Thấy gì từ khoản nợ 50 tỉ của huyện Yên Định, Thanh Hóa

(Dân trí) - Điểm lại một số vụ án liên quan đến việc “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật để thấy, nó diễn ra từ rất lâu, được cảnh báo nhiều nhưng vẫn tồn tại

Thấy gì từ khoản nợ 50 tỉ của huyện Yên Định, Thanh Hóa - 1

Trụ sở UBND huyện yên Định hoành tráng, nhưng nợ như chúa chổm.

Điểm lại một số vụ án liên quan đến việc “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật để thấy, nó diễn ra từ rất lâu, được cảnh báo nhiều nhưng vẫn tồn tại dài dài và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn.Chuyện ở Thanh Hóa...

Nội dung bài “Thanh Hóa: Oái oăm Huyện ủy, Ủy ban nợ hơn 50 tỷ đồng không có khả năng trả” (Dân trí ngày 16.3.2020) khiến dư luận thực sự sốc. Bởi lẽ, từ lính tới quan, họ rất biết trái luật nhưng vẫn vô tư thực hiện như chuyện phải ăn, phải uống hàng ngày.  

Hành vi “vung tay quá trán” của Bí thư, Chủ tịch huyện Yên Định, Thanh Hóa (diễn ra chủ yếu giai đoạn 2011- 2015, cả hai vị này đã nghỉ hưu) trong bài không khiến tôi ngỡ ngàng (bởi nó ngấm vào máu thịt không ít quan chức tùy tiện xài ngân khố quốc gia), mà điều gây bất ngờ nhất là cách “cho vay” và cách sử dụng những đồng tiền “ đi vay” đó.

Theo tố khổ của một số thuộc cấp, Bí thư hay Chủ tịch huyện đã lệnh kể cả tiếp khách, liên hoan, lãnh đạo các phòng ban chức năng phải tự giác tìm nguồn tiền để thực hiện, mặc cho ngân sách không còn và quỹ đang âm hàng chục tỉ. Vì ngân quỹ không còn, nhiều lãnh đạo phòng ban chức năng phải lấy tiền nhà ra để ứng tiền cho các xếp tiêu, có người phải ứng nhiều lần, lên tới 4 - 5 tỉ đồng. Trong đơn, có vị tố cáo anh em cấp dưới như chúng tôi cứ lãnh đạo nói là bỏ tiền của mình ra chi thôi, hầu như không có giấy tờ cụ thể gì. Các bác hứa trả, nhưng nợ càng ngày càng nhiều, không trả nổi”. Vì vậy, có vị đã gửi đơn thư đến lãnh đạo tỉnh, Thanh tra Chính phủ, thậm chí khởi kiện ra tòa nhưng cho đến nay vẫn chưa thể lấy được tiền “cho vay”. 

Vì “hầu như không có giấy tờ gì cụ thể”, phận cán bộ cấp dưới cứ tố cáo, cứ  kiện ra tòa, các cơ quan chức năng lấy bằng cớ gì giải quyết. Chỉ khổ thân phận cấp dưới phải thực thi những yêu cầu của cấp trên, dù phi lý.

Những vụ việc kiểu đó khiến dư luận chợt nhớ cũng trong thời điểm này, xảy ra những việc đáng xấu hổ với một số quan chức tỉnh Thanh: 12 con dê hỗ trợ hộ nghèo đi “lạc” vào trang trại của ông Bí thư huyện ủy Thạch Thành; việc “nâng đỡ không trong sáng” của cựu Phó Chủ tịch tỉnh cho hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh...

Đến đây cần dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Đâu là lý do diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, tiếp tục làm sói mòn lòng tin mong manh của người dân vào chính quyền? Trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đến đâu trong những vụ việc này?

… đến các chuyện “động trời” khác

Người dân cũng không thể không liên tưởng tới vụ “dột từ nóc” xảy ra ở Công an tỉnh Đồng Nai: Hầu hết lãnh đạo hai khóa (2010 – 2015 và 2015- 2020) bị cảnh cáo, bị cách hết các chức vụ, trong đó không chỉ một loạt Trưởng phòng nghiệp vụ, 3 Phó Giám đốc mà cả nguyên Giám đốc và Giám đốc Công an tỉnh cùng dính chàm, thậm chí cả hai nguyên Chủ tịch Đoàn Quốc hội của tỉnh Đồng Nai cũng bị cách hết các chức vụ.

Cũng giống như ở Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chưa bị xem xét kỷ luật tương xứng khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Phải chăng ở những nơi này vẫn có vùng cấm?

Thấy gì từ khoản nợ 50 tỉ của huyện Yên Định, Thanh Hóa - 2

Nhóm côn đồ dùng gậy tấn công lái xe ở trạm thu phí Bắc Hải Vân nhưng không một nhân viên nào ở đây can thiệp?!

So sánh rộng một chút, chủ trương xã hội hóa phát triển giao thông là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng không ít các trạm BOT giao thông vì “đặt nhầm chỗ”, vì hạch toán vống khoản đầu tư và giấu khoản thu khủng khiến dư luận dậy sóng. Không chỉ vậy, trước việc một số BOT phải “xả trạm”, phải tính lại thời gian thu phí, giảm mức phí, những ông chủ của các dự án này cho rằng nếu tính lại như vậy họ sẽ lỗ.

Do đó, những ông chủ này đưa ra thông điệp không khác gì dọa ngược Bộ GTVT: Sẽ trả lại dự án!? Ô hay, nếu làm ăn như vậy, bất cứ ai cũng có thể làm ông chủ được, bởi lời ăn, lỗ thì trả lại Nhà nước. Thật mà như đùa.

Mặt khác, thực sự họ có lỗ thật hay không thì có trời biết. Bởi ngoài việc khai khống vốn đầu tư, đặt nhầm chỗ trạm thu phí, hiện các trạm thu phí vẫn “chống lệnh” thu phí không dùng của Thủ tướng. Vậy đâu là lý do họ “chống” như vậy?

Hoặc xa hơn một chút, vào những năm 2001 -2004, dư luận thực sự sốc với “đại công trường” của Hà Giang . Đây không chỉ là hành vi “vung tay quá trán” mà còn đặt Nhà nước vào thế “tiền trảm hậu tấu”. Dù không có vốn, dự án chưa được Nhà nước duyệt, lãnh đạo tỉnh cứ bút phê thực hiện như đúng rồi. Hậu quả để lại là nợ giá trị khối lượng xây dựng cơ bản 953,387 tỉ đồng và điều đó khiến Hội DN trẻ Hà Giang tuyên bố: Nếu không được xem xét thanh toán sẽ có khoảng 50-60% trong tổng số hơn 350 DN của Hà Giang bị phá sản.

Điểm lại từ những vụ từ trước đến nay để thấy chuyện “vung tay quá trán” và cố tình làm trái luật diễn ra đã lâu, được cảnh báo nhiều nhưng nó vẫn tồn tại dài dài, xu hướng ngày càng phức tạp hơn.

 Hy vọng, thời gian qua một số vị đứng đầu đã, đang bị xử lý trách nhiệm sẽ làm chùn tay những vị định “ăn không từ thứ gì” như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói thẳng.

Vương Hà