Bạn đọc viết:

Thái Nguyên: Còn nhiều ý kiến về lựa chọn đường mang tên Đại tướng

(Dân trí) - Việc đặt tên đường mang tên Võ Nguyên Giáp ở quê hương thứ hai của Đại tướng đang được dư luận địa phương quan tâm đặc biệt những ngày này, bởi đây là sự kiện mang cả dấu ấn lịch sử lẫn tình cảm của nhân dân “Thủ đô kháng chiến” dành cho Đại tướng.

Quảng trường 20/8 dự kiến sẽ được đổi tên thành quảng trường Võ Nguyên Giáp (ảnh: Thanh Hằng)

Quảng trường 20/8 dự kiến sẽ được đổi tên thành quảng trường Võ Nguyên Giáp (ảnh: Thanh Hằng)

 

Thái Nguyên có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy đầu tiên của QĐND Việt Nam, gắn bó trong toàn bộ cuộc kháng chiến. Vì sự gắn bó đầy tự hào này, từ lâu tỉnh Thái Nguyên đã có ý tưởng đặt tên một đường phố mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi Đại tướng ra đi, ý tưởng tốt đẹp này càng được xúc tiến khẩn trương.

 Sau nhiều cuộc họp của các cấp ngành hữu quan, 3 phương án được tập trung nhất gồm:

 

1/. Đổi tên quảng trường 20/8 của TP Thái Nguyên thành quảng trường Võ Nguyên Giáp.

 

2/. Đặt tên con đường quy hoạch dự án Bắc Sơn (tạm gọi là đường Bắc Sơn), thuộc phường Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) chuẩn bị hoàn thành, là đường Võ Nguyên Giáp.

 

3/. Đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội.

 

Trong phiên họp của UBND tỉnh ngày 12/3, Hội đồng Tư vấn chính thức đề xuất 2 phương án 1 và 2. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long thống nhất chọn phương án 1 và giao Sở VHTT&DL tỉnh hoàn chỉnh nội dung để trình BTV Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ngay sau khi có kết luận trên, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn được bày tỏ qua dư luận và nhất là các mạng xã hội.

 

UBND TP Thái Nguyên, Sở GTVT tỉnh và Hội Kiến trúc sư tỉnh đều nghiêng về phương án 2. KTS Đinh Văn Thể, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, thành viên Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: Đặt tên đường dự án Bắc Sơn thành đường Võ Nguyên Giáp là hợp lý vì là tuyến đường đẹp, rộng 27m, hiện đại, mới mở, nằm ở trung tâm TP Thái Nguyên, xứng tầm với tên tuổi Đại tướng. Đường đã cơ bản hoàn thành và chưa có tên.

 

Trao đổi với PV báo CAND ngày 14/3, các ông Lương Đức Tính và Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa 16 và 17, bảo lưu quan điểm khi được Hội đồng Tư vấn xin ý kiến: Quảng trường 20/8 gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TP Thái Nguyên, đã đi sâu vào tiềm thức nhân dân. Đặc biệt, qui mô quảng trường nhỏ, diện tích 0,9ha và chỉ là 2 con đường song song, không thể mở rộng được nữa. Việc đổi tên sẽ “đơn giản” vì mọi thứ có sẵn, nhưng có thể xóa mất sự kiện chỉ còn duy nhất là kỷ niệm ngày giành chính quyền của tỉnh. Trong khi đó, đường Bắc Sơn tương lai sẽ kéo dài 7km, nối khu đô thị - hành chính mới của tỉnh với trung tâm TP hiện nay. Việc giải phóng mặt bằng dự kiến xong vào quý II, kinh phí làm đường đã được HĐND tỉnh quyết.

 

Bên cạnh đó, Báo Văn nghệ Thái Nguyên cũng mở mục trưng cầu ý kiến. Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh, TBT Báo, đề xuất đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội chiếm 85%: Con đường hiện đại nối Việt Bắc - nơi Đại tướng dành tình cảm sâu sắc -  với trái tim cả nước, sẽ là sợi dây thiêng liêng kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, kết nối ân tình của nhân dân Thái Nguyên với Bác Hồ, với Đại tướng kính yêu.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vượng và Nguyễn Văn Tính đều không đồng tình với phương án đặt tên đường cao tốc mang tên Đại tướng, vì là đường liên tỉnh, do Bộ GT-VT quản lý. Đường lại không có nhà dân, mà Đại tướng thì phải gần dân.

 

Các ý kiến không đồng ý phương án đổi tên quảng trường 20/8 còn viện dẫn Điều 5 Nghị định 91/2005/NĐ-CP: “Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.”

 

Trước những ý kiến đa chiều, bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Lựa chọn phương án đổi tên quảng trường 20/8 mang tên Đại tướng, vì là nơi gắn với sự kiện Đại tướng kéo quân về giải phóng Thái Nguyên. Đây cũng là nơi thường tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội của tỉnh và ở vị trí nhiều người biết đến. Tuy diện tích hẹp, nhưng có thể mở rộng thêm, gắn với trưng bày ngoài trời. Còn đường Bắc Sơn chưa hoàn chỉnh, ít dân cư, việc hoàn thành tiếp lại phụ thuộc vào nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, vị thế lịch sử không bằng quảng trường 20/8. Còn đường cao tốc Hà Nội –Thái Nguyên thuộc cả Thái Nguyên - Bắc Ninh và Hà Nội, nên không khả quan vì chỉ có thể đề xuất Bộ GTVT đặt tên.

 

Nêu thêm những ý kiến nhiều chiều, chúng tôi cũng chỉ mong muốn Thái Nguyên sẽ sớm có một con đường đẹp, xứng tầm, mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng cũng rất cần được sự đồng tình của mọi người dân, để thỏa mãn tình cảm mà nhân dân dành cho vị Đại tướng của lòng dân...

 

Thanh Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm