Tản mạn từ ga metro Matxcơva
(Dân trí) - Ga metro ở Matxcơva (tàu điện ngầm) giờ cao điểm buổi sáng đông nghịt. Hành trình cùng con tàu bao năm tháng luyện cho tôi thói quen suy nghĩ vẩn vơ, nhớ về nước Nga yêu quý xưa và liên hệ với những gì bao gồm cả mặt trái và mặt phải hôm nay…
Bất ngờ... không thú vị
Đám người lao vội qua cánh cửa toa mở trong vòng vài chục giây, cứ như những robot được lập trình sẵn, hối hả, gấp rút đi đến điểm đã định. Con tàu cũng như những robot lại sầm sập lao vào đường hầm tối đen…
Bỗng, có tiếng nói chát chúa vang lên, giọng phụ nữ một già, một trẻ. Mọi người chưa kịp hiểu ra sự việc, đã nghe thấy tiếng đấm nhau uỳnh uỵch. Thì ra có hai nữ hành khách giẫm lên chân nhau khi họ lao vội vào toa. Chuyện này vẫn thường xảy ra vào buổi sáng sớm, khi những con người vừa kịp tươi tỉnh sau một đêm nghỉ ngơi của một ngày căng thẳng với áp lực công việc, đã lại phải đối mặt nhau, miễn cưỡng ép sát vào nhau trong cơn nghiêng ngả của con tàu. Nhưng theo lệ thường, chỉ có những bà sồn sồn khó tính với bộ mặt “chán chồng” mới thường hục hặc với nhau trên tàu. Ấy vậy mà hôm nay lại cất lên giọng nói lanh lảnh của một cô gái trẻ, ai nấy đều rướn mắt nhìn.
Cô gái giang tay đấm mạnh vào chiếc áo khoác dày cộp của một phụ nữ luống tuổi kèm theo hàng tràng chửi rủa, văng tục. Người đàn bà đối thủ thấp giọng đáp lại, nhưng cũng không kém phần cay độc. Họ giằng co nhau trong khoảng không gian chật hẹp không đủ giang thẳng hết một cánh tay. Rốt cuộc, họ đành hậm hực bỏ nhau ra, gầm gừ nhìn nhau, cố chịu đựng cho đến bến kế tiếp.
Cửa tàu mở, người phụ nữ luống tuổi vội bước ra, bỏ lại sau lưng cô gái trẻ với bộ mặt đắc thắng. Cô gái ngẩng cao đầu, đôi mắt xanh tuyệt đẹp với cái nhìn sắc lạnh, đôi môi mọng đỏ chắc hẳn đã từng làm bao chàng trai chết mệt, giờ vẫn mím chặt đầy khắc nghiệt cả khi cô nhoẻn miệng cười. Trông cô có vẻ là con nhà khá giả. Có lẽ đôi giầy hàng hiệu, đúng mode kia bị giẫm đạp, khiến cô nổi giận đến mức trở nên thô lỗ, hay đó là một kiểu phản ứng thông thường tự nhiên?
Các hành khách Nga bên cạnh dường như không còn chú ý đến cô gái nữa, họ tận hưởng sự bình yên chờ đến ga tàu của mình. Chỉ có mình tôi, một người xứ lạ, lỡ mang nặng tình yêu nước Nga chồng lên theo năm tháng, lại ái ngại nhìn cô như thể chính tôi vừa lỡ lời, đánh mất hình ảnh đẹp đẽ của chính mình.
Ga tàu điện ngầm nước Nga giờ đây đã thật sự thay đổi. Thi thoảng vẫn còn đó những chàng trai trẻ khỏe chễm chệ ngồi, giương “mắt ếch” trên ghế tàu nhìn cụ già lập cập hay đứa trẻ con khép nép đứng trong góc. Vài cái đụng chạm nhẹ cũng đủ làm người ta tuôn ra hàng tràng chửi rủa, lăng nhục thay cho lời xin lỗi.
Bức tranh cuộc sống
Có lẽ trên chuyến tàu mỗi ngày này, nước Nga cũng có phần bộc lộ ra những mặt trái rất thật của mình. Có lần trên tivi, tôi nhìn thấy vị Thị trưởng của thành phố với gương mặt hài lòng khi đi vi hành tàu điện ngầm. Điều đó cũng thật dễ hiểu, sự chuẩn bị công phu cho chuyến đi của một nhân vật đáng kính chỉ quen đi xe với còi hụ dẫn đường, đã mang lại hiệu quả. Ông ta không thể biết những điều quá nhỏ nhặt như “ trận thư hùng” giữa hai người phụ nữ sáng nay hay những điều “bình thường” khác nho nhỏ vẫn xảy ra….
Báo chí cũng không buồn tốn giấy mực viết về điều này, khi bản thân một số ít người Nga ngày càng trở nên vô cảm với những gì xảy ra xung quanh. Có lẽ cuộc sống bon chen thời hiện đại với những lo toan thường nhật đã biến họ thành những người có trái tim robot rồi chăng? Tôi không muốn tin vào điều đó!
Một buổi tối, trên chuyến tàu cuối ngày, một nhóm thanh niên bé nhỏ người Trung Á đứng túm tụm vào nhau, thì thầm bằng tiếng địa phương. Ba chàng trai Nga to cao ngồi gần đó bỗng đứng dậy. Một thanh niên giang rộng cánh tay chặn cửa ra vào, hai người khác chặn hai đầu. Họ vung vẩy vật gì đó trông như một thanh kim loại, ánh mắt chăm chú nhìn vào đám thanh niên Trung Á. Tiếng thì thầm im bặt, những đôi mắt một mí lấm lét nhìn như những con cừu đang bị quây bắt.
Có lẽ những chuyến metro dạo này đã khiến tôi đâm ra cảnh giác, không còn lâng lâng tận hưởng cảm giác bình yên như khi đi metro hàng chục năm về trước. Nhưng tôi vẫn không muốn tin vào sự “xuống cấp tinh thần” của một đất nước mà tôi đã nặng lòng gắn bó. Chắc chắn vẫn phải còn đâu đó những điều tốt đẹp. Tôi trở nên hay ngắm nhìn từng nét đẹp trong mỗi ga tàu và ...chờ đợi.
Thu Trang (Mùa đông Mátxcơva 2011)