Bạn đọc viết:

Tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

(Dân trí) - Thực hiện nghĩa vụ của công dân về việc tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin góp ý kiến về Lời nói đầu và một số điều của Dự thảo.

Mọi người dân đều có thể góp ý kiến sửa Hiến pháp trên web duthaoonline
Mọi người dân đều có thể góp ý kiến sửa Hiến pháp trên web "duthaoonline"

 

Lời nói đầu của Hiến pháp là định hướng của Hiến pháp, rất quan trọng. Theo Dự thảo Hiến pháp năm 1992, Lời nói đầu có thể chia 5 tiết đoạn: (1), (2), (3), (4), (5). Nhất trí với nội dung cơ bản, tôi cũng mạnh dạn biên tập thay đổi vị trí, bổ sung, sửa đổi Dự thảo Lời nói đầu và xin được giải trình như sau:

 

(1) Mở đầu: Trải qua mấy nghìn năm lịch sử... - đề nghị bỏ từ "mấy" thay bằng "hằng" nghìn năm lịch sử thì gần đúng hơn với các kết quả khảo cổ học (từ các đồ cổ khai quật được), để ước tính thời gian lịch sử dựng nước và giữ nước VN đã có khoảng hơn 4 - 5 nghìn năm đến 6 - 10 nghìn năm.

 

(2) Tiết đoạn này chưa được logic, nên đề nghị sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với giai đoạn lịch sử từ năm 1930 đến nay. Tôi nhận thức rằng: Nhân dân VN có "khát vọng độc lập, tự do" từ khi nước nhà bị thực dân đế quốc xâm lược, khi có Đảng Cộng sản VN và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thì khát vọng này cháy bỏng hơn. (xem các câu có gạch xiên đậm ở Lời nói đầu đề nghị bổ sung, sửa đổi).

 

(3) Các bản Hiến pháp đã có, giữ nguyên như Dự thảo sửa đồi Hiến pháp năm 1992.

 

(4) Nên nêu sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp mới thực hiện việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước, tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia, những định hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền VN XHCN trong tình hình mới. Đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung cần thiết và bỏ bớt một số nội dung chi tiết.

 

(5) Kết luận: Đề nghị giữ lại như Hiến pháp năm 1992 câu: "Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh", và đề nghị bổ sung thêm: "quán triệt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 viết:..."xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu..."; đề nghị bỏ "xây dựng" vì nhân dân đã được tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Hiến pháp này, và đề nghị thay bằng "nghiêm chỉnh" thi hành Hiến pháp như Hiến pháp năm 1992.

 

Từ những giải trình nêu trên, tôi đề nghị Lời nói đầu viết lại như sau: (những chữ xiên đậm là nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế nội dung mới so với Dự thảo, các số (1), (2), (3), (4), (5) dùng chia tiết đoạn để tiện cho việc giải trình các tiết đoạn đã nêu trên):

 

Lời nói đầu:

 

(1) Trải qua hằng nghìn năm lịch sử, nhân dân VN lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến VN.
 

(2) Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần yêu nước, đoàn kết nhất trí, tự lực, tự cường, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè và nhân dân thế giới, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, đã giành được những thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử và thời đại.

 

Đó là Cách mạng tháng Tám thành công ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước VN dân chủ cộng hòa ra đời; giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế; xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng; khẳng định vị thế VN trong khu vực và trên thế giới.

 

(3) Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những  thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân VN đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

 

(4) Để phù hợp với tình hình mới của đất nước và quốc tế, Hiến pháp năm 1992 đã được trưng cầu ý dân sửa đổi, Quốc hội thông qua. Hiến pháp này thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền VN xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghê, bảo vệ môi trường; củng cố và tăng cường an ninh - quốc phòng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; thực hiện công bằng xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

 

(5) Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, nhân dân VN với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Sau khi nghiên cứu các Điều 4, 5, 7, 11, 19, tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi cụ thể như sau: (những chữ xiên đậm là nội dung đề nghị bổ sung hoặc thay thế nội dung mới so với Dự thảo):

 

Điều 4.

 

1. Đảng Cộng sản VN đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc VN. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

 

2. Đảng hoạt động phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
 

3. (Như dự thảo).

 

4. (Đề nghị bổ sung thêm mục 4) Đảng giới thiệu các đảng viên đủ đức, đủ tài và tiêu biểu để tham gia tranh cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, và tham gia tranh cử giữ các chức vụ lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan Nhà nước khác; chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra chặt chẽ và xử lý  nghiêm minh, kịp thời theo luật định đối với những cán bộ đảng viên có tham nhũng, thoái hóa, biến chất.

 

Điều 5.

 

1. (Như dự thảo).

 

2. (Như dự thảo).

 

3. Ngôn ngữ quốc gia (Quốc ngữ) là tiếng Việt, Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên phổ cập tiếng Việt, xóa mù chữ tiếng Việt cho các dân tộc nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy nhữngphong tục, tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

 

4. (Như dự thảo).

 

Điều 7.

 

5. (Như dự thảo).

 

6. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đại diện cử tri thực hiện việc bãi nhiệm đại biểu của mình khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. (Không nên dùng bị cử tri bãi nhiệm).

 

Điều 11.

 

1. (Như dự thảo).

 

2. Mọi âm mưu và hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

 

Điều 19.

 

1. (Như dự thảo).

 

2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người VN định cư ở nước ngoài dùng tiếng nói, chữ viết tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc VN, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

(Hà Nội ngày 25/3/2013)

 

Dương Hữu Thân
(Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu dân cư 17, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội)