Bạn đọc viết:

Thư ngỏ gửi ngành Giáo dục

(Dân trí) - Tôi là công nhân làm cho công ty nước ngoài, mỗi ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 18 giờ, nếu tăng ca là tới 22 giờ, một tháng chỉ được nghỉ một chủ nhật. Thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng (nếu không tăng ca thì lương 3,6 triệu đồng)...<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghiem-cam-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-van-dong-cac-khoan-thu-trai-quy-dinh-954209.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;    Nghiêm cấm Ban Đại diện Cha mẹ Học sinh vận động các khoản thu trái quy định</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phu-huynh-khoc-rong-vi-cac-khoan-dong-dau-nam-953481.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;    Phụ huynh “khóc ròng” vì các khoản đóng đầu năm</b></a>

(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

Tôi gửi tới báo Dân trí một số ý kiến, rất mong được đăng tải để các công dân Việt Nam góp ý thêm cho ngành giáo dục.

1. Nói đến giáo dục nước nhà, tôi không dám tham gia vào việc cải tiến cải lui của ngành. Chỉ muốn làm sao cho con em tôi đến trường không phải vác cặp sách quá nặng, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui và khi nói đến thầy cô thì học trò kính trọng thực sự.

2. Nói đến ngành giáo dục, hãy đừng để những gia đình có điều kiện chỉ muốn cho con đi học nước ngoài vì họ tính chi phí đi học nước ngoài không đắt hơn là bao nhiêu so với các khoản “loạn phí” đóng ở trường trong nước.

3. Nói đến ngành giáo dục, người dân không thể hiểu nổi có phải các cán bộ quản lý ngành giáo dục lâu nay không có kỹ năng quản lý hay vì lý do gì mà không biết điều mà dân chúng tôi ai cũng biết rất rõ - tất cả hình thức dạy học thêm đều là biến tướng hết!!!

Tại sao tôi nói vậy? Xin thưa với các cấp lãnh đạo ngành giáo dục: các cháu phải học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn “không thì sợ… cô giáo buồn…” (???) Nhưng về chất lượng giáo viên thì đâu phải ai cũng có năng suất lao động cao như thế!? (Nói về nghề giáo… tôi xin phép dùng từ “năng suất lao động” chứ không phải là dạy khá, dạy tốt).

Và rồi nói chung, để yên tâm về việc học của con em mình, nhiều bậc cha mẹ lại phải tìm tới những thầy cô giáo có chất lượng lao động cao thực sự để cho con em theo học. Vậy các cháu sẽ được vui chơi lúc nào, thưa các cấp cán bộ quản lý ngành giáo dục? Vâng, để các cháu có được thời gian vui chơi, không phải chỉ như là “những chú gà công nghiệp”, xin các cấp ngành giáo dục hãy cương quyết cấm tuyệt đối dạy thêm!

4. Không hiểu lãnh đạo ngành giáo dục đã khảo sát thực sự đời sống giáo viên chưa? Các giáo viên ở các tỉnh, thành phố có chịu nhìn xuống một chút không? Thực tế trong xã hội cho thấy, hầu hết giáo viên ở tỉnh thành đi xe tay ga, nhà xây đầy đủ tiện nghi... nhưng vẫn kêu ca không đủ sống? Trong khi cha mẹ học sinh đa số đầu tắt mặt tối phải lo làm thêm giờ, hoặc từ sáng sớm tới tối mịt mải miết ngoài ruộng nương mong có đủ tiền đóng “loạn” phí cho nhà trường. Còn mình vẫn ăn kham mặc khổ, nhường nhịn tất cả để lo cho con ăn học.

5. Nói đến ngành giáo dục thật là buồn khi có quá nhiều bộ óc trí tuệ mà có mỗi tệ lạm thu vẫn không thể giải quyết được thì còn nói gì đến việc khác? Vì theo tôi, việc này hoàn toàn có thể giải quyết được rất đơn giản như sau:

+ Đất nước ta đang ở thời kỳ kinh tế thị trường, có nghĩa chúng ta chấp nhận nhiều người có thu nhập cao và cũng còn nhiều gia đình rất khó khăn. Mọi công dân Việt Nam cần chấp nhận thực tế này. Vậy tại sao ngành giáo dục không mạnh dạn bỏ cái gọi là “xã hội hóa” giáo dục đi? Khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần xây dựng khung chuẩn cho các trường với các mức học phí khác nhau, để các gia đình tùy theo mức thu nhập mà chọn trường cho con (lúc này cần bỏ cách tuyển sinh theo hộ khẩu).

+ Cho phép các trường tự tuyển chọn giáo viên để Nhà nước trả lương cơ bản, còn nhà trường trả thêm lương năng suất (ở đây tôi tạm gọi là lương năng suất, tức là giáo viên giỏi có thể được dạy ở các trường cho con em những gia đình có điều kiện cao hơn thì đương nhiên thu nhập phải cao hơn). Như vậy mới tạo ra công bằng: người làm nhiều hưởng nhiều.

+ Với những vùng khó khăn như miền núi, hải đảo, Nhà nước có thể bao cấp 100% kinh phí giáo dục hoặc quy định người dân đóng góp một phần nhỏ cho phù hợp với thu nhập, đồng thời có chế độ khuyến khích cho giáo viên giỏi tâm huyết với nghề về vùng sâu vùng xa dạy học.

+ Nói thật lòng, rất nhiều người thấy Hội Cha mẹ học sinh là vô nghĩa. Hội Cha mẹ học sinh từ những năm 1989 khi tôi còn là học sinh cấp 3 đã thấy nó... thế nào ấy (chứ tôi không dám nói nó có vấn đề sao đó…? Ví dụ như con của Hội trưởng thường được ưu ái điểm, ưu ái vào Đội, Đoàn... ) Tại sao vậy? Vì là lúc đó họ cũng mới chỉ yêu cầu đi lao động gây quỹ chứ không phải cái gì cũng nộp tiền như bây giờ, mà có khi đi lao động còn hay, lao động còn tạo cho con em biết quý trọng đồng tiền. Vậy nên tôi đồng tình với những ý kiến đã đề xuất, nên bỏ cái gọi là Hội Cha mẹ học sinh đi là rất đúng.

+ Học sinh nghèo, hiếu học hoặc học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, các trường dạy học có thu học phí thì tùy điều kiện mỗi trường mà nhận các cháu vào học sẽ miễn hoặc giảm học phí. Còn lại cho các cháu học ở trường do Nhà nước tài trợ.

+ Con em chiến sỹ đang bảo vệ tuyến đầu Tổ quốc nên được miễn học phí.

+ Nếu ngành giáo dục làm được như vậy, tôi nghĩ sẽ được mấy cái lợi sau:

* Ngành giáo dục sẽ không bao giờ phải nghe những chuyện kiểu như: Mẹ một em bé ba tuổi nhà nghèo kể rằng, đứa con trai dứt khoát không đi học vì ngày 8 /3 mẹ nó không có cái phong bì (cháu bé gọi là tờ giấy gói tiền) trong bông hoa đi tặng cô giáo (không biết có bà mẹ nào rơi vào hoàn cảnh này chưa? Tôi là người bố thì rớt nước mắt vì không lo được cho con rồi).

* Các giáo viên có thu nhập đúng như trình độ của mình một cách công khai và cần hài lòng với những gì do mình làm được cũng như lao động ở các ngành khác, thì tôi chắc lúc này ngành giáo dục không còn phải nghe phàn nàn về việc dạy thêm.

* Khi giáo viên có thu nhập đúng với tay nghề thì họ buộc phải chuyên tâm với nghề, họ không được kêu ca nữa vì nếu muốn có lương cao hơn họ cần chuyển nghề khác. Lúc này quà 8/3 và ngày 20/11 mới được trả về đúng ý nghĩa của nó. Tức là lúc này thầy cô  nói chung mới đúng là tấm gương cho học sinh.

Tôi muốn nói rất nhiều nhưng trình độ có hạn, sợ nói lan man và không rõ nghĩa làm mất thì giờ của quý báo và bạn đọc. Mong các bạn đọc góp ý nhiều hơn nữa cho nền giáo dục nước nhà phát triển, góp phần đào tạo được những thế hệ con em có tay nghề cao, phục vụ tốt hơn cho đất nước.

Rất mong được quý báo biên tập và đăng tải bài viết của tôi để các công dân quan tâm đến ngành giáo dục đọc và chia sẻ thêm. Chúc quý Báo ngày càng phát triển, ngày càng ngày là nơi bạn đọc đặt niềm tin nhiều hơn.

(Ghi chú: Tôi là công nhân làm cho công ty nước ngoài, một ngày làm việc từ 7 giờ sáng đến 18 giờ, nếu tăng ca là tới 22 giờ, một tháng được nghỉ một chủ nhật. Thu nhập cũng chỉ bình quân 4,8 triệu đồng. Nếu không có tăng ca thì lương là 3,6 triệu đồng không tính những lúc không có việc. Đó là đã cao so với các đồng nghiệp khác mà còn như thế đấy!)

Hung Pham: thaosam12@gmail.com