Taxi Mai Linh: Nỗi niềm ai tỏ…

(Dân trí) - Tin về khủng hoảng của hãng taxi Mai Linh có lẽ là “hot” nhất trong những chủ đề làm dậy sóng dư luận những ngày cuối năm này. Không chỉ lo hàng ngàn tài xế mất việc, điều dư luận quan tâm hơn là làm sao để gìn giữ một thương hiệu đã thành danh?

Mai Linh - một thương hiệu lớn trên thị trường vận tải taxi VN (ảnh: Lao Động)
Mai Linh - một thương hiệu lớn trên thị trường vận tải taxi VN (ảnh: Lao Động) 
 

Cũng như với trường hợp của “đại gia thủy sản” Bianfishco trước đây, ý kiến dư luận lại chia 2 ngả khác nhau. Số này cảm thông và mong muốn cùng chung tay giúp gỡ rối cho doanh nghiệp, thì cũng có số khác muốn tỏ tường mọi sự dù là tốt hay xấu. Có cả những ý kiến trách báo chí đưa nhiều thông tin dồn dập như vậy sẽ gây bất lợi cho Mai Linh. Lập tức có ngay phản hồi nêu rõ: Người dân cần và có quyền biết sự thật, bởi không sự thật nào có thể giấu diếm mãi được. Hơn nữa, đây lại là chuyện liên quan tới một thương hiệu vận tải khá có tiếng trên cả nước…

 

Mua danh ba vạn…

 

… Bán danh có thể chỉ ba đồng. Đó cũng chính là điều mà nhiều bạn đọc đã nhấn mạnh trong hàng trăm phản hồi với mỗi thông tin về tập đoàn Mai Linh mấy ngày qua. Với mong muốn tích cực giúp doanh nghiệp tháo gỡ được thế mắt kẹt trong nợ nần, cũng tương tự như với Bianfishco, chủ yếu là để giữ cho được một thương hiệu đã có tiếng trên thị trường.

 

“Mai Linh là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực vận tải và có thương hiệu ở VN. Khi làm ăn thuận lợi, TĐ Mai Linh giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều người và làm công việc từ thiện rất tích cực, hiệu quả...  Đây là thời kỳ "khủng hoảng kinh tế" nên rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có TĐ Mai Linh. Tôi nghĩ các cá nhân có khoản vay góp vốn hãy bình tĩnh, không nên rút vốn trong thời điểm hiện nay. Hãy cố gắng giúp doanh nghiệp có thể ổn định, nhà đầu tư cũng bảo toàn được nguồn vốn, để doanh nghiệp đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn này!” - Nguyen Canh Nha:  ncnha50@gmail.com

 

“Cần phải ủng hộ ban lãnh đạo Mai Linh. Tôi không liên quan gì đến họ, nhưng rõ ràng tôi thấy họ tạo công ăn việc làm cho 28.000 nhân viên thay cho nhà nước trong nhiều năm qua. Ai đã từng đi taxi ở Hà Nội sẽ thấy, trong TPHCM lái xe taxi nói chung là văn minh và lịch sự hơn, trong đó có công của Mai Linh. Khi sai lầm, ban điều hành của họ thẳng thắn nhìn nhận và không né tránh. Tôi đề nghị lãnh đạo Tp.HCM cần quan tâm hỗ trợ Mai Linh” - Long Nguyen:  longnguyen@gmail.com

 

“Tôi góp ý : Thương hiệu là vô giá. Hãy cố mà giữ lại, bạn Hồ Huy ơi! Hãy chịu bỏ ngay những khoản đầu tư trái ngành nghề. Hãy kêu gọi các lái xe chung sức trên tinh thần các công ty & tập đoàn chịu thiệt trước mắt, cùng nhau bảo vệ thương hiệu để sống lâu dài”  - Phạm Minh Đức:  phamminhduchn@yahoo.com

 

“Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không thể tự xoay xở nổi khi lãi suất ngân hàng vẫn cao ngút. Theo tôi nghĩ, dù anh Hồ Huy có muốn xoay chuyển tình thế ngay chắc cũng chẳng được. Mong mọi người hãy cảm thông và chia sẻ với anh. Chúc anh sức khoẻ và mau chóng đưa Mai Linh thoát khỏi khủng hoảng” – Hoang Hiep: hoanghiep0204@gmail.com

 

“Taxi Mai Linh là một thương hiệu tốt. Mọi người hãy chung tay giúp đỡ Mai Linh vượt qua khó khăn hiện tại bằng cách sử dụng dịch vụ của Mai Linh. Đó cũng là cách để giúp hàng ngàn lao động không bị mất việc làm” - Tuyết Phan: tuyet_phan1985@yahoo.com
 
Mai Linh - một thương hiệu lớn trên thị trường vận tải taxi VN (ảnh: Lao Động)
Ông Nguyễn Tuấn Sinh, Chủ tịch Công đoàn công ty Mai Linh (phải), ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của tài xế về quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN (ảnh: Khánh Linh, nguồn: NLĐ)

 

“Gót chân Asin” và con dao 2 lưỡi

 

Từ tình trạng những doanh nghiệp làm ăn khá đình đám trước đây… bỗng dưng mấp mé bờ vực phá sản, nỗi ngờ vực với cung cách “làm giàu nhanh chóng” càng có cơ sở để gia tăng nhanh chóng trong suy nghĩ của khá đông người dân. Để rồi cách “bắt lỗi” của mỗi người cũng mỗi khác. Số này nói gót chân Asin (Achilles) ở nhân sự, số khác nêu do đầu tư dàn trải, số khác nữa nói do công tác quản lý của chính doanh nghiệp và cả của Nhà nước…

 

“Gần 3 vạn người có nguy cơ thất nghiệp nếu Mai Linh phá sản  là con số cần phải suy ngẫm. Nhưng hãy để doanh nghiệp đó vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường, vì đây là sân chơi công bằng và sòng phẳng cho tất cả” - Phú Thủy:  thuyphuns@gmail.com

 

“Riêng thương hiệu Mai Linh những năm qua ở VN về vận tải là không phải bàn. Nhưng đúng như có bạn nói, phát triển quá nhanh khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như tầm hoạch định thì cũng có thể là con dao 2 lưỡi” - Vũ Nam Phương:  vunamphuong243@gmail.com

 

“Nói chung giờ này thì ML cũng thấy nhiều lỗi về quản lý và đầu tư lắm, cái quan trọng nhất là nhân lực thì tôi cũng thấy là ML còn yếu lắm. Những người tâm huyết và làm được việc thì nghỉ hoặc chuyển công ty khác hết, còn những người làm được ít việc nhưng được lòng sếp thì ở lại. Vậy làm sao mà một tập đoàn chẳng “chết”? “Chết” là vì những người làm được việc thì ít, mà quan trọng nữa là tính cục bộ trong tập đoàn, một tập đoàn mà cứ chăm chăm “con cháu và anh em trong nhà” thì làm sao mà làm tốt được. Tôi nghĩ, để cứu được vụ này thì ML còn phải cải tổ về nhân lực nhiều nhiều lắm may ra mới bớt được cái khó hiện nay” - Anh Dương:  nguyenduong79@gmail.com

 

“1- Quản lý yếu kém; 2- Mải mê “đánh bóng” thương hiệu. Tôi nghĩ đó là 2 lý do làm Mai Linh thua lỗ. Các bạn nào đã đi xe Mai Linh thì biết, có thể Mai Linh có lãi ở mảng taxi ở các thành phố lớn, nhưng ở thành phố nhỏ và tuyến liên tỉnh thì tôi thấy Mai Linh thất bại nặng. Các chuyến xe liên tỉnh công suất không đạt 50% thì sao không lỗ??? (tuyến TPHCM-Vũng Tàu, tôi đi vài lần xe 16 chỗ chỉ chở 4 khách. 1 lần tôi đi Campuchia từ TPHCM xe 16 chỗ cũng chỉ chở 5 khách). Tình trạng này kéo dài nhiều năm, không lỗ mới lạ” - Triều Minh:  trieuminh67@yahoo.com

 

“Theo tôi biết, Mai Linh vay ngân hàng mua xe trả góp, rồi lấy tiền chạy dich vụ hàng ngày để trả lãi ngân hàng. Tiềm năng tài chính không lớn nên quá sức, gần như tay không bắt giặc… Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng… Nhà nước chỉ cứu những công ty sản xuất,  những mô hình sản xuất mang tính chất nền tảng, bền vững. Chứ kinh doanh dịch vụ vận tải  taxi như Mai Linh cũng như các doanh nghiệp khác thôi, thì cứ nên để cho Mai Linh tự lo khỏi phá sản.  Nếu cứu MAI LINH  THÌ AI CỨU PHƯƠNG TRANG nhỉ, thưa cựu chiến binh HH?” - Nguyễn Đức Quang Huy:  thangng616@yahoo.com

 

“Quản lí yếu kém, tính toán cẩu thả. Đáng ra ở cương vị những người làm ăn kinh tế lớn như Mai Linh phải biết được điều này từ sớm hơn chứ? Vậy tại sao đến giờ khi sự việc đã trở nên vượt khả năng rồi mới ''kêu trời''? Ai mà chẳng muốn giàu, ai chẳng muốn làm ăn lớn. Nhưng theo tôi thì nhà nước không nên can thiệp sâu vào vấn đề của Mai Linh. Thương cho đòn, ghét cho chơi. Bởi vì thương trường là chiến trường, hãy xem đây như là quy luật của cuộc sống, có như thế thì mới thúc đẩy xã hội phát triển được. Nếu can dự sâu vào việc cứu Mai Linh thì các doanh nghiệp khác sẽ sống theo kiểu '' dựa bóng nhà nước'', hậu quả của điều này không nói chắc ai cũng hiểu được. Trong khi mấy trăm tỉ đồng nếu để cho những người thực sự cần vốn, có đầu óc và ý chí làm giàu thì tôi nghĩ là xã hội sẽ có thêm nhiều triệu phú có thể làm nên chuyện lớn” -  Trần Vinh:  tranvinh8827@gmail.com

 

"Vì sao Tập đoàn Mai Linh mất cân đối tài chính" - Như phân tích ở bài viết trên, tôi cho đó là góc sáng, còn góc khuất thực sự nằm ở chỗ: - Các cổ đông chính sáng lập trước đây nắm bao nhiêu phần trăm, hiện nay còn bao nhiêu phần trăm? - Các cổ đông chính bán cổ phần khi nào? Thành lập công ty, những năm đầu liên tục báo lãi, không ngừng mở rộng. Lúc này cổ phần,  giá cổ phiếu cao và những người sáng lập nắm nhiều cổ phần bán hết đi. Rồi sau đó công ty làm ăn xuống dốc, cổ đông ôm hết. Đó không phải là một chiêu… ngoạn mục hay sao? Nó đang thịnh hành ở VN đấy” - Le Nam: kaokieng3@yahoo.com

 

“… Cái khó là khó khăn chung cả nền kinh tế mới nảy sinh ra như vậy. Nguyên nhân tiếp nữa là chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp (Cái này là tồn tại từ lâu và dai dẳng đến giờ mới bung phát, tất nhiên là có lý do từ cả thế giới). Ngoài ra thì xét cho cùng cũng là chết vì bệnh thành tích. Chính sách điều hành chung của Mai Linh biến tập đoàn thành vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra” - Hung:  hungthangle86@yahoo.com

 

“Những doanh nghiệp yếu kém, hãy để cho nó phá sản. Nhà nước không nên hỗ trợ vì: Thứ nhất, ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn. Thứ hai, hỗ trợ đến khi nào và khi hỗ trợ rồi thì liệu họ có trở thành doanh nghiệp mạnh, đem lại nguồn lợi cho ngân sách nhà nước không? Hãy để doanh nghiệp tự mình vượt qua thời điểm kinh tế khó khăn. Doanh nghiệp nào có thể vượt qua được chứng tỏ là thật sự vững mạnh, khả năng quản trị tốt. Đồng thời cũng tạo được lòng tin cho người dân về nền kinh tế nước nhà” - Tan Dinh:  thanhtan4078@gmail.com

 

“Khổ! Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp, tệ nạn tăng, cuộc sống ngày một khó khăn khiến nhiều người cảm thấy như không lối thoát. Thế nhưng vẫn chưa thấy động thái tích cực cụ thể nào của các cơ quan quản lý đến được với doanh nghiệp, với dân chúng??? Mà lại chỉ thấy tiếp tục tăng thuế, tăng phí. Rồi nào xăng dầu, điện tăng giá, nước tăng, gas tăng… Lương do đó bị giảm, chất lượng dịch vụ cũng giảm….Như vậy có phải các ngành vẫn đang tìm mọi cách để đẩy dân vào cảnh khổ hơn nữa?... Mà KHÔNG CÓ DÂN LÀM GỐC thì các vị tính sao đây???” – Ngan:  ngan@yahoo.com

 

Suy rộng ra hơn, chắc hẳn nhiều người cũng đang có chung cách suy ngẫm và liên hệ như của Minh Tiến vpctien@yahoo.com:

 

“Năm 2013 còn khó khăn, người lao động sẽ còn thất nghiệp, biết đi đâu về đâu trong bối cảnh này? Vậy mà các lĩnh vực quan trọng vẫn chỉ thấy  tận thu bằng cách tăng giá, phí... DN sẽ còn lao đao chưa có lối thoát... Mong người lao động chia sẻ, vì nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo tôi nghĩ, không phải tại DN 100%. Mà cái chính là do tệ tham nhũng vẫn lan tràn. Tiền của hầu như cứ chảy ra sông ra biển cả... Các bạn cũng thấy đấy: bao nhiêu con tàu, bao nhiêu thủy thủ đang sống tạm bợ, kêu cứu khản cổ mà có hy vọng gì đâu? Hãy cùng nghĩ xem, chúng ta nên làm thế nào đây?”
 
Thương trường quả như chiến trường. Đứng ngoài mà bình luận bao giờ chẳng dễ. Lao vào cuộc để kiếm được ra đồng tiền nuôi sống bản thân mình đã khó, lo sinh kế cho hàng vạn người càng chẳng thể nói mạnh được đâu. Có lẽ chỉ tới khi...chết mới biết liền!!! 

 Kiều Anh