Ý kiến chuyên gia

Thất nghiệp, hội thảo và quảng cáo trá hình

Không những cần một bức tranh tổng thể tình hình việc làm hiện nay mà còn cần nghiên cứu viễn ảnh thị trường cung cầu về nhân sự trong ba hay năm năm nữa

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Đọc tựa bài báo này : http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nguoi-Viet-thieu-ky-nang-ung-xu-dan-den-ty-le-that-nghiep-cao-post160799.gd người đọc có thể hớn hở mừng vì cuối cùng, đây rồi, sẽ biết được nguyên nhân thất nghiệp ở xứ ta và từ đó có thể tìm ra giải pháp. Tựa bài nói đến kỹ năng ứng xữ, một vấn đề mà hiện các trường học chưa đào tạo đúng mức nên tựa bài như thế rất lôi cuốn người đọc.

Bài báo bắt đầu bằng một con số thống kê cuối năm 2014 có 131.600 cử nhân trình độ Đại học và trên Đại học ra trường thất nghiệp. Tức là một nội dung thật nghiêm chỉnh.

Bài báo lại mang dạng tường trình một hội thảo: “Học viện công nghệ Việt Nhật tổ chức hội thảo với chủ đề “Tốt nghiệp THPT trở thành kỹ sư làm việc cho Doanh nghiệp Nhật Bản”

Danh từ hội thảo khiến ta nghĩ tới tính cách khoa học, một chủ đề được phân tích tận tường, với những phương pháp đàng hoàng và với những nhà nghiên cứu chính thống.

Thế nhưng có đọc hết bài mới biết rằng muốn tránh thất nghiệp hay muốn ra trường có việc làm và có lương cao thì cần ghi tên theo khóa đào tạo ở Học viện công nghệ Việt Nhật. Tức là ở đây, bài báo là một bài quảng cáo trá hình, hội thảo nói trên đúng ra chỉ là một buổi tuyển sinh.

Vấn đề thất nghiệp có rất nhiều nguyên nhân – nhu cầu nhân sự của các xí nghiệp, nhu cầu việc làm, giá trị của các ứng viên cần việc làm, hiện tình lương bổng, ...-  Các nguyên nhân này còn có thể tác dụng dây chuyền với nhau và liên quan tới những nguyên nhân gián tiếp: giá trị của đào tạo là một nguyên nhân gián tiếp chẳng hạn.

Muôn điều đều trở về nhu cầu cần khảo sát hiện trường việc làm. Thiếu khảo sát, không thể nào đưa ra những nguyên nhân-hậu quả một cách đúng đắn. Các ý kiến chỉ cho biết một phần của vấn đề. Mà như ta biết, một nửa sự thật không còn là sự thật.

Khảo sát tình hình việc làm cũng rất cần cho việc hướng nghiệp các sinh viên trước ngưỡng cửa chọn nghề và chọn trường học. Nếu không, mỗi trường chủ quan cho sinh viên tương lai những “lợi ích” và chỉ những lợi ích của trường mình. Sinh viên nào thiếu cẩn mật, cả tin, chọn trường trên cơ sở đó, sẽ có khả năng lâm vào trường hợp thất nghiệp khi ra trường sau này.

Không những cần một bức tranh tổng thể tình hình việc làm hiện nay mà còn cần nghiên cứu viễn ảnh thị trường cung cầu về nhân sự trong ba hay năm năm nữa, tức là lúc các tân sinh viên hôm nay hoàn thành học trình.

Đúng ra tiên đoán viễn ảnh kinh tế trong ngắn hạn không khó, có những “mẫu” lý thuyết sẳn, chỉ cần điền vào đó các số liệu hiện thời về dân số và sự tiến triển của dân số, giáo dục, tình hình các xí nghiệp, các chỉ số tăng trưởng và chính sách quốc gia trong 5 năm tới chẳng hạn... 

Trong các khuynh hướng chọn nghề, sở thích cũng là một yếu tố quan trọng. Nghề nghiệp là chuyện của ba bốn mươi năm, chọn nghề không hợp sở thích có thể sẽ khổ sở suốt đời. Sở thích còn cho động cơ để vượt khó, khi gặp khó khăn, trong lúc học hay khi đi làm. Thành ra cũng không thể nào trách các tân sinh viên chọn nghề theo sở thích.

Dân toán học có một chữ rất thích hợp: tối ưu hóa các ràng buộc – optimisation des contraintes – để tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Với điều kiện là nắm rõ hết các ràng buộc. Biết rõ bản thể mình, biết tường tận thị trường việc làm, nắm trong chi tiết chương trình đào tạo ngành nghề và biết khả năng tài chính của gia đình, ... là những  ràng buộc chính.

Đồng thời, trên vĩ mô, bổn phận của giới quản lý kinh tế quốc gia lúc nào cũng là làm sao để xã hội phát triển, tạo công ăn việc làm cho mọi người.

Nguyễn Huỳnh Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm