Thuế TNCN trong cuộc đua "Thu đuổi theo Chi"

(Dân trí) - Phản hồi của dư luận với quyết định nóng hổi của Quốc hội về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng cuối năm 2012 cho những người chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1, vẫn chưa mặn mà. Bởi đúng là dân ta giờ đây “đâu chỉ cần no bụng”…

(minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ)
(minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ)

 

Khéo ăn, khéo co vẫn khó...

 

Việc đóng thuế TNCN với các nước khác trên thế giới đã là chuyện thường từ lâu, nhưng với một nước đang phát triển như VN thì vẫn còn là bài toán khó. Bởi nhìn chung mức lương cũng như thu nhập của đa số người dân ta còn rất thấp, nhiều người vẫn phải phát huy truyền thống “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” để duy trì mức sống sao cho ít nhiều cũng có thể mỗi ngày được nhích lên một chút.

 

Đồng thời, do các lĩnh vực dịch vụ công của chúng ta phải nói thật là vẫn còn ở trình độ thấp, nên đại đa số người dân vẫn phải tự lo phòng thân là chính. Nếu không, mỗi khi có việc cần đến cửa công để lo từ giấy tờ thủ tục tới bệnh viện, trường học… có chỗ nào không cần tới tiền? Mà ít thì cũng là con số chục ngàn, còn lại toàn phải chi tới tiền triệu (thậm chí hàng chục triệu, hàng trăm triệu…)

 

Thực tế đó, chúng tôi cũng như mọi người dân đều tin rằng các giới chức đều biết cả vì nó vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp mọi miền đất nước đó thôi. Vậy với mức thu nhập có vài triệu bạc mỗi tháng, dù có được giảm trừ gia cảnh thì những người có “đầu vào” theo như quy định được gọi là “bậc 1” đó, thì ai cũng hiểu là chưa thể đủ chi tiêu cho chính bản thân mình, nói gì tới tích lũy (không thì lấy đâu ra để mà có xe đi làm, có một tổ ấm riêng nho nhỏ…??

 

Chính vì vậy, trạng thái tâm lý chung của nhiều cử tri trước thông tin lẽ ra phải được coi là tốt lành này, vẫn chẳng khác gì nghe tin được tăng lương mà lại... buồn và lo nhiều hơn, là mấy:

 

“Tôi nghĩ mức đóng thuế này không hợp lý tí nào cả. Những người đề ra luật này hãy sống thử môt tháng bằng đồng lương 5 triệu đi, họ sẽ thấy với mức sống đó cộng thêm thuế cuộc sống sẽ chẳng khác thời "sống mòn" là mấy. Nghe vậy hơi chua chát nhưng đúng là thực tế đấy, thưa các bác có lẽ chỉ muốn thu thêm vì lo thâm hụt ngân sách ạ” – Hung Hoang:  hunghoang@gmail.com.vn viết theo “giọng” của “Thầy giáo Thứ” trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao.

 

“Lương 4tr => đóng thuế TNCN. Tăng lương thành 5tr => lại đóng thuế... còn cộng thêm các giá cả khác cũng tăng theo. Rút cục như thế có gọi là tăng thu nhập được không đây, thưa các quý vị?” – Ngan _BG:  kim_ngan_87@yahoo.com so sánh với thực tế cuộc sống.

“Thu nhập không đủ trang trải, lấy lương được 15-20 ngày đã hết thì tiền đâu mà đóng thuế?.... Làm kế toán thời buổi kinh tế khó khăn mà cứ cập nhật luật thuế TNCN riết rồi không dám yêu công việc của mình nữa!!!” - Hà Hương:  huong.ktbtl@gmail.com thở than cho tình cảnh chưa hết tháng đã hết tiền của rất nhiều người lao động hiện nay. 

 

“...Miễn thuế TNCN thế này, đến cuối năm quyết toán lại tính thu nhập theo trung bình năm, lại có trường hợp phải truy thu. Nếu đã miễn để tạo điều kiện cho người lao động, tôi mong là đến cuối năm khi quyết toán thuế TNCN năm 2012 sẽ có văn bản của Nhà nước cho phép được tính thuế TNCN tách biệt theo 2 giai đoạn: 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm” - Nguyen Phuong:  phuongnt983@gmail.com “cảnh báo” khả năng miễn rồi lại truy thu, dựa trên bài học kinh nghiệm vừa xảy ra cuối năm trước.

 

“Các vị đề ra quy định 5 triệu phải nộp thuế TNCN, thì tôi chỉ xin hỏi 1 câu duy nhất: CÁC ÔNG CÓ KHI NÀO ĐẶT MÌNH VÀO HOÀN CẢNH MỖI THÁNG CHỈ THU NHẬP VỎN VẸN CÓ 5 TRIỆU KHÔNG?  KHI ĐÓ CÁC ÔNG CÓ SỐNG NỔI KHÔNG, HUỐNG CHI LÀ CÒN BỊ TRỪ THUẾ? Nếu các ông có đặt mình vào hoàn cảnh đó thì mới hiểu được nổi khổ của người lao động” - Tran Huu Loi:  tranloiy27@yahoo.com.vn nêu câu hỏi.

 
(minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ)
 
Kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục Thuế Đống Đa, Hà Nội (ảnh: Hoàng Long, nguồn: Lao Động)
 

Việc hôm nay chớ để ngày mai!

 

Cũng về chủ đề này, bài viết của bạn đọc Đào Trọng Hiền kiến nghị việc miễn giảm thuế TNCN này nên được áp dụng luôn từ nay về sau, lập tức thu hút rất nhiều ý kiến ủng hộ. Và để minh chứng cho sự đúng đắn trong cách tính toán này, thêm nhiều con số cụ thể được đưa ra để so sánh giữa lý thuyết với thực tại:

 

“Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của anh Đào Trọng Hiền. Là người thực hiện việc chi tiêu hàng ngày cho gia đình, tôi thấy mức thu nhập chịu thuế TNCN như hiện nay là hoàn toàn không hợp lý. Mức thu nhập 1 người =  4 triệu và giảm trừ gia cảnh 01 người = 1,6 triệu đ/tháng hiện nay không đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống thực tế. Mặt khác, tôi thấy người nộp thuế TNCN trong biểu thuế từng phần mặc nhiên phải nộp 'thuế đúp': Ví dụ: tiền điện chiếu sáng, tiền điện thoại, phí nước sinh hoạt, hay mua sữa cho con, mua đồ dùng gia đình .... đều mất thêm 1 lần nộp thuế GTGT nữa. Vấn đề này tôi thấy cũng có bạn đọc đề cập đến rồi, nhưng chưa thấy Ban soạn thảo luật này đưa ra hướng dẫn cho đối tượng nộp 'thuế đúp' này như thế nào?” - Nguyễn Tiến Bình:  duthiu@yahoo.com.

 

“Tôi đồng tình với ý kiến của anh Hiền. Tôi chỉ mong các vị ở bên trên hiểu rằng người lao động chúng tôi vất vả lắm. Đôi lúc nghĩ cũng thật mắc cười, tôi thất nghiệp hơn 2 năm, không tổ chức, cơ quan nào hỗ trợ. Nộp hồ sơ để xin bảo hiểm thất nghiệp thì thủ tục nhiêu khê... Thế mà đến khi có việc đi làm thì lại phải nghĩ ngay đến thuế TNCN…....Trời ơi! Biết rằng nộp thuế là trách nhiệm nhưng mỗi tháng nào là tiền nhà trọ, tiền điện, nước, tiền xăng, tiền nộp BHXH, tiền ăn uống, rồi sắp đến nghe đâu thêm tiền thuế lưu thông xe cộ gì đó.......Tôi không biết đến bao giờ mình mới đủ tiền để mua 2m vuông đất để làm 'ngôi nhà cuối cùng' cho mình nữa, chứ nói gì tới nhà ở hiện tại đây?  Người lao động vất vả lắm mới làm ra được đồng tiền đó các vị ơi…” - Nguyễn Thị Thúy Liễu:  thuylieu_ql03@yahoo.com
 

“Tôi thấy rất buồn về chính sách thu thuế TNCN đối với người lao động…. Nhìn chung người lao động thu nhập như thế đâu đã đủ lo toan cho cuộc sống của mình, vậy mà vẫn phải cố thắt lưng buộc bụng thêm nữa để đóng thuế TNCN ư?... Nghe mà  thấy chua chát quá!” - Tanhtanh:  aonlymylove@yahoo.com

 

“Bài viết rất đúng. Với mức 4 - 5 triệu đồng mà đã được goi là 'thu nhập cao', phải đóng thuế?  Trong khi cơm ăn, áo mặc hàng ngày cũng đâu phải rẻ… Cái gì cũng tăng giá, lương có tăng bằng mức tăng của giá không? Thế mà 4 - 6 triệu đồng đã phải đóng thuế thu nhập và "được" gắn cái mác 'thu nhập cao', tôi chỉ thấy buồn thay. Tính vậy liệu đã là thực sự nghĩ cho dân chưa đây?…” - Tuyen Tran:  tuyentrantk89@gmail.com

 

 “Tôi rất đồng tình với bài viết trên. Thật sự thu nhập của vợ chồng tôi hơn 10 triệu/ tháng nhưng không đủ để trang trải cuộc sống: nào là tiền nhà trọ, tiền chợ, tiền cho con đi học mẫu giáo, tiền sữa... Không tháng nào tích lũy được cả. Không biết đến bao giờ ... mới mua được căn nhà nhỏ tại Tp. HCM đây?” - Tấn Lưu:  tanluu2511@yahoo.com

 

“Tôi là một kĩ sư làm việc trong nhà máy, rất đồng tình với quan điểm của anh Hiền. Người công nhân nhà máy, lao động chân tay muốn có thu nhập thêm một chút họ không ngần ngại cực khổ, bỏ hết cả thời gian riêng tư dành cho bản thân, gia đình để tăng ca làm thêm nhiều giờ đồng hồ. Vậy mà.... số tiền họ kiếm được từ những giờ làm thêm, những giờ thức trắng đêm lại bị đánh thuế? Là 1 kĩ sư tôi thấy thật buồn! Kính mong nhà nước cần có cách nhìn xác thực hơn, để tầng lớp lao động nghèo có thể an tâm làm việc và có cuộc sống tốt hơn” - Nguyễn Quyết Chiến:  chiennqsnack@gmail.com
 
(minh họa, nguồn: Tuổi Trẻ)
 
Số người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 đang chiếm 73% nhưng phần thuế thu được chỉ chiếm tỷ trọng 10,06%

 

Bài toán khó "thu luôn bị bội chi"

 

Cũng có những bạn đọc từng lưu ý rằng: người VN mình đa phần “thích lấy vợ tên là Thu hơn tên là Chi”; rằng cứ thấy phải đóng thêm khoản tiền nào là phản đối, trong khi lại muốn được hưởng các dịch vụ “miễn phí” càng nhiều… càng ít… Theo chúng tôi, nói vậy cũng có phần đúng nhưng cũng chưa thật đúng hết. Bởi trên thực tế thì dân ta đại đa số vẫn còn nghèo, mức sống chung vẫn còn thấp nên tâm lý  phải tự lo toan vẫn rất phổ biến với số đông. Bởi thế, nhiều người tuy những người nhận thức rõ đóng thuế là nghĩa vụ của mọi công dân với nhà nước, nhưng vẫn mong muốn các nhà hoạch định chính sách cân nhắc sát với thực tế để đưa ra những con số hợp lý hơn.

 

“Mức tiền lương chịu thuế 5 triệu theo tôi là quá thấp. Tăng lên 7 triệu thì còn chấp nhận được. Công nhân bây giờ khổ lắm, làm tăng ca chóng mặt ù tai, một tháng mới có thể lãnh được hơn kém 6 triệu. Nhưng các khoản chi ra biết bao nhiêu mà kể. Tiền phòng trọ cũng tăng giá. Điện nước thì xài không theo khung giá nhà nước, mà chủ bảo bán cho giá bao nhiêu thì phải chịu bấy nhiêu. Tiền ăn uống, rồi xăng cộ đi làm…. Tất cả đều vào đồng lương. Mong các cơ quan chức năng Nhà nước nên xem lại để nhân dân bớt cực…” - Trương Minh Quân:  truongminhquan3299@yahoo.com.vn

 
“...Tôi thấy mức lương 5 triệu đ/tháng là thấp, chỉ đảm bảo cuộc sống của người lao động thôi, sao mà đã phải nộp thuế TNCN chứ? Thu vậy tôi nghĩ chỉ làm cho người nghèo lại càng nghèo hơn mà thôi…. Vì thế tôi mong Quốc hội nên tăng mức thu nhập phải chịu thuế TNCN lên ít nhất là 10 triệu đ/tháng thì mới hợp lý” - Nguyen Yennguyenyen1_1989@yahoo.com.vn.  
 

“Tôi đồng tình với bạn. Thật ra nếu áp dụng mức đóng thuế TNCN như hiện tại là hoàn toàn không hợp lý với nhu cầu và tình hình giá cả ngày một tăng hiện nay. Tôi nghĩ, có lẽ những người đề ra và quyết định mức tính thuế này là những cán bộ cao cấp, có mức tiền lương cùng với những “khoản ngoài” cũng là… cao cấp. Vì vậy họ mới không hiểu được cuộc sống của chúng tôi với mức lương ngang từng đó, trong thời buổi giá cả tăng phi mã như thế này thì chỉ đủ để sống đã là tốt rồi, chứ không thể nói là có 1 chút dư dả nào được. Vậy  thì làm sao mà có thể bi áp thuế?  Theo tôi, đánh thuế TNCN ở thời điểm này trở đi nên với mức 10 triệu đồng là hợp lý nhất. Hy vọng các vị xem xét lại, để cho mọi người dân đều có được nền tảng cơ sở cuộc sống tốt hơn.....” - La Anh:  lananh@yahoo.com.vn

 

“Tôi cũng đồng ý nên bỏ hoặc miễn thu thuế TNCN, vì bản thân người có thu nhập cao họ đã phải đầu tư và hy sinh rất nhiều thì mới có  được vị thế cao hoặc thành đạt. Để thành đạt họ cũng phải đóng rất nhiều các loại thuế rồi, đến kết quả cuối cùng lại cũng bị đánh thuế nữa thì tôi có cảm giác đây là đóng thuế… chất xám. Vậy vô hình trung chính sách của ta có thể tạo sự ỷ lại cho một số người không muốn “hy sinh”, không muốn đầu tư thêm chất xám vì loại thuế cá nhân này?

 

Để tạo công bằng, theo tôi Nhà nước nên thu theo kiểu có thể coi như “cào bằng” để tạo công bằng: tức là tất cả những người có lương đều phải nộp 1% lương thực tế được nhận hoặc lương cơ bản. Như vậy tôi nghĩ sẽ khuyến khích mọi người lao động nói chung và những người có thu nhập cao nói riêng,  sẽ phát huy hết khả năng sức lao động của mình để cống hiến cho xã hội cũng như cho gia đình và bản thân” - Nguyệt Anh:  vitc_1002@yahoo.com.vn

 

“Bài viết của tác giả Đào Trọng Hiền rất hay, ý nghĩa. Các vị ấy có biết để có được 4 – 5 triệu đồng 1 tháng, người công nhân phải tăng ca và làm việc khoảng 12h/ngày, rất vất vả cực nhọc thế nào không? Trong khi giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, thử hỏi với 4 - 5 triệu đồng/tháng thì sống sao? Tôi thấy mức 4 - 5 triệu đã là lạc hậu rồi, ấy vậy mà lại bảo dự tính tăng lên 6 triệu nhưng mãi năm 2014 mới áp dụng. Đến lúc đó, với tốc độ mất giá của đồng tiền, tôi xin nói 6 triệu cũng không đủ các vị ạ. Thất thu 1-2 ngàn tỷ mà đã kêu, trong khi mấy ông DNNN, tập đoàn thì làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ... Sao các vị không so sánh như thế xem liệu làm như thế nào là hiệu quả, là được lòng dân?” - Giang:  thansatmaichieuphong@yahoo.com

 

“Theo tôi thấy thì mức thu thuế TNCN từ 4 - 5 triệu đồng đã phải đóng thuế là không hợp lý! Các bạn cứ thử nghĩ xem: nếu 1 gia đình có 4 người và chỉ có 1 người đi làm 1 tháng được  4 – 5 triệu. Chi cho 2 đứa con đi học đã mất ít nhất là 1,5 triệu đồng 1 tháng là chi phí ăn học và phụ phí cho các em. Tiền ăn uống sinh hoạt trong gia đình (điện + nước + xăng dầu đi lại + tiền ăn = 2 triệu). Vậy còn lại bao nhiêu? 0,5 triệu đồng tới 1 triệu đồng, với khoản tiền ít ỏi đó đó ta sẽ làm được gì  khi còn phải đóng thuế 5%. Còn nữa, sẽ làm thế nào với 1 triệu nếu trong nhà có người ốm, chưa nói là muốn cho gia đình đi chơi (hay cả tháng cả nhà không bao giờ đi chơi?) Nên theo tôi thì với những người có mức lương khoảng 4 đến 5 triệu,  ta không nên đánh thuế TNCN mới đúng” -  Đinh Công Đức:  dinhcongduc1990@gmail.com

 

“Theo tôi thì một là bỏ thuế TNCN, hai là thu theo % số lương thực lãnh, ví dụ như 5% cho tất cả mọi đối tượng. Như vậy mới tạo ra sự công bằng cho tất cả mọi người” - Minh Nguyễn:  ngocmính12u@yahoo.com

 

“Tôi đồng ý với bài viết này. Xã hội ngày càng phát triển, trong khi đó giá trị đồng tiền thế nào thì mọi người đều rõ rồi… Vậy nên bắt đầu đóng thuế TNCN ở mức 10 triệu đồng tôi thấy là hợp lý hơn” - Hương (Hải Dương):  diemhuong131@gmail.com

 

“Vẫn còn khó khăn lắm với cuộc sống của đại đa số người dân lao động nhận lương. Vậy tại sao không đưa ra hẳn mức 10 triệu thì hãy tính thuế TNCN? bởi với mức 5 triệu nhà nước mới giảm thu có 2.000 tỉ đ/6 tháng, trong khi một TCT NN  do quản lý lỏng lẻo đã làm thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng…” - Nguyễn Văn Minh: nvminh1957@yahoo.com 

 

“Đúng thế! Đề ra mức đó có lẽ là vì những người hoạch định ra luật đó chưa bao giờ phải chi tiêu chắt bóp trong 4-5triệu đ/tháng nên họ mới tính vậy?” - An:  dinhan124@gmail.com

 

“Đây không phải cái chúng ta cần lâu dài. Cái chúng ta cần là sửa đổi luật thuế TNCN sao cho nó uyển chuyển theo mặt bằng giá thị trường. Tức là các mức giảm trừ gia cảnh tính theo % của mức lương cơ bản!” - Chuong:  tranhoangchuong@hotmail.com

 

“Tôi đồng ý với ý kiến của anh Đào Trọng Hiền. Quốc hội nên cân nhắc lại vấn đề này, vì nó rất cần thiết với những người lao động dù có mức thu nhập 5 triệu đ/tháng nhưng thật ra vẫn còn nghèo” - Teo:  qteo79@yahoo.com

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của anh Hiền. Tôi cũng là người lao động làm thuê nên tôi thấy kiếm được đồng tiền quá khó. Vậy mà chưa đủ chi tiêu đã phải lo đóng thuế?...  Ví dụ như bản thân tôi, lương kế toán được 5 triệu. Chồng tôi được 6 triệu, tổng cộng là 11triệu/1tháng. Chúng tôi có 1 đứa con thì khai vào giảm trừ gia cảnh cho chồng tôi.Tôi vẫn phải đóng 1 triệu x 5%/ tháng và chồng tôi là: 400.000đ x 5% /tháng. Tôi thấy cuộc sống của chúng tôi vẫn rất khó khăn. Này nhé: tiền thuê nhà + điện nước hàng tháng (phải đóng giá cao nữa chứ) là 2.500.000 đ + tiền gửi con đi nhà trẻ: 1.500.000 đ + tiền ăn hàng ngày tôi chỉ tính đơn giản là 5.000.000 + tiền xăng xe, điện thoại của 2 vợ chồng là: 1.500.000 + tiền sữa cho con: 500.000đ... Tổng đã là 11 triệu rồi (Chưa tính tiền đám cưới, đám xin, ma chay, hiếu hỉ, về quê  thăm bố mẹ...nữa).

 

Mỗi tháng phát sinh khoản gì thì lại phải cắt tiền ăn đi, cắt tiền sữa cho con đi... thật quá khổ. Thế mà vẫn phải đóng thuế TNCN nữa cơ đấy. Theo tôi, thuế TNCN chỉ nên đánh vào những người có thu nhập cao, chứ sao lại đánh vào người lao động nghèo như chúng tôi. Đành rằng ai cũng phải có trách nhiệm với đất nước, nhưng chế độ an sinh tốt thì  người dân đóng thuế cũng thấy vui. Đằng này chỉ thấy tiền chảy đi đâu, toàn kế hoạch dự án hàng nghìn tỷ đồng nhưng đời sống của người dân chẳng thấy tốt lên được là bao… Vậy mà với chính sách  thuế TNCN hiện nay luôn chậm thay đổi, thì tôi nghĩ dân ta chắc còn mãi nghèo thôi...” - Nguyen Thi Thu Nguyen:  nguyen140981@gmail.com

 

“Theo tôi, thuế TNCN phải là phần dôi ra sau khi trừ các chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Hiện nay, mức 9 triệu đồng có thể là hơi dôi một chút, nhưng sang năm thì chưa chắc đã có phần dôi dư. Tôi đã có ý kiến từ trước là thuế thu nhập nên tính theo mức lương cơ bản để Quốc hội không phải cân nhắc nhiều về vấn đề này. Ví dụ thu nhập là 10 lần của lương cơ bản là mức sống, phần dôi ra thì phải chịu thuế TNCN” -  Hoàng Văn Thể:  thehv_tnn04@yahoo.com

 

Tính mức thuế TNCN nào đây là phù hợp, để người dân không cứ phải mãi lo lấy ngắn nuôi dài, thắt lưng buộc bụng, khéo ăn khéo co… dài dài nữa trong hoàn cảnh VN ta. Xem chừng lại thêm một bài toán khó nữa rồi đây, mà lời giải thì chỉ có thể dễ cho phía này, lại rất khó cho phía khác.

 

Kiều Anh