Thông tư cũng… chậm tiến độ
(Dân trí) - Con đường “thiên lý” của cái Thông tư lại… “mờ ảo trong màn sương mù” qua lá thư ngỏ thứ 2 của nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi Bộ trưởng GDĐT, sau hồi âm với lá thư đầu về bữa ăn của các cháu nhỏ vùng cao được Bộ viện dẫn… lý do kỹ thuật.
Kỹ thuật "nấu cháo văn bản"
Có vẻ như chưa bao giờ dân ta lại bàn nhiều đến như vậy về những văn bản hành chính rắc rối nào là quyết định này, nghị định nọ, thông tư kia…Mà về cơ bản vẫn hoặc là cái nọ “đá” cái kia, hoặc giả đang “rùa bò” đâu đó trên đường, hoặc như… trận đồ bát quái. Tóm lại, đơn giản đâu thì dân vẫn chưa thấy, trong khi cái sự “hành là chính” vẫn y nguyên hoặc còn trở nên tinh vi hơn.
Qua lá thư ngỏ thứ 2 của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhiều người mới té ngửa khi được biết thêm một minh chứng về đức tính… không “cuốc vào” của Bộ GDĐT. Cụ thể ở đây là chỉ vì cái Thông tư hướng dẫn vẫn lửng lơ đâu đó trên con đường thiên lý, khiến cho không chỉ hàng chục vạn bé Mầm non 3, 4 tuổi vùng cao khó khăn, mà cả hơn chục vạn giáo viên Mầm non diện hợp đồng lao động vẫn khắc khoải đợi chờ…tiền. Lẽ nào thông tư cũng đang được “nấu cháo” ở đâu đó như… “nấu cháo điện thoại”?
“Không biết các quan Bộ làm gì mà lại để chậm tiến độ như vậy? Hay là khó quá? Nếu cần chúng tôi có thể mỗi người một chân một tay soạn giúp!” - Tran Binh: quangthcstl@gmail.com
“Bộ trưởng nay công tác, mai lại bận họp. Bộ phận giúp việc thì toàn học hàm, học vị cao, không quan tâm đến cái việc nhỏ này? Số còn lại có khi lại rơi vào tỉ lệ viên chức… cắp ô, làm cái gì cũng thấy khó, thấy ngại....??? Nếu chỉ cần họ có được một phần nhỏ cái Tâm như chú Tuấn, thì đã bao nhiêu gia đình đỡ vất vả” – Bac Nguyen: exciter_bac@yahoo.com
“Ngành giáo dục luôn có câu "Học phải đi đôi với hành". Trong trường hợp này (QĐ của Thủ tướng muốn có hiệu lực còn phải chờ thông tư hướng dẫn thi hành của quý Bộ đến hơn 1 năm trời, trong khi đến nay độc giả vẫn chưa biết Thông tư hướng dẫn hiện đã bò được đến đoạn nào của con đường dài mịt mờ phía trước rồi) không hiểu Bộ trưởng "day dứt" vì điều gì???” - Kien: kiendnt@yahoo.com
“Đọc bài báo mà lại ứa nước mắt! Cảm ơn anh Tuấn! Tuy nhiên tôi cũng không hiểu được Bộ GDĐT đang làm gì với văn bản này?” - Thang nhit: thangnhit@gmail.com
“Cảm ơn bác Trần Đăng Tuấn! Bác không làm trong ngành giáo dục, nhưng những lá thư ngỏ và dự án "Cơm có thịt" của bác đã làm được những công việc hết sức cụ thể và đậm chất nhân văn. Mong rằng lần này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ lưu tâm trả lời thư bác bằng hành động, chứ không phải là một thứ trưởng thay mặt hồi âm” - Ngô Ngọc Thái: thaimeolc@gmail.com
Vẫn tiền treo, người nhịn
Gánh nặng cơm áo của các thầy trò vùng khó khăn lẽ ra đã được giảm bớt, nhưng nghịch lý lại ở chỗ "tiền treo, người nhịn" một cách hết sức khó chấp nhận dù có được lý giải hay ho đến thế nào.
“Giáo viên mầm non nhìn chung rất vất vả và thiệt thòi, đặc biệt là giáo viên mầm non ở ngoại thành, những vùng kinh tế khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng nên đặt mình vào vị trí những giáo viên mầm non đó. Cũng mong Bộ trưởng có thể tự mình hoặc cử các cấp dưới thay giáo viên mầm non dạy trong vòng… 2 tháng xem Bộ trưởng và các vị ấy cảm thấy thế nào, có hiểu được nỗi khổ của giáo viên mầm non không…” - Vu Phuong Thao: phuongthangheo2009@gmail.com
“Tôi cũng là một giáo viên mầm non nên tôi thấu hiểu nỗi vất vả. Đọc xong bài viết này, tôi thì thấy hay nhưng không biết Bộ trưởng có thời gian đọc không nữa, và liệu bao giờ thì những quyết định ấy mới đến được với trẻ em nghèo và những giáo viên hợp đồng đang mỏi mòn chờ đợi? Nói là một chuyện, nhưng liệu có làm không mới quan trọng thôi các bạn ạ” - Vi Thi Chanh: vichanh52@gmail.com
“Bài viết quá hay! Thật không hiểu Bộ GDĐT mắc cái gì mà để lâu thế, trong khi khó nhất là tiền thì đã được Thủ tướng quyết định rồi?” - Nguyễn Văn Hà: Vanha1972@Yahoo.com
“Chỉ 1 câu hỏi gửi ông Bộ trưởng: Bộ có làm được chuyện đó không? Và chỉ cần trả lời 1 từ YES hoặc NO. Làm công bộc là phải phục vụ nhân dân một cách kịp thời và đúng lúc, chứ người dân chúng tôi không cần…một đống rơm. Chúng tôi không quan tâm Bộ làm thế nào, mà chỉ quan tâm kết quả!” - Bùi Văn Dân: buivandanhy@yahoo.com
“Ôi thật là buồn! Kiểu này thì bao giờ mới "sáng vai" được đây? Thật sự là "trên ấy" vô cảm quá rồi! SV ra trường ai cũng muốn có việc làm, có những người chịu vào vùng sâu, xa... rất xa... để dạy học, để chôn vùi tuổi thanh xuôn vì đàn em thân yêu... với đồng lương còm, kể cả không biên chế... Vậy mà tiền thì Chính phủ "cho" rồi đấy, sao "trên ấy" chẳng kịp thời "đem về" cho họ - những giáo viên cần mẫn và yêu nghề- số tiền họ PHẢI được hưởng, họ chẳng xin ai cả.
Thật là không thể tưởng tượng nổi! Nào là "Cơm không có thịt" này, lại tới "lương không đến tay giáo viên" này, tất cả chỉ do một vài trang giấy vô tri mà người ta gọi là Thông tư… Hơn tất cả, đấy là trách nhiệm với đồng nghiệp, với tương lai đất nước, bao gồm cả tình yêu thương, mà cũng chẳng có? Nên cho các anh chuyên gia sản xuất "văn bản đi đường vòng ấy" vào rừng ăn sắn, ăn ngô (ngô có khi còn chẳng có mà ăn ấy chứ) cùng với các giáo viên vùng cao, xem họ chịu được mấy nả… Tình thương đâu rồi? sự chỉ đạo đâu rồi… Bộ ơi, Bộ ở đâu?!!!” – Son Bac: sonbac@rocketmail.com
“Hoan hô nhà báo Trần Đăng Tuấn! Hơn 25 vạn giáo viên mầm non và hàng chục vạn trẻ mầm non vẫn đang… dài cổ chờ đợi chế độ, chính sách đáng ra được hưởng từ lâu rồi. Nguyên nhân ở đây rõ ràng là chỉ vì sự vô cảm, quan liêu với nhân dân, với đồng nghiệp của các cán bộ chức năng của ngành GDĐT. Không biết Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và tập thể cán bộ, công chức Bộ có thấy đau đớn và chua xót không nhỉ?” - Lê Văn Toàn: toanquantd07@gmail.com
“Người có tài và có tâm như bác Tuấn mà làm giới chức ngành GDĐT thì giáo viên mầm non chúng em được nhờ. (Nhờ tòa soạn cho đăng phản hồi của chúng em - tập thể giáo viên mầm non vùng cao tỉnh Hà Giang)” - Nguyễn Minh Anh: miumiukun13@yahoo.com
Bao nhiêu thầy trò đang đỏ mắt chờ trông… Lạy giời cho tiến độ của Thông tư được đẩy nhanh lên chút!
Kiều Anh