Bạn đọc viết:

Tăng sao cho tổng chi lương của xã hội không thay đổi

(Dân trí) - Thực sự có tác dụng và không dẫn đến hậu quả phụ cho nền kinh tế chỉ khi tăng lương sao cho tổng chi lương của xã hội không thay đổi. Nghĩa là phải giảm bớt những người làm công ăn lương của nhà nước mà không phải dùng đến chi phí từ ngân sách.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tăng thu nhập để đảm bảo mức sống cho người lao động là đúng rồi. Vấn đề là làm cách nào, tăng tiền lương danh nghĩa hay tăng/giảm cái gì khác?
 

Như mọi người đều thấy, tăng tiền lương danh nghĩa chỉ có ý nghĩa khi giá cả không thay đổi, nhưng chính nó nhất định sẽ làm tăng giá theo hay lạm phát cao, làm cho việc tăng lương lại mất đi tác dụng: người lao động sẽ lại phải chịu sức ép khác, ngân sách nhà nước lại phải gánh thêm gánh nặng, dẫn đến bội chi....

 

Bởi vậy tôi nghĩ, sẽ thực sự có tác dụng và không dẫn đến hậu quả phụ cho nền kinh tế chỉ khi tăng lương sao cho tổng chi lương của xã hội không thay đổi. Nghĩa là cần giảm bớt những người làm công ăn lương nhà nước mà không phải dùng đến chi phí từ ngân sách. Giảm biên chế được 30% thì có thể tăng lương lên 30%.

 

Muốn làm được như thế, theo tôi có lẽ nên cân nhắc giảm bớt chức năng quản lý nhà nước ở những nơi mà việc quản lý đó không mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ như quản lý giá cả thì chỉ quản lý ở những nơi còn có sự độc quyền, còn nơi nào giá cả đã cạnh tranh thì không cần phải quản lý nữa.

 

Đối với thị trường thì ta chỉ quản lý những hành vi cạnh tranh có tính không lành mạnh như làm hàng giả, vi phạm bản quyền, buôn lậu, trốn thuế.

 

Việc quản lý xe quá tải, tôi nghĩ có lẽ cũng cần xem xét lại. Nếu các trạm cân chỉ hoạt động có vài ba phần trăm trong ngày thì tôi thấy chẳng có tác dụng gì, nên dẹp bỏ cho xã hội đỡ chi phí...

 

Bùi Ngọc Hiền: Buingochien@mpi.gov.vn
 

Tăng lương là tín hiệu tốt cho người lao động vì mức sống sẽ được cải thiện. Tuy nhiên đứng về mặt quản lí sẽ khó có công ty nào đủ quỹ để hàng năm cứ phải tăng lương 15~20%, trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó họ sẽ phải cắt giảm số lượng người lao động.

Hơn nữa, có vẻ như cơ quan quản lý nhà nước chỉ can thiệp vào điều chỉnh mức lương tối thiểu hàng năm phải tăng như hiện nay, mà chưa chú ý đến việc tăng hiệu quả lao động cũng như chất lượng tay nghề của người lao động?  

Vậy thì e rằng thị trường lao động Việt Nam sẽ nhanh chóng mất tính cạnh tranh và sẽ gặp khủng hoảng thừa lao động, bởi người lao động có thể sẽ chỉ thụ động trông chờ vào sự điều chỉnh bắt buộc về lương tối thiểu, mà không chú trọng để nâng cao tay nghề!? - Bike Lovecnguyenxuan@yahoo.com

Nghe đến tăng lương tối thiểu, có lẽ nhiều người lao động và doanh nghiệp lại... sợ. Vì thực tế, lương tối thiểu tăng, kèm theo mức đóng bảo hiểm tăng. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tăng lương thực ra lại đồng nghĩa với giảm tiền vào túi lao động và doanh nghiệp.

 

Xét về doanh nghiệp, lương tối thiểu không đồng nghĩa với tổng thu nhập của người lao động vì thực tế còn rất nhiều loại trợ cấp và phụ cấp khác. Ví dụ tại công ty tôi, tổng thu nhập của người lao động thấp nhất cho ngày làm 8 tiếng, nghỉ chủ nhật là 4 triệu. Chi trả cho bảo hiểm gần 1 triệu nữa. Tất cả chỉ có vậy.

 

Khó khăn chưa kể đến là thủ tục giấy tờ liên quan đến cơ quan bảo hiểm. Nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài, thực hiện rõ nghiêm túc. Khổ nỗi năm nào cũng tổ chức tăng lương thế này mà chất lượng lao động Việt Nam có tăng lên đâu. Cơ sở hạ tầng cũng có tốt hơn đâu. Vốn bỏ ra thì nhiều, kinh tế suy thoái, lãi đâu ra? Chỉ thấy lỗ!

 

Tôi nghĩ, kiểu chính sách thế này có lẽ lại chỉ… tiễn các doanh nghiệp FDI ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mất thôi (?) Liên quan tới vấn đề này, đề nghị các bác hoạch định chính sách nghiên cứu cho kỹ nguyên nhân tại sao các nhà đầu tư bỏ Trung Quốc – một nơi được coi là “công xưởng lớn” của thế giới mà đi nhé!

 

Hai Phong: guitarist@yahoo.com