Thủ tướng chỉ đạo đánh giá lại Chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả và ý kiến chuyên gia về "Chương trình thực nghiệm".

Thủ tướng chỉ đạo đánh giá lại Chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại - 1

Thời gian qua, dư luận có nhiều tranh cãi về việc bộ sách đã "sống 40 năm" của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá không đạt.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Văn phòng Chính phủ cũng có phiếu chuyển Bộ Giáo dục - đào tạo kiến nghị của nhà giáo Phan Sắc Long, nguyên trưởng phòng Giáo dục - đào tạo huyện Bố Trạch - Quảng Bình đề cập đến vấn đề thẩm định sách giáo khoa và việc loại bộ sách Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên để xem xét, xử lý.

Trước đó, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 2 vòng thẩm định sách giáo khoa, có 38/49 bản thảo sách giáo khoa  của các nhà xuất bản gửi đến thẩm định được đánh giá đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học, còn 11 bản thảo sách bị đánh giá “không đạt".

Trong số các bản thảo bị loại có 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (sách Đạo đức, Toán và Tiếng Việt). Với việc đánh giá "không đạt", dẫn đến khả năng chương trình Công nghệ giáo dục sẽ phải chấm dứt dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai trong thực tiễn.

Thông tin này nhận được tranh cãi trái chiều từ dư luận. Bởi  chương trình Thực nghiệm và bộ sách "Công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào thử nghiệm ở các trường học hơn 40 năm qua, với hơn 900.000 học sinh đang theo học.

Sau khi 3 cuốn sách Công nghệ giáo dục bị hội đồng thẩm định quốc gia loại, Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, nhà giáo Phan Sắc Long và một số chuyên gia, các nhà giáo từng dạy chương trình thực nghiệm Công nghệ giáo dục đã lên tiếng, có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo.

Trong bản kiến nghị nêu rõ thành quả thực hiện chương trình công nghệ giáo dục hơn 40 năm qua, trong đó có những vùng khó khăn cần tăng cường dạy tiếng Việt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời mong các cấp có chỉ đạo, quan tâm xem xét, thực hiện luật một cách linh hoạt trong việc xây dựng chương trình, thẩm định sách giáo khoa.

Theo Đặng Chung

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm