Thế lực nào đứng sau vụ Vũ "nhôm" vay 13,4 triệu đô

(Dân trí) - Một tội danh khác đúng với bản chất hơn vỏ "vay" 13,4 triệu USD của Vũ "nhôm"có thể được làm rõ sau đánh giá của HĐXX: "Hành vi của Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu của tội phạm khác nên cần điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định."

Đây là phần đánh giá, nhận xét được dư luận đặc biệt chú ý, có khi còn được quan tâm nhiều hơn mức án chung thân danh cho bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) và Phan Văn Anh Vũ 17 năm tù cùng về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Thế lực nào đứng sau vụ Vũ nhôm vay 13,4 triệu đô - Ảnh 2.

Vũ Nhôm và Trần Phương Bình trong phiên tòa

Về nội dung này có một điểm rất đáng chú ý, chỉ trong khoảng 3 năm (từ 11.10.2012 - 12.3.2015), ông Bình đã yêu cầu xuất quỹ tổng cộng 12 lần với tổng cộng hơn 94 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD. Trong đó, có tới 13,4 /13,9 triệu USD, ông Bình khai với cơ quan điều tra để mua hộ cho Vũ "nhôm". Và việc "vay" này, Vũ "nhôm" đã thừa nhận là có. Nhưng  lạ là, trong vòng 3 năm đó, chỉ thấy ông Bình chỉ có "mua hộ", mà không hề thấy Vũ "nhôm" trả nợ. Dù đối tượng không trả nợ, nhưng ông Bình vẫn liên tục cung cúc phục vụ Vũ "nhôm"!? Vậy đâu là sự thật của hành vi cung phụng đội dưới lốt cho "vay" này?

Để trả lời câu hỏi này, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải giải mã, vì sao trong 3 năm trời đó, cả HĐQT và Ban kiểm soát của ngân hàng này lại chấp nhận việc xuất quỹ trái nguyên tắc này?

Thậm chí, dư luận còn sửng sốt khi, thay vì oán hận với đối tượng đã buộc mình phải cho "vay", tại tòa, ông Bình lại tỏ ra ân hận, thương Vũ "nhôm" vì tin tưởng, vì bị lôi kéo làm cổ đông chiến lược nên Vũ "nhôm" bị oan uổng.

Vậy tất cả phía sau của vụ việc này còn những góc khuất nào chưa được làm sáng tỏ hay có những oan khuất thật của Vũ "nhôm"?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ hơn uy quyền của Vũ "nhôm". Không chỉ vay lượng USD  khủng, trong năm 2013, để có 600 tỉ đồng mua 60 triệu cổ phần của DongABank, Vũ "nhôm" lại đi vay của chính ngân hàng này 400 tỉ đồng và "được quyền" ký khống 200 tỉ đồng. Kết quả, dù không có một đồng xu nào nộp vào ngân hàng, Vũ "nhôm" được sở hữu tới 12,73 % cổ phần của DongABank.

Vậy, cái "Ô" khủng khiếp nào khiến các cổ đông ở ngân hàng này phải chấp nhận cho một đối tượng gần như tay không có thể trở thành cổ đông có quyền chi phối? Hiện câu hỏi này vẫn là ẩn số.

Thậm chí, ngay trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra ở Ngân hàng ĐôngABank, dù vụ vay mượn tiền của Vũ "nhôm" là rất rõ, nhưng y vẫn không bị khởi tố, mà chỉ đến khi bị khởi tố về tội làm lộ bí mật quốc gia thì những tội trạng của đối tượng này mới được làm rõ. Điều đó khiến dư luận đánh giá, những đối tượng "bảo kê" cho Vũ "nhôm" phải là thế lực rất quyền uy.

Và nay, những nghi hoặc của dư luận dần sáng tỏ: Một loạt tướng tá công an bị mất chức, bị khởi tố, trong đó có 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an vừa bị khởi tố vì có những dấu hiệu "bảo kê" cho Vũ "nhôm". Và vì vậy, dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi: doanh nghiệp của Vũ "nhôm" có thực sự là "bình phong" để hoạt động nghiệp vụ hay chính Vũ "nhôm" mới là "bình phong" cho một số ông tướng biến chất đi "trấn lột" trắng trợn công sản ở một số địa phương và tiền của doanh nhân? Và như vậy, về bản chất, Vũ "nhôm" cũng chỉ là "con rối" trong tay một số ông tướng biến chất.

Do đó, dư luận đánh giá rất cao sự đánh giá của HĐXX về khoản vay 13,4 triệu USD của Vũ "nhôm": "Hành vi của Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu của tội phạm khác nên cần điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định."

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm