Tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng ban hành văn bản

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật xem xét, tiếp thu các ý kiến, trong đó phải đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Chiều ngày 26/2, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật họp lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo.

Báo cáo tại phiên họp, Tổ trưởng Tổ biên tập – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết nội dung trên vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất nhất trí với phương án 1 (giữ như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh).

Loại ý kiến thứ hai đồng ý với phương án 2 (chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cho cơ quan trình dự án, dự thảo) vì cho rằng, mục đích cuối cùng là để văn bản ban hành ra đạt chất lượng cao nhất và để bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất trong quá trình xây dựng dự thảo cũng như chính sách đã được phê duyệt. Do vậy, việc giao cơ quan chủ trì soạn thảo, chỉnh lý, tiếp thu chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh là phù hợp.

Tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng ban hành văn bản - 1
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TH

Ông Tuyến cho biết, Tổ biên tập đã chỉnh lý phương án 1 bằng việc sửa đổi từ Điều 74 – 77 theo hướng cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm gửi bản tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo đã chỉnh lý cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo. Đối với những vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau thì lãnh đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức cuộc họp có sự tham gia bắt buộc của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ. Trong trường hợp cơ quan trình dự án, dự thảo có ý kiến khác với cơ quan chủ trì thẩm tra thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Cho ý kiến vào dự án Luật, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chọn phương án 2 nhằm thể hiện được tính chủ động của cơ quan soạn thảo bởi đây là cơ quan nắm được diễn biến của quá trình xây dựng văn bản.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, phương án 2 bảo đảm tính liên tục trong quá trình soạn thảo văn bản, tính chủ động, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Ông Diệp dẫn chứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo Chính phủ trình không hề có quy định hạn chế quyền của người lao động về chế độ trợ cấp 1 lần nhưng qua chỉnh lý đã phát sinh sự cố đáng tiếc và buộc phải sửa đổi dù chưa có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng ý với phương án 2 với quan điểm rằng đây là quyền của Quốc hội, nhất là tới đây trong bối cảnh dân trí pháp lý được nâng cao thì chủ thể trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không phải chỉ có Chính phủ mà sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Đồng thời, bày tỏ quan ngại phương án 2 về lâu dài sẽ rất phức tạp khi thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội là làm luật.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu Tổ biên tập xem xét, tiếp thu các ý kiến, trong đó phải đánh giá tác động kỹ lưỡng…/.

Theo Thu Hằng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam