Bạn đọc viết:

“Tác nhân” xe máy với nếp sống đô thị

(Dân trí) - Đã đến lúc không còn có thể áp dụng những giải pháp tình thế cho giao thông được nữa, mà cần giải pháp triệt để, dù có phải thiết lập lại một nền tảng tư duy giao thông mới cũng phải làm. Cần thay thế xe máy bằng phương thức hiện đại, phù hợp hơn.

“Tác nhân” xe máy với nếp sống đô thị - 1
Xe buýt ở Genting (Malaysia) (travel.com.vn)

 

Tư duy xe máy + nhà mặt phố

 

Các vấn đề cơ bản gây nên ùn tắc là:

 

1. Không đủ phương tiện công cộng cho người dân, dẫn đến phương tiện cá nhân tăng nhanh.

 

2. Đường sá không đủ và việc mở rộng đường rất khó khăn, tốn thời gian do phải giải phóng mặt bằng.

 

3. Các loại phương tiện khác nhau dùng chung hạ tầng dẫn đến lộn xộn, cản trở lẫn nhau, làm giảm tốc độ lưu thông.

 

 4. Ý thức người tham gia giao thông kém.

 

5. Các hoạt động khác (bán hàng rong, người đi bộ, người ra vào các cửa hàng bên đường, xe máy lên xuống vỉa hè...) cản trở các phương tiện giao thông.

 

Có thể còn một vài nguyên nhân nhỏ lẻ nữa, nhưng trong cả 5 nguyên nhân nói trên thì ta đều thấy xuất hiện “tác nhân" xe máy. Nó là nguyên nhân của các nguyên nhân.

 

Vì sao không thể phát triển giao thông công cộng? Đơn giản là xe bus cần phải có luồng đường sát lề phải để đón trả khách. Nếu không sẽ vẫn như hiện nay, khi đón khách thì tạt vào ép một loạt xe máy, dẫn đến xe máy nhao ra phía ngoài và cản ô tô. Đón khách xong lại phải nhao ra giữa đường cản trở ô tô. (Tốc độ xe bus nội thị bao giờ cũng thấp hơn xe con.) Vì thế, có đầu tư thêm xe bus cũng không có phần đường mà đi. Ở đây, xe máy trực tiếp cản mũi phương tiện GTCC cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

 

Vì sao việc đền bù GPMB lại tốn kém và chậm trễ đến vậy? Bởi vì, với tư duy đi xe máy, người ta sẵn sàng ở những cái nhà ống mặt đường để buôn bán kiếm sống. Giả thiết nếu không có xe máy, ô tô có thể dừng đỗ tùy tiện hoặc ghé lên vỉa hè để mua bán như hiện nay không? Tất nhiên là không.

 

Nhà mặt phố sẽ mất tác dụng buôn bán và nếu để ở thì không thể tiện nghi bằng chung cư. Vì vậy, người dân sẽ dễ dàng di chuyển để mở đường. Việc buôn bán sẽ tập trung ở các trung tâm mua sắm hoặc các kiosk gần bến xe bus, thậm chí có thể lan tỏa vào các ngõ chính dành cho người đi bộ. Đây sẽ là điểm quan trọng thay đổi tư duy và tập quán dẫn đến cơ hội cải thiện giao thông về lâu dài.

 

Thời gian "giải phóng" xe máy

 

Vì sao ô tô trong đô thị của ta chỉ đạt vận tốc lưu thông trung bình 15km/h? Nếu không có xe máy, ô tô luôn có thể chạy trên 50km/h trong đô thị, tức là gấp hơn 3 lần tốc độ trung bình hiện tại.

 

Ngược lại, nếu không có ô tô, tốc độ lưu thông của xe máy có lẽ vẫn vậy hoặc chỉ nhích lên không đáng kể. Bởi chính xe máy, với sự linh hoạt tạt ngang tạt ngửa hoặc lao từ hè xuống, từ đường lên hè đã tự cản trở lẫn nhau, làm cho các xe khác không dám đi nhanh. Khi dừng đỗ thì xe máy lèn chặt vào nhau không còn khe hở và không theo luồng lạch rõ ràng, xe đi thẳng cản xe rẽ, xe rẽ tạt mũi xe đi thẳng. Ô tô không thể có cách lưu thông đó.

 

Như vậy, sự cản trở lẫn nhau rõ ràng là do xe máy. Khi ý thức người giao thông kém, việc giảm 50 người ý thức kém trên đường lên một chiếc xe bus do một người được trang bị đầy đủ kỹ năng và ý thức giao thông điều khiển, thì rõ ràng là giảm thiểu 50 lần nguy cơ gây tắc đường, tai nạn.

 

Như đã nói ở trên, việc một nhà có đến 2-3 chiếc xe máy mà mỗi ngày chỉ chạy chừng 60 phút trên đường, còn lại họ sẽ dựng ở... vỉa hè. Thậm chí có gia đình đêm cất vào, ngày lại lôi ra vỉa hè mà rất ít khi dùng. Mà vỉa hè thì lại dành cho người đi bộ. Không còn chỗ đi thì họ phải tràn xuống lòng đường, cản trở lại phương tiện. Một chiếc xe máy có thể biến cả 1 đoạn phố thành các ngã tư bởi không cần đèn xanh đèn đỏ, họ vô tư lao từ trên hè xuống hay trong ngõ ra, tạo ra giao cắt với các xe khác. Nếu còn hiện tượng này, không xe nào trên đường dám chạy nhanh. Hàng rong cũng vì sự cơ động của xe máy mà lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán.

 

Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải mạnh dạn nghĩ đến cấm xe máy, ít nhất là từ vành đai 2 ở các thành phố lớn. Việc chuẩn bị cho cấm xe máy có lẽ không mất nhiều thời gian như mọi người lo sợ. Chỉ cần tính toán để đầu tư một lượng xe bus đủ cho thành phố và thời gian để người dân giải phóng chiếc xe máy về nông thôn.

 

Cần lưu ý là khi cấm xe máy, ta cùng lúc giải quyết được cả 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc và tai nạn nói trên. Đồng thời mở ra được hướng đi cho giao thông công cộng thay thế (có làn đường, mở rộng đường). Nếu ta cấm hẳn ô tô (hoặc cấm ngày chẵn lẻ) thì các tồn tại vẫn còn nguyên và chỉ một thời gian ngắn lại sẽ lại đi vào ngõ cụt, khi mà chỉ riêng số xe biển chẵn hoặc lẻ tăng lên bằng tổng số phương tiện hiện nay.

 

Ngoài ra, khi đã có phương tiện công cộng thay thế, lượng ô tô cũng sẽ tự điều chỉnh bởi người dân sẽ lựa chọn dùng phương tiện nào cho phù hợp với những quãng đường tương đối ngắn (dưới 5km) như hiện nay.
 
“Tác nhân” xe máy với nếp sống đô thị - 2
Một bãi đỗ xe ở Hà Nội (ảnh: Vietbao.vn)

 
Nếp sống đô thị

 

Nhiều người sẽ lo ngại nếu cấm xe máy thì người dân đi lại bằng gì? Có thể chắc chắn rằng, khi đó xe bus sẽ tràn ngập đường phố bởi có cung ắt có cầu. Khi nó đã có làn đường riêng thì đương nhiên là vận tốc sẽ tăng lên, năng lực chuyên chở cao và càng dễ sinh lợi.

 

Lúc đó sẽ có nhiều nhà đầu tư, như taxi vậy. Những đoạn đường ngắn (như đi chợ, đi uống cà phê, ăn sáng hay đón con ở nhà trẻ...) người ta sẽ quen dần với đi bộ, vì vỉa hè không còn ngổn ngang xe máy và hàng quán nữa.

 

Thay vì mất ít nhất 600.000đ (150.000 tiền đầu tư hàng tháng - nếu gửi tiền mua xe tối thiểu 15 triệu đồng vào tiết kiệm -  300.000 tiền xăng, 150.000 đỗ xe, rửa xe và bảo dưỡng), người dân sẽ chỉ phải mua một cái vé tháng 150.000đ. Vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa hạn chế nguy cơ tai nạn, ô nhiễm và cả mất trộm nữa.

 

Ngoài ra còn phải kể đến người dân và xã hội sẽ giảm được đáng kể về tiền bạc, sự đau đớn và sức khỏe cho việc chữa chạy các tai nạn giao thông của xe máy (từ nhẹ như trầy xước đến nặng như chấn thương hoặc tử vong). Điều này không tiền bạc nào mua được.

 

Những người đang kiếm sống nhờ mặt tiền và vỉa hè thì sao, họ sẽ lấy gì để sống? Rất đơn giản, nhu cầu không hề giảm đi, người ta vẫn phải mua rau, mua xà phòng, bàn chải... Nhà nước (hoặc tư nhân) sẽ xây dựng các khu mua sắm và chợ từ nhỏ tới lớn ở những vị trí thích hợp, đảm bảo số lượng người mua và người bán như cũ. Các điểm bán hàng có thể cho phép ở gần bến xe bus. Chỉ thay vì ta dừng xe máy mua ngay trên đường bằng việc ta xuống xe bus rồi rẽ bộ vào mua.

 

Sẽ hình thành một nếp sống đô thị, khi mà căn nhà chỉ dùng vào chức năng để ở chứ không kiêm chức năng nơi làm việc (bán hàng) kiếm sống nữa. Môi trường sống nhờ đó sẽ được cải thiện rất nhiều.

 

Cá nhân tôi đã nghĩ đến việc này từ hơn 10 năm trước, nhưng thời điểm đó xe máy chưa trở nên nguy hiểm và nghiêm trọng như bây giờ cho nên không ai nghĩ đến việc cấm nó cả.

 

Hy vọng đây là thời điểm mà mọi người dân đã "thấm thía" tác hại của xe máy và ủng hộ nếu Nhà nước có ý định cấm phương tiện này trong thành phố. Cũng hy vọng các cơ quan chức năng nghiên cứu nghiêm túc về khả năng này, vì thực ra không thể có một thành phố hiện đại nào có thể đáp ứng được phương thức giao thông hỗn độn ô tô xe máy với tỷ lệ như ở ta hiện nay.

 

Xe máy đã hoàn thành "sứ mạng lịch sử" của mình trong việc giải quyết chuyện đi lại cho người dân, như xe đạp trước kia. Hãy mạnh dạn thay thế nó bằng phương thức hiện đại và phù hợp hơn là ô tô (cá nhân và công cộng). Chưa kể nó sẽ làm thay đổi cả tập quán sinh sống và cách tư duy theo chiều hướng tốt hơn.

 

Tống Thành Nguyên

email:  nguyentt1969@yahoo.com