới nào khác,

Nguyễn Huỳnh Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm