Thông minh xã hội?

(Dân trí) - Người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có tư chất thông minh xã hội. Nếu các cán bộ lãnh đạo ở huyện Tiên Lãng có tư chất này, chắc chắn sẽ không xảy ra vụ cưỡng chế đầm tôm vừa trái pháp luật vừa không đúng đạo lý như vừa qua

Nếu thông minh trí tuệ được định nghĩa như khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất trong một tình huống thì thông minh xã hội là khả năng thực hành tốt nhất các liên hệ xã hội trong sự hài hòa. Cho nên thông minh xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Trong xã hội ngày nay, còn diễn ra không ít bạo lực, tham nhũng, ích kỷ, chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân không nghĩ tới công ích, vô cảm trước cái đau của người khác, gây ô nhiễm môi trường, ... Đó là những biểu hiệu của thiếu thông minh xã hội; kể cả vụ việc đáng tiếc vừa qua xảy ra ở Tiên Lãng cũng có thể quy về "phạm trù" này.

Thông minh xã hội ít người nói tới nhưng đã được nhà tâm lý giáo dục Mỹ Edward Lee Thorndike định nghĩa khái niệm từ đầu thế kỷ thứ XX. Khả năng hành động khôn ngoan trong những giao tiếp xã hội, hiểu người hiểu ta, ...

Nếu thông minh trí tuệ được định nghĩa như khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất trong một tình huống thì thông minh xã hội là khả năng thực hành tốt nhất các liên hệ xã hội trong sự hài hòa.

Thông minh trí tuệ, điển hình nhất là qua chỉ số IQ, được xem trọng, được trắc nghiệm đo đếm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy là thông minh trí tuệ thôi không đủ để thành công trong trường đời – có những "quán quân IQ" (champions IQ hay surdoués) mà hiện ta gọi là những người có "tiềm năng trí tuệ cao" (HPI) nhưng chỉ là những người rất "tầm thường" trong xã hội.

Thậm chí có người nói rằng thiếu thông minh xã hội, dù IQ có cao đến mấy, ta cũng chỉ "thông minh bán phần". Giới truyền thông Âu Mỹ không cần rình rang tuyên bố gì cả: họ chỉ tuyển dụng những người giàu thông minh xã hội !

Định nghĩa thông minh xã hội

Khởi thủy, phải kể E.L. Thorndike (1920). Thorndike định nghĩa thông minh này là khả năng hiểu và điều khiển người khác và khả năng hành động đối xử hài hòa. Gần đây hơn, Cantor và Kihlstrom (1987) định nghĩa thông minh xã hội như vốn hiểu biết về xã hội trong đó cá nhân đang sống và khả năng ứng xử một cách thích hợp.

Là nghệ thuật phân tích môi trường chung quanh ta để từ đó rút ra những "tin tức" cần thiết hầu bố trí và tìm giải pháp tốt nhất

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

cho những liên hệ của ta với người khác trong xã hội.

Có thông minh xã hội không khác nào có máy dò ra-đa cho ta những dữ kiện cần thiết để từ đó liệu cách phù hợp nhất mà ứng xử cho thuận lòng mình, hợp hoàn cảnh và vừa lòng người.

Cho ta khả năng thích hợp với mọi người, hòa đồng trong nhóm.

Một giáo viên giàu thông minh xã hội là một giáo viên biết nhận định chính xác về những đặc thù của học trò mình để đưa bài giảng dưới dạng thích hợp, đáp ứng được nhu cầu và chờ đợi của chúng, tạo dựng sự hợp tác trong lớp và không khí phấn khởi học tập.

Dĩ nhiên, bên cạnh đó, giáo viên này cũng phải có khả năng chuyên nghiệp cao. Nhưng chuyên nghiệp thôi không đủ.

H. Gardner, cha đẻ của khái niệm thông minh đa dạng, có nêu lên sự liên hệ giữa các loại không minh khác nhau. Từ 1965 tới nay, O'Sullivan và một số tác giả khác chưa thống nhất minh chứng tuyệt đối rằng thông minh xã hội độc lập với thông minh trí tuệ dù có một số nghiên cứu khẳng định điều này.

Nhưng có một điều chắc chắn là trong xã hội của các loài kiến, chúng có thông minh xã hội cao, chúng tổ chức di chuyển, thông tin và làm việc rất tốt nhưng chúng chưa cho ra những phát minh gì để chứng tỏ khả năng thông minh trí tuệ của chúng! (xin lỗi, loài kiến không hẳn là giàu thông minh xã hội, chúng tổ chức giỏi là nhờ cấu trúc các tuyến nội tiết của chúng !).

Thông minh xã hội khác với đạo đức xã hội. Phạm trù đầu, thông minh xã hội, là khả năng, trong đó có phần sáng tạo, của một cá nhân để sống với người khác. Phạm trù thứ nhì, đạo đức xã hội, là những luật lệ mà cộng đồng lập ra để bảo đảm tôn ti trật tự, sinh hoạt và sự sống còn của xã hội; mỗi cá nhân được xã hội hóa, dạy dỗ,... để thực thi các luật lệ đó. Vi phạm đạo đức xã hội thì sẽ bị chế tài còn yếu kém thông minh xã hội sẽ không bị ai "phạt" cả. Có chăng là sẽ kém thành công thôi !

Làm sao đo thông minh xã hội ?

Thông minh xã hội? - 1

Thái độ cởi mở trong giao tiếp (ảnh minh họa) cũng là biểu hiện của thông minh xã hội

George Washington social intelligence test, (GWSIT Hunt, 1928) là trắc nghiệm thông minh xã hội của Đại học Washington. Thang này đưa ra 6 mục cần đo :

. Trí nhớ gương mặt, tên quen và những hoàn cảnh đã gặp

. Khả năng quan sát những tình huống và kể lại các quan sát này

. Khả năng hiểu các nghĩa bóng, nghĩa ngầm mà người đối diện đang dùng

. Khả năng nhận diện trạng thái tâm lý của người đối diện

. Khả năng hiểu và thanh lọc các thông tin xã hội

. Biết khôi hài.

Thật sự, đo các items này không dễ vì nhiều khả năng nằm cùng trong một hành động. Muốn đo thì thường phải "cắt lát" , như một loại scanner của y khoa, các hành động để phân biệt những khả năng phức tạp và đa diện ở trong đó.

Rốt cuộc, tới giờ, chưa có một trắc nghiệm khả thi để đo thông minh xã hội.

Về phía thực hành, Daniel Goleman cũng nhân cơ hội mang lý thuyết thông minh xã hội vào ứng dụng cho quản lý nhân sự. Ông tổ chức những lớp học để hoàn thiện thông minh xã hội (sách về đề tài này của ông đã bán được hơn 5 triệu quyển!). Việc làm của ông thuộc phạm vi ứng dụng dù cơ sở khoa học chưa hoàn toàn vững chắc.

Thông minh xã hội là một khả năng. Như bất cứ một tri thức nào khác, ta có thể vun trồng. Các lớp ông Goleman dạy đúng thôi, nhưng không đúng tuyệt đối : một phần thông minh xã hội cũng như mọi thông minh khác, có cơ sở sinh học (tế bào thần kinh và cấu trúc não, có học thêm mấy cũng ít thay đổi), mặt khác thông minh xã hội là khả năng của một cá nhân trong một hoàn cảnh thì làm sao dự trù hết tất cả các hoàn cảnh để "dạy" ?

Những hành động chứng tỏ cá nhân "giàu" thông minh xã hội

. Chấp nhận, kính trọng người đối diện

. Chấp nhận những lỗi lầm của họ

. Chủ tâm chú ý đến môi trường bên ngoài

. Đúng hẹn

. Có ý thức xã hội và ý thức về vai trò của mình trong xã hội

. Suy nghĩ trước khi nói hay hành động

. Tỏ ra tò mò đối với người và vật chung quanh

. Không có định kiến

. Đánh giá một cách thành thật

. ...

Cái gì cần cho một xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp ?

Ở châu Âu, trong các hướng nghiệp cho ngành học và các phỏng vấn tuyển nhân sự, các tâm lý gia thường cho vào các trắc nghiệm nhiều câu hỏi về thông minh xã hội. Các ngành nghề như cán sự xã hội, điều dưỡng, sư phạm, y tế, chăm sóc trẻ con và người cao tuổi, thẩm phán, quản lý nhân sự, bán hàng, tiếp thị... cần nhiều thông minh xã hội.

Một cách khôi hài, các tâm lý gia nói, nếu một nghề nào đó chỉ cần "nói chuyện" suốt ngày với máy tính thì sẽ không cần thông minh xã hội. Khổ nỗi, đến giờ giải lao, nhân viên ấy cũng gặp đồng nghiệp và cũng sẽ cần đối thoại chút ít với họ chứ chẳng nhẽ chỉ cúi đầu xuống cốc cà phê của mình ? Thế có nghĩa là thông minh xã hội cần cho tất cả mọi nghề !

Nhờ có thông minh xã hội, đối thoại sẽ dễ dàng hơn, người đối diện sẽ thấy dễ chịu hơn và kết quả – chữa bệnh, dạy học hay cùng hoàn thành một dự án – sẽ tốt hơn. Ở đây, tôi nói về chất lượng của công việc.

Một khái niệm khác, tối cần thiết cho các nghề y tế và giáo dục là "sự thương cảm" (empathie), tức là khả năng hiểu và chia sẻ trạng thái cảm xúc của người đối diện, tự đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện: làm sao săn sóc một người bệnh hay dạy một trẻ nhỏ nếu không thông cảm người ấy hay đứa bé ấy – hiểu những nhu cầu, đau đớn hay khổ sở của họ?

Đó là chưa nói tới phát minh gần đây về những "tế bào thần kinh gương" hay "tế bào thần kinh phản chiếu" (neurones miroirs) làm cho thông minh xã hội của một người có thể lan hay lây sang người khác: khi nhận được "tín hiệu" thông minh của ta, tế bào thần kinh phản chiếu của người đối diện sẽ phản ứng ... "trên cùng tần số", sẽ cùng "thông minh". Sinh hoạt xã hội sẽ hài hòa hơn, gần như cái kiểu "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" bên ta vẫn hay nói.

Kết luận

Đối với tôi, để sống tốt với người khác, dù làm nghề nào, kể cả "nghề" làm ... cha mẹ, cũng cần thông minh xã hội (phải thương và hiểu con thì mới dạy chúng được vì dù là con của chúng ta, mỗi cháu đều có những cá tính khác nhau!). Đó là khả năng nghe người khác, hiểu người khác, sẵn sàng chấp nhận ý tưởng mới, tự đặt lại vấn đề, kính trọng người khác, thương người, ... những khả năng rất cần cho mỗi một chúng ta. Thiếu những khả năng ấy sẽ dẫn tới hiện tượng mà xã hội học gọi là la déliance (sự rời ra) mà tôi dịch một cách văn chương như "thiếu chất keo xã hội". Những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có tư chất thông minh xã hội. Nếu các cán bộ lãnh đạo ở huyện Tiên Lãng có tư chất này, chắc chắn sẽ không xảy ra vụ cưỡng chế đầm tôm vừa trái pháp luật vừa không đúng đạo lý như vừa qua..

Cuối cùng, thông minh xã hội không xa gì khái niệm "Nhân - từ" bên ta. "Nhân" vốn là thương người, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác (Nho giáo), còn "từ" là tinh thần yêu thương mọi sinh linh của nhà Phật. Có khác chăng là khoa học dựa trên các kiểm chứng chứ không là một vấn đề tâm linh.

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ

LTS Dân trí - Bài viết trên đây đem đến cho độc giả một khái niệm mới: Thông minh xã hội. Đấy không phải là một khái niệm thuần túy lý thuyết mà có ý nghĩa nhân văn và hữu ích trong cuộc sống, giúp cho chúng ta có những suy nghĩ và đối xử đúng đắn, thân thiện giữa người và người. Tự đó, tạo thuận lợi cho công việc và cũng từ đấy nâng cao hiệu quả công việc của mỗi người, của mỗi đơn vị cũng như của cộng đồng xã hội.

Đúng là những ai làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có "tư chất" này. Chỉ có như vậy mới làm tròn được phận sự là «"công bộc" của nhân dân như Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn.